Ngành điện kỳ vọng khởi sắc trong năm 2025 sau một năm phân hóa lợi nhuận

Lợi nhuận sụt giảm ở các nhóm điện khí và thủy điện trong năm 2024 do giá mua điện và sản lượng giảm. Tuy nhiên, triển vọng năm 2025 đang trở nên tươi sáng hơn nhờ giá bán lẻ điện có thể được điều chỉnh tăng và hàng loạt dự án mới đi vào vận hành.

Theo VIS Rating, bức tranh lợi nhuận của ngành điện năm 2024 cho thấy sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm doanh nghiệp. Tổng doanh thu toàn ngành chỉ giảm nhẹ 0,3% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận ròng lại sụt giảm tới 26%. Trong đó, nhóm điện khí và thủy điện là hai “điểm tối” chính khi đồng loạt ghi nhận mức giảm mạnh cả về sản lượng và doanh thu.

Dù vậy, điểm tích cực là các công ty ngành điện vẫn duy trì khả năng trả nợ tốt nhờ dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (CFO) tăng trưởng mạnh. Tỷ lệ CFO/nợ đã tăng từ 16% năm 2023 lên 23% trong năm 2024, phản ánh nội lực tài chính đang dần được cải thiện, nhất là trong bối cảnh chi phí lãi vay giảm 23% nhờ mặt bằng lãi suất thấp và tiến độ thanh toán từ EVN được đẩy nhanh.

Nhiệt điện than - “đầu tàu” tăng trưởng sản lượng điện 2024

Tổng sản lượng điện toàn quốc năm 2024 đạt 308,7 tỷ kWh, tăng 10% so với cùng kỳ nhờ nhu cầu điện phục vụ tăng trưởng kinh tế. Trong đó, nhiệt điện than đóng vai trò dẫn dắt khi tăng trưởng sản lượng lên đến 18%, chiếm gần 50% tổng sản lượng toàn hệ thống.

Các doanh nghiệp tiêu biểu như PPC, NBP và DTK ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu năm 2024 lần lượt 32%, 23% và 9%. Dự kiến trong năm 2025, hai nhà máy mới là Vũng Áng 2 và Quảng Trạch 1 đi vào hoạt động sẽ nâng tổng công suất lắp đặt nhiệt điện than lên thêm 10%, tiếp tục là lực đẩy tăng trưởng quan trọng của ngành.

Ngược lại, nhóm điện khí trải qua một năm đầy thách thức. Sản lượng điện khí năm 2024 giảm 17%, đánh dấu năm thứ hai liên tiếp suy giảm do nguồn cung khí nội địa sụt giảm và giá khí tự nhiên tăng 7%. Những ông lớn như NT2 hay PGV (Nhà máy Phú Mỹ) đều ghi nhận doanh thu "lao dốc" lần lượt 7% và 22%.

Tuy nhiên, triển vọng phục hồi đang đến gần khi hai nhà máy sử dụng khí LNG nhập khẩu của POW dự kiến vận hành vào quý III/2025. Hai nhà máy này sẽ giúp nâng tổng công suất điện khí thêm 20%, mở ra cơ hội đảo chiều tăng trưởng trong năm tới.

Thủy điện hụt hơi vì thay đổi chính sách

Mặc dù sản lượng thủy điện tăng 10% nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi, nhưng lợi nhuận của nhóm thủy điện lại giảm mạnh do chính sách mới từ Bộ Công Thương. Cụ thể, các nhà máy phải cắt giảm sản lượng bán trên thị trường điện cạnh tranh - nơi giá cao hơn hợp đồng dài hạn với EVN - dẫn đến tổng doanh thu và lợi nhuận ròng toàn khối giảm lần lượt 4,4% và 20,4%.

VCP là điểm sáng hiếm hoi trong nhóm này khi doanh thu tăng nhờ hoạt động từ nhà máy xử lý rác mới mua lại trong năm 2023. Bước sang năm 2025, dự báo nhóm thủy điện sẽ không có nhiều biến động, với sản lượng và doanh thu duy trì ổn định.

Dòng tiền cải thiện - nền tảng cho tăng trưởng bền vững

Cũng theo VIS Rating, mặc dù lợi nhuận ảm đạm, ngành điện vẫn cho thấy sức khỏe tài chính vững vàng nhờ dòng tiền hoạt động tăng mạnh 48% so với cùng kỳ trong năm 2024. Việc EVN cải thiện thanh khoản, thanh toán công nợ nhanh hơn sau đợt tăng giá bán lẻ điện gần đây đã hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp ngành điện.

Dự báo năm 2025, triển vọng toàn ngành sẽ khởi sắc hơn nhờ sự kết hợp của ba yếu tố: giá bán lẻ điện có thể được điều chỉnh tăng, hàng loạt dự án mới đưa vào vận hành, và nhu cầu điện trong nước duy trì ở mức cao. Dự kiến, tổng công suất nguồn điện mới bổ sung sẽ tăng thêm 6%, mở rộng dư địa tăng trưởng cho toàn ngành.

Như vậy, sau một năm đầy biến động, ngành điện Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của chu kỳ phục hồi mạnh mẽ, với sự dịch chuyển từ thách thức ngắn hạn sang cơ hội trung và dài hạn. Những cải tiến về dòng tiền, sự phát triển của nhiệt điện than và điện khí LNG, cùng với kỳ vọng điều chỉnh giá điện sẽ là động lực chính cho sự bứt phá trong năm 2025.

Lâm.TV

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nganh-dien-ky-vong-khoi-sac-trong-nam-2025-sau-mot-nam-phan-hoa-loi-nhuan-162205.html