Nếu chỉ dùng cuộc gọi định danh thì khó giải quyết triệt để vấn nạn lừa đảo

Với những chiêu trò như: giả danh cơ quan công an để thông báo liên quan đến vụ án ma túy; mạo danh ngân hàng để yêu cầu cung cấp tài khoản cá nhân; lợi dụng DN để thông báo trúng thưởng… kẻ gian đã đánh trúng được tâm lý sợ trách nhiệm, ham lời của nhiều nạn nhân, từ đó dễ dàng chiếm đoạt tài sản theo những kịch bản đã dựng sẵn.

Ảnh minh họa

Thực tế đã ghi nhận nhiều vụ lừa đảo dạng này lên tới hàng trăm, thậm chí là hàng tỷ đồng. Mặc dù các cơ quan chức năng cùng nhà mạng di động đã liên tục phát đi những thông điệp về nhận dạng, cách ứng phó với những chiêu trò này trên phương tiện truyền thông nhưng vẫn rất nhiều người sập bẫy các đối tượng này.

Từ 27/10, cuộc gọi đến từ Văn phòng Bộ, Cục Báo chí, Cục An toàn thông tin, Cục Viễn thông, Cục Tần số vô tuyến điện đều hiển thị tên định danh "BO TTTT". Tương tự, cuộc gọi của DN viễn thông tới khách hàng cũng hiển thị tên định danh của nhà mạng.

Có thể kể đến như: tên định danh VNPT, VinaPhone của nhà mạng VinaPhone, VIETTELCSKH của nhà mạng Viettel, FPT SHOP của nhà mạng FPT, hay LOCAL của nhà mạng ASIM… Các số điện thoại gọi đến người dân mà đối tượng xưng danh là đơn vị thuộc bộ hay doanh nghiệp viễn thông, nhưng không hiển thị tên định danh kèm theo đều là các số điện thoại giả mạo, có dấu hiệu lừa đảo. Người dân cần cảnh giác với những cuộc gọi, tin nhắn từ những số điện thoại này.

Giải pháp này của Bộ Thông tin truyền thông là cần thiết, tuy nhiên để hạn chế triệt để vấn nạn lừa đảo thì tôi cho rằng cần thêm các giải pháp khác. Trong thời gian tới, việc định danh cho đường dây nóng cần nhanh chóng và khẩn trương mở rộng ra các bộ, ngành khác như công an, tòa án, ngân hàng... Đặc biệt, cần triển khai đồng bộ, chấn chỉnh tình trạng sim rác, cuộc gọi nặc danh và nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân.

Người dân được khuyến cáo nếu nhận được các cuộc gọi từ số điện thoại giả mạo, cần phản ánh tới các đầu số tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo của Bộ là 156, 5656 hoặc phản ánh tới DN viễn thông quản lý thuê bao của mình để yêu cầu xử lý.

Ngoài ra, người dân nên tham khảo hướng dẫn về các dấu hiệu để nhận diện 24 hình thức lừa đảo phổ biến đã được Cục An toàn thông tin công bố để nâng cao cảnh giác, hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân, sử dụng mật khẩu an toàn và chủ động nâng cao kiến thức bảo mật để không biến mình trở thành nạn nhân của các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi.

Xuân Mai

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/neu-chi-dung-cuoc-goi-dinh-danh-thi-kho-giai-quyet-triet-de-van-nan-lua-dao-361042.html