Ngân hàng muốn đấu giá khoản nợ trăm tỷ của đại gia đi nước ngoài rồi biệt tăm

Khoản nợ của Công ty Thuận An tính đến 30/9/2024 là gần 417,4 tỷ đồng theo các hợp đồng tín dụng ký từ năm 2016. Ngân hàng muốn bán với giá khởi điểm bằng đúng giá trị khoản nợ.

Agribank Chi nhánh tỉnh An Giang, thông qua Agribank AMC, vừa thông báo lựa chọn đơn vị đấu giá khoản nợ của Công ty Thuận An tại Agribank An Giang theo hai hợp đồng tín dụng ký năm 2016. Giá trị ghi sổ của khoản nợ tạm tính đến 30/9/2024 là 417,373 tỷ đồng, trong đó, nợ gốc hơn 289 tỷ đồng, nợ lãi gần 128,3 tỷ đồng.

Ngoài hai hợp đồng tín dụng đã ký, hồ sơ pháp lý của khoản nợ gồm hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa Agribank An Giang và Công ty Thuận An; hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của người khác giữa Agribank An Giang và ông Nguyễn Thái Sơn, Chủ tịch HĐTV, cùng vợ là bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, Tổng Giám đốc công ty.

Tuy nhiên, Agribank An Giang không công bố thông tin cụ thể về tài sản bảo đảm là các quyền sử dụng đất.

Trụ sở Công ty Thuận An tại An Giang. Ảnh: Tafishco Fisheries.

Trụ sở Công ty Thuận An tại An Giang. Ảnh: Tafishco Fisheries.

Giá khởi điểm đấu giá toàn bộ khoản nợ của Công ty Thuận An là 417,373 tỷ đồng. Khoản nợ được đấu giá theo nguyên trạng (bao gồm nguyên trạng khoản nợ, tình trạng pháp lý và các rủi ro tiềm ẩn) và theo phương thức có sao bán vậy.

Công ty Thuận An có tên gọi đầy đủ là Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Thuận An (Tafishco), trụ sở đặt tại An Giang, do vợ chồng ông Nguyễn Thái Sơn - bà Nguyễn Thị Huệ Trinh làm chủ tịch HĐTV và tổng giám đốc.

Thuận An từng là doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thủy sản, với mặt hàng chủ lực là cá tra, với doanh số hồi năm 2013 đã vượt 1.100 tỷ đồng.

Năm 2014, Thuận An được lựa chọn làm đầu mối tổ chức chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - xuất khẩu cá tra. Chuỗi liên kết cá tra đã mang lại hiệu quả và ổn định trong hầu hết thời gian thí điểm.

Theo hợp đồng nguyên tắc ba bên giữa Thuận An, Agribank An Giang và người nuôi cá thì Agribank An Giang cung cấp tín dụng bằng thức ăn nuôi cá cho nông dân, không giải ngân bằng tiền mặt như các hợp đồng tín dụng thông thường; người nuôi cá sau khi bán cá cho Thuận An xem như hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng ba bên; trách nhiệm thu nợ còn lại là của Agribank An Giang đối với Thuận An... Agribank An Giang có trách nhiệm giám sát dòng tiền từ khâu giải ngân đến thu nợ.

Tuy nhiên, tháng 11/2016, ông Nguyễn Thái Sơn và bà Nguyễn Thị Huệ Trinh xuất cảnh ra nước ngoài để “xúc tiến thương mại” và bặt vô âm tín từ đó, để lại khoản nợ ngân hàng, nợ BHXH, nợ người nuôi cá tra,... gần 1.000 tỷ đồng, khiến cả ngân hàng và các hộ nông dân phải hứng chịu thiệt hại.

Tuân Nguyễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ngan-hang-muon-dau-gia-khoan-no-tram-ty-cua-dai-gia-di-nuoc-ngoai-roi-biet-tam-2351427.html