Ngành công nghiệp- 'giải bài toán' phụ thuộc FDI
Tăng trưởng xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo đang ở mức cao, nhưng đóng góp chính thuộc khối doanh nghiệp FDI.
Phụ thuộc lớn vào “khối ngoại”
Theo Bộ Công Thương, công nghiệp hiện trở thành ngành đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước và đóng vai trò quan trọng trong phát triển của nền kinh tế. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI đang chiếm khoảng 70% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.
Vướng mắc của nền công nghiệp Việt Nam nằm ở việc nội lực còn yếu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phụ thuộc quá lớn vào các doanh nghiệp FDI. Đơn cử, các doanh nghiệp FDI chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt, đối với các ngành xuất khẩu chủ lực như điện - điện tử, dệt may, da giày, số lượng doanh nghiệp FDI chỉ khoảng 20% trên tổng số doanh nghiệp nhưng lại chiếm tới hơn 80% kim ngạch xuất khẩu. Các doanh nghiệp này chủ yếu tập trung ở khu vực hạ nguồn để tận dụng các ưu đãi về thuế và các chi phí đầu vào như nhân công giá rẻ và các yêu cầu về môi trường, lao động chưa quá cao của Việt Nam.
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) thẳng thắn chỉ ra, thời gian qua, việc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất công nghiệp chủ yếu đến từ khu vực các doanh nghiệp FDI chứ không phải các doanh nghiệp nội địa; chưa tận dụng được những lợi thế cạnh tranh của việc kết nối giữa khu vực kinh tế với các địa phương để tạo ra các chuỗi sản xuất công nghiệp.
Mối liên hệ, kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa còn lỏng lẻo, hạn chế tác động lan tỏa giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước. Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh, năng lực tổ chức quản lý, trình độ công nghệ của phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam còn thấp, chưa đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe của các tập đoàn đa quốc gia hoặc các doanh nghiệp đầu chuỗi.
“Hầu hết các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đều là doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, chưa đủ năng lực cạnh tranh với hàng nhập khẩu về giá, chất lượng, và tiến độ giao hàng. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ cao vẫn chủ yếu do các doanh nghiệp FDI cung cấp. Để phục vụ nhu cầu sản xuất, lắp ráp trong nước, Việt Nam vẫn nhập siêu linh kiện, phụ tùng với giá trị lớn”- báo cáo Cục Công nghiệp chỉ ra.
Hay đơn cử như ngành điện tử, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) cho hay, được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò lớn trong xuất khẩu, nhưng thực tế, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện Việt Nam vẫn phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Bà Hương chỉ ra nguyên nhân căn bản là tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử còn thấp; các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng linh kiện ngoại; doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử dù đã tham gia vào chuỗi giá trị của ngành, nhưng mới cung cấp được các sản phẩm đơn giản, có giá trị hàm lượng công nghệ thấp.
“Ngành công nghiệp điện tử có đặc thù là thâm dụng lao động lớn. Điều đó ngược hẳn với ngành công nghiệp điện tử ở các nước khác trên thế giới khi tập trung vốn và công nghệ. Nguyên nhân do Việt Nam tập trung vào khâu hạ nguồn, chủ yếu là lắp ráp và thâm dụng lao động”, bà Đỗ Thị Thúy Hương nhìn nhận.
Kết nối doanh nghiệp nội vào chuỗi giá trị cao
Theo Bộ Công Thương, thời gian tới Bộ sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách cũng như các hoạt động hỗ trợ khác nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp nhanh và bền vững.
Cụ thể, Bộ sẽ xây dựng các chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp trọng điểm. Ngoài ra, triển khai hiệu quả chương trình phát triển công nghiệp hỗ, góp phần nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng nhập khẩu.
Quan trọng là đổi mới chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, chuyển mạnh chính sách thu hút FDI trong lĩnh vực công nghiệp từ số lượng sang chất lượng và có trọng tâm, trọng điểm. “Định hướng lựa chọn và khuyến khích dự án FDI vào các ngành công nghiệp theo hướng ưu tiên sử dụng nhiều nguyên liệu, linh phụ kiện sản xuất trong nước, có tỷ lệ chi cho nghiên cứu và phát triển khoa học - công nghệ trong nước cao, có cam kết chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực tại chỗ; ưu tiên hình thức liên doanh, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp trong nước; ưu tiên các công ty đa quốc gia có thương hiệu quốc tế và có năng lực cạnh tranh cao, các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ”- lãnh đạo Cục Công nghiệp nêu giải pháp.
Bên cạnh đó, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm các doanh nghiệp công nghiệp có tiềm năng trở thành các tập đoàn có quy mô khu vực và toàn cầu, đóng vai trò dẫn dắt các doanh nghiệp trong nước, thông qua cơ chế hỗ trợ, khuyến khích mua bán và sáp nhập giữa các doanh nghiệp nội địa; chuyển giao công nghệ; tiếp tục các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế và tài chính.
Đồng thời tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ theo các định hướng chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ để từng bước cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa, phát triển chuỗi giá trị trong nước, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung phát triển một số sản phẩm quan trọng, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, tăng cường sự kết nối, lan tỏa về vốn, chuyển giao công nghệ, bí quyết đổi mới sáng tạo giữa FDI và các doanh nghiệp trong nước, hỗ trợ phát triển mô hình các doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off) trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Lãnh đạo Cục Công nghiệp cũng cho rằng, tiến tới đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp vật liệu giúp tăng cường tính tự chủ về nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu. Trên cơ sở đó có chiến lược và chính sách tập trung ưu đãi, hỗ trợ cho việc sản xuất các vật liệu cơ bản như thép chế tạo (phục vụ cho các ngành cơ khí); nguyên phụ liệu, vải và da thuộc cho các ngành dệt may và da - giày; các sản phẩm từ hóa dầu như hạt nhựa, khuôn nhựa, cao su nhân tạo, sợi nhân tạo... để đảm bảo đầu vào cho các ngành công nghiệp hỗ trợ cũng như các ngành công nghiệp hạ nguồn.
Bên cạnh đó, Cục Công nghiệp tiếp tục nỗ lực tập trung đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, nâng cao vai trò của các doanh nghiệp công nghiệp đầu tàu trong nước. Tiếp tục phát huy vai trò của các Hiệp hội ngành hàng để thúc đẩy liên kết sản xuất với các doanh nghiệp trong nước, khuyến khích các dự án ưu tiên sử dụng nhiều nguyên liệu, linh phụ kiện nội địa nhằm nâng cao tính độc lập, tự chủ.
Tại Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030, Bộ Công Thương nêu rõ, tiếp tục mở rộng xuất khẩu để khai thác có hiệu quả tiềm năng thị trường gắn với chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, có tỷ lệ nội địa hóa lớn và đáp ứng tiêu chuẩn cao về tiêu chuẩn chất lượng và phát triển bền vững của các thị trường.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nganh-cong-nghiep-giai-bai-toan-phu-thuoc-fdi-321937.html