Nếu cuộc chiến Nga-Ukraine bùng nổ

Không ai biết động thái tiếp theo của Tổng thống Putin sẽ là gì. Tuy nhiên, nếu Nga chuẩn bị cho cuộc chiến ở Ukraine, thì xác suất nước này giành 'chiến thắng' là bao nhiêu?

Ukraine cảnh báo, dù Nga đã rút quân nhưng nguy cơ xung đột vẫn xảy ra. (Nguồn: AP)

Tuần qua, Nga đã bắt đầu các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn ở Crimea và dọc theo biên giới với Ukraine. Việc điều động hơn 100.000 quân - được hỗ trợ bởi các đơn vị thiết giáp hạng nặng, không quân và hải quân ở Biển Đen – đã khiến nhiều người lo ngại đây là khúc dạo đầu cho một cuộc xâm lược Ukraine. Sau đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ rút quân về căn cứ thường trực trước tháng 5 tới.

Không ai biết động thái tiếp theo của Tổng thống Putin sẽ là gì? Tuy nhiên, nếu Nga chuẩn bị cho cuộc chiến ở Ukraine, thì xác suất nước này giành “chiến thắng” là bao nhiêu?

Một số chuyên gia đã thực hiện nghiên cứu về tương quan lực lượng của quân đội hai nước để đưa ra đánh giá về khả năng trên.

Nga gặp khó nhưng Ukraine sẽ không có cơ hội

Quân đội của Nga, giống như dân số của nước này, lớn gấp 3 lần quy mô của Ukraine. Nhưng nếu Tổng thống Putin phát động cuộc chiến, ông sẽ không thấy dễ dàng như hồi năm 2014 - khi các lực lượng đặc nhiệm của Nga và dân quân địa phương chiếm quyền kiểm soát Crimea và phần lớn biên giới của Ukraine với Nga mà không vấp phải nhiều phản kháng.

Vì sao lại như vậy? Ukraine hiện đã có 7 năm kinh nghiệm chiến đấu tại cộng hòa ly khai Donbass nói tiếng Nga, với gần 10.000 quân tử trận trong giai đoạn đó. Ukraine cũng đã tăng chi tiêu và hiện đại hóa lực lượng với sự giúp đỡ của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Donbass từng chính thức là một phần của Ukraine cho đến năm 2014.

Đánh giá năng lực quân sự của mỗi bên, một sĩ quan tình báo quân đội NATO nhận định: “Ukraine đã mất rất nhiều binh lính ở Donbass và đã học được rất nhiều điều trong khoảng thời gian đó.

Người Ukraine rất can đảm và giàu lòng yêu nước. Họ không thiếu động lực để chống lại người Nga và họ đã chiến đấu trên mặt trận đó suốt 7 năm qua. Họ đã tiến bộ rất nhiều về mọi khía cạnh so với năm 2014 và thực sự có thể hỗ trợ quân đội trên thực địa”.

Năm 2014, quân đội Ukraine thời Xô viết thiếu thốn về cơ bản đã không thể phản ứng kịp với các sự kiện ở Donbass và Crimea, khiến người Ukraine phải thành lập các lực lượng dân quân tự xưng và thường do địa phương hỗ trợ.

Nhưng giờ đây, theo một cựu lính đặc nhiệm Anh từng có nhiều năm hoạt động ở Donbass để bảo vệ an ninh cho các hãng truyền thông, quân đội Ukraine hiện nay có khả năng giữ vị trí và sẽ gây thương vong lớn cho lực lượng Nga nếu Nga phát động cuộc tấn công Ukraine.

Ukraine hiện chi khoảng 5 tỷ USD mỗi năm cho quân đội, gần gấp đôi so với trước năm 2014. Nhưng Nga đang chi hơn 65 tỷ USD và sở hữu một loạt khả năng lớn hơn và hiện đại hơn nhiều, khiến cho việc kháng cự lâu dài của Ukraine gần như không thể.

Nga trang bị các loại vũ khí hiện đại cho lực lượng không quân và hải quân, bao gồm cả tên lửa hành trình siêu thanh có thể tấn công chính xác mục tiêu từ khoảng cách an toàn - thứ mà Ukraine không có khả năng chống trả.

Cựu binh sĩ Anh nhận xét: “Với lực lượng mạnh được trang bị vũ khí tối tân như vậy, không quân đội nào có thể sánh được với lợi thế của Nga về tác chiến điện tử, tên lửa hành trình và năng lực không quân…. Vì vậy, về trung và dài hạn, Ukraine không có cơ hội, trừ khi được NATO trợ giúp”.

Nga sẽ có thể dễ dàng nhắm vào các cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất quan trọng ở xa phía sau chiến tuyến của Ukraine trong những ngày đầu của cuộc chiến. Các nhà phân tích cho rằng điều này sẽ làm giảm khả năng chiến đấu của quân đội trên tiền tuyến.

Cựu lính đặc nhiệm Anh nói: “Nhưng nếu NATO có thể hạn chế các hệ thống mà người Nga có thể sử dụng, cuộc chiến sẽ trở nên rất khó khăn cho cả hai bên”.

Bước tiếp theo của ông Biden

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đẩy mạnh viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraine, quốc gia đã yêu cầu Mỹ chuyển một tổ hợp tên lửa Patriot tiên tiến từ Ba Lan sang Ukraine. Động thái này có thể sẽ khiến Tổng thống Putin tức giận.

Ngoài khả năng bảo vệ mà Patriot có thể cung cấp trước một cuộc tấn công trên không, Mỹ có thể cho phép triển khai tên lửa chống tăng Javelin, một hệ thống vũ khí tiên tiến mà Ukraine hiện đang sở hữu. Đây là vũ khí công nghệ cao được thiết kế đặc biệt để chống lại các loại xe tăng chủ lực tiên tiến của Nga.

Những yếu tố quân sự này sẽ ảnh hưởng đến suy tính của cả ông Biden và ông Putin trong những ngày sắp tới khi cuộc khủng hoảng tiếp diễn.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoygu cho biết, việc bố trí các đơn vị quân đội ở sườn phía Đông của Ukraine “chứng tỏ khả năng của Nga trong việc cung cấp một lực lượng phòng thủ đáng tin cậy để bảo vệ đất nước”, nhưng các đơn vị này sẽ trở về các căn cứ đóng quân thường trực trước ngày 1/5 tới.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thận trọng hoan nghênh động thái mới này.

Có lẽ việc tuyên bố rút quân cho thấy, ông Putin nhất trí rằng chi phí và rủi ro sẽ rất cao ngay cả khi Nga giành chiến thắng. Hoặc có thể đó chỉ là những gì mà ông muốn Ukraine nghĩ vào lúc này.

(theo Business Insider)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/neu-cuoc-chien-nga-ukraine-bung-no-143204.html