Nên tiếp tục gia hạn Thông tư 02 để khách hàng có thời gian sắp xếp trả nợ

Lãnh đạo các ngân hàng cũng như nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cần thiết gia hạn thêm thời gian của Thông tư 02, do thị trường hiện còn khó khăn, khách hàng cần thêm thời gian để cơ cấu và trả nợ.

Đề xuất gia hạn Thông tư 02

Nợ xấu đang là mối lo của toàn hệ thống ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống đã đạt 4,95%. Ngay cả những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu giảm và nợ xấu mức dưới 3% cũng xem việc xử lý nợ xấu trong năm nay là nhiệm vụ trọng tâm.

Thông tư 02 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành vào cuối tháng 4.2023, quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Thông tư này sẽ hết hiệu lực vào tháng 6.2024.

Trong năm qua, Thông tư 02 đã góp phần không nhỏ vào việc tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế còn nhiều thách thức. Trong khi đó, các ngân hàng cũng giảm đi được áp lực hạch toán nợ xấu và trích lập dự phòng. Theo đó, nợ xấu có thể phình to khi Thông tư 02 hết hiệu lực vào tháng 6.2024, các khoản nợ tái cơ cấu trước đây sẽ về đúng nhóm phân loại nợ.

Đề xuất gia hạn Thông tư 02

Theo đại diện các ngân hàng, trước bối cảnh kinh tế khó khăn, sức cầu thị trường còn yếu đã tác động lên khả năng trả nợ của khách hàng nên các ngân hàng kiến nghị được gia hạn thêm Thông tư 02 từ 6 tháng đến 1 năm, thay vì đến 30.6.2024 đến hạn.

Tổng giám đốc VPBank, ông Nguyễn Đức Vinh cho rằng hiện lãi suất cho vay đã giảm, song nhu cầu vốn của thị trường chưa cao. Do đó, lãi suất không còn là vấn đề đối với người đi vay trong bối cảnh hiện nay mà chủ yếu là làm thế nào để kích cầu được sức mua.

Ngoài ra, cho vay tiêu dùng sụt giảm mạnh, với 16 công ty tài chính tiêu dùng nhưng trong năm qua dư nợ cho vay giảm hơn 20%, kể cả FeCredit cũng khó tránh giảm. Mặc dù cần đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, song các ngân hàng cũng thận trọng cho vay để kiểm soát rủi ro nợ xấu, do đó không thể đẩy mạnh cho vay bằng mọi giá.

Trong khi đó, ông Võ Minh, Giám đốc NHNN Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng cần thiết gia hạn thêm thời gian của Thông tư 02, do thị trường hiện còn khó khăn, khách hàng cần thêm thời gian để cơ cấu và trả nợ. Tuy nhiên, theo ông Minh, cần có sự nghiên cứu, phân tích và dự báo về khó khăn cũng như sự phục hồi của nền kinh tế để lấy điểm mốc gia hạn thời gian, chứ không thể nói là gia hạn thêm 6 tháng hay 1 năm.

Ông Đỗ Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc phụ trách VietinBank đánh giá: "Khách hàng sẽ tiếp tục khó khăn trong đầu năm 2024 và kéo đến đầu năm 2025, cho nên việc kéo dài Thông tư 02 về cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ là cần thiết".

Phía ngân hàng cho rằng nên gia hạn Thông tư 02 để khách hàng có thêm thời gian sắp xếp trả nợ

Ngoài ra, ông Sơn cũng kiến nghị về vấn đề trích lập dự phòng cụ thể cho các khoản nợ trung hạn đã được cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Theo ông, với các kỳ hạn mà nhóm khách hàng này đã thanh toán đủ nợ thì không phải trích dự phòng bổ sung cho phần còn lại vì thời gian cho vay trung hạn còn kéo dài.

Ông Phạm Quang Thắng, Phó tổng giám đốc Techcombank cũng cho hay về cơ cấu nợ của khách hàng tại Techcombank theo Thông tư 02, đến cuối tháng 1.2024 khoảng 6.000 tỉ đồng và hiện khách hàng cũng bắt đầu trả nợ dần. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thời gian trả nợ thì nên gia hạn thêm thời gian đối với việc cơ cấu và trả nợ tại Thông tư 02.

Có thể gia hạn Thông tư 02 6 tháng hoặc 1 năm

Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng cần thiết việc xem xét gia hạn thêm Thông tư 02, nhưng vấn đề gia hạn thêm 6 tháng hay 1 năm thì cần được xem xét kỹ. Mặc dù tín dụng có chậm lại trong tháng đầu năm nay, các ngân hàng cũng không nên cho vay bằng mọi giá, nhưng cũng không thể thắt chặt tín dụng. Đây là hai vấn đề cần được đảm bảo.

“Tín dụng cần được hướng vào lĩnh vực ưu tiên, đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn, nhưng có điều kiện phục hồi”, ông Tú nói.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cũng đồng tình việc gia hạn Thông tư 02. Theo vị chuyên gia, thời gian qua kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp không thể trả nợ đúng hạn, bị rơi vào nhóm nợ xấu hoặc chuyển nhóm nợ. Việc kéo dài thông tư này sẽ giúp doanh nghiệp có thêm hy vọng “hồi sức”.

“Nền kinh tế vẫn còn khó khăn thì theo tôi có thể kéo dài Thông tư 02 đến hết năm 2024”, ông Thịnh nói.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)

Báo cáo về ngành ngân hàng mới đây của Chứng khoán MB chỉ ra việc gia hạn hiệu lực Thông tư 02 sẽ giúp giảm áp lực gia tăng nợ xấu đối với các ngân hàng có tỷ trọng cho vay BĐS cao như Techcombank, MB hay VPBank trong bối cảnh dòng tiền trả nợ của cả người đi vay và chủ đầu tư dự án đều đang ngưng trệ.

Ngoài ra, người đi vay cũng sẽ có thêm thời gian để thu xếp dòng tiền trả nợ, từ đó có thể giải quyết dứt điểm nợ xấu tiềm tàng của hệ thống ngân hàng. Thêm nữa, việc gia hạn thêm hiệu lực của Thông tư 02 sẽ giúp giảm dần áp lực trích lập của các ngân hàng thương mại khi kết quả kinh doanh năm 2024 được kỳ vọng khả quan hơn, nâng bộ đệm trích lập cho các ngân hàng.

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng NHNN cần cân nhắc kỹ lưỡng trong việc có gia hạn Thông tư 02 hay không. Ngoài ra, cần minh bạch các con số về nợ xấu ngân hàng để nhà đầu tư có kỳ vọng hợp lý vào tình hình của hệ thống ngân hàng hiện tại, tránh việc tạo ra những cú sốc tâm lý gây tác động xấu đến hệ thống. Ông Huân cũng nhấn mạnh nên tập trung vào xử lý nợ xấu một cách đúng nghĩa chứ không phải là che đi con số thực tế.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nen-tiep-tuc-gia-han-thong-tu-02-de-khach-hang-co-thoi-gian-sap-xep-tra-no-214334.html