NASA: Thêm bằng chứng sự sống từng tồn tại trên Sao Hỏa
Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết hai mẫu đá vừa thu được mang những dấu hiệu củng cố khả năng từng có sự sống trên Sao Hỏa.
Xe thăm dò Perseverance của NASA đã thu được hai mẫu đá trên Sao Hỏa. Trên hai mẫu đá này có những dấu hiệu cho thấy chúng từng có thời gian dài tiếp xúc với nước, củng cố thêm khả năng tồn tại cuộc sống cổ đại trên "hành tinh đỏ", NASA thông báo hôm 10/9.
"Có vẻ như những mẫu đá đầu tiên cho thấy từng có một môi trường có khả năng duy trì sự sống. Nước từng tồn tại trong thời gian dài trên Sao Hỏa là điều rất có ý nghĩa", Kem Farley, nhà khoa học thuộc dự án thăm dò Sao Hỏa của NASA, cho biết.
Mẫu đá đầu tiên được Perseverance thu thập hôm 6/9 có tên "Montdenier". Mẫu đá thứ hai tên "Montagnac" thu được hôm 8/9.
Những mẫu vật đầu tiên có thành phần là đá bazan, nhiều khả năng là sản phẩm của dòng chảy nham thạch.
Đá núi lửa thường chứa nhiều khoáng chất tinh thể, rất hữu dụng trong xác định niên đại của chúng. Điều này giúp các nhà khoa học xây dựng bức tranh phác họa về lịch sử địa lý, như thời điểm miệng núi lửa hình thành, thời gian hồ nước xuất hiện và biến mất, cũng như biến đổi của khí hậu trong khoảng thời gian đó.
"Một điều thú vị về những mẫu đá này là chúng có những dấu hiệu cho thấy tương tác lâu dài với nước ngầm", Katie Stack Morgan, một nhà địa chất học của NASA, nói.
Các nhà khoa học trước đó đã biết từng tồn tại một hồ nước ở khu vực miệng núi lửa nơi xe thăm dò Perseverance đang hoạt động. Tuy nhiên, NASA không thể loại trừ khả năng hồ nước chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, khoảng 50 năm.
Với các mẫu đá thu được, NASA hiện chắc chắn hơn về khả năng nước đã tồn tại trong khoảng thời gian dài.
"Nếu những tảng đá này tiếp xúc với nước trong thời gian dài, có thể có những hốc nhỏ bên trong giúp duy trì các dạng sống của vi sinh vật cổ đại", bà Morgan nói.
Các khoáng chất muối bên trong lõi những tảng đá có thể giữ lại những bong bóng nước nhỏ, bảo tồn những dấu hiệu của sự sống cổ đại nếu chúng thực sự tồn tại.
NASA hy vọng có thể đưa những mẫu đá này về Trái Đất để nghiên cứu sâu hơn. Tuy nhiên, việc đưa mẫu vật về Trái Đất nhiều khả năng chỉ có thể thực hiện trong một nhiệm vụ chung với Cơ quan Không gian châu Âu vào thập niên 2030.