Nâng tầm tò he

Con giống bột, hay còn gọi là tò he, từ bao đời nay đã là món đồ chơi cổ truyền của thiếu nhi Việt. Mỗi năm, tại làng Xuân La thuộc huyện Phú Xuyên (Hà Nội), anh Đặng Văn Hậu, một trong những nghệ nhân trẻ tuổi của làng nghề tò he Xuân La (được UBND TP Hà Nội - Sở Công thương TP Hà Nội trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội năm 2014) lại cho ra đời bộ sản phẩm tò he mới phục vụ các ngày lễ thiếu nhi, làm quà tặng du lịch.

Nghệ nhân Đặng Văn Hậu với niềm đam mê con giống bột

Nghệ nhân Đặng Văn Hậu với niềm đam mê con giống bột

Nét đẹp văn hóa dân gian

Nhắc đến cái nôi của tò he, nghệ nhân Đặng Văn Hậu cho biết, làng nghề nặn tò he Xuân La có tuổi đời hơn 300 năm, với khoảng 100 hộ còn giữ nghề đến nay. Tuổi thơ của anh Hậu gắn liền với nghề nặn tò he qua sự chỉ dạy của ông bà, cha mẹ và cô bác trong làng, rồi bằng niềm say mê, anh tự học, nâng cao tay nghề.

Để cho sản phẩm đẹp, bền, khâu nặn bột, trộn màu vô cùng quan trọng. Cách phối màu là tuân theo quy tắc “nhất đỏ, nhì vàng”. Với nguyên liệu bột truyền thống của các cụ ngày xưa, tò he chơi xong là có thể ăn được, nên sản phẩm không để được lâu và mau hư. Sau này, để phục vụ việc bán cho du khách làm quà tặng, yêu cầu thời gian bảo tồn lâu dài, các nghệ nhân phải cải tiến để sản phẩm bền, giữ được lâu hơn. Năm 2014, với sự trợ giúp của một số nhà khoa học, anh Hậu đã sáng chế loại bột chống ẩm mốc để tạo độ bền cho sản phẩm. Mỗi lần làm bột, xưởng của anh làm được khoảng 100-200kg bột làm tò he.

Trước kia, người làng thường nặn sẵn tò he ở nhà rồi mang ra chợ bán, các con giống được gắn vào vòng tre. Khi bày lên mâm cỗ trung thu, trẻ con chơi xong, sau đó hấp lại, làm đồ ăn. Sau này, tò he được gắn vào que tre, sử dụng bột thực phẩm công nghiệp thay màu tự nhiên. Nguyên liệu được thay từ bột tẻ thành bột nếp để tạo độ dẻo. Với một chiếc thùng xốp, vài cục bột màu, một chiếc lược con, nắm que tre nhỏ và chút sáp ong, những nghệ nhân rong ruổi khắp các phiên chợ quê, làng xóm, phố phường nặn tò he đáp ứng nhu cầu thị trường dịp tết, lễ hội. Qua năm tháng, người làng Xuân La thầm lặng cung cấp tò he từ Bắc vào Nam, mang niềm vui đến cho trẻ em và sắc màu cho cuộc sống.

Anh Hậu nhớ lại, vào năm 2012, sau khi gặp ông Trịnh Bách, người có niềm say mê kỳ lạ với văn hóa truyền thống dân tộc, anh như được tiếp thêm tình yêu với nghệ thuật nặn con giống bột truyền thống. Sau khi nặn thành công cặp “Long thăng Long giáng” thời Nguyễn từ những tư liệu quý mà ông Trịnh Bách chia sẻ, anh tìm thêm những nghệ nhân làm con giống bột cổ của Hà Nội để tìm hiểu về nguyên liệu và cách làm.

Năm 2017, Đặng Văn Hậu có duyên gặp bà Phạm Nguyệt Ánh, từng ở phố Đồng Xuân, được học nghề làm con giống bột của người Hà Nội cũ. Bằng ký ức, tư liệu nghiên cứu của ông Bách, sự hỗ trợ của bà Ánh, anh Hậu phục hồi con giống bột của nhiều trường phái: Đồng Xuân, phố Khách (tức Hàng Buồm), Phú Xuyên. “Nhiều người chơi con giống bột cổ hồi bé, nhất là người từ nước ngoài về, đều tỏ ra bất ngờ, thích thú khi thấy chúng xuất hiện trở lại ở phố cổ. Việc bán con giống cho những người từng được chơi món đồ chơi này hồi bé xúc động lắm. Cả tôi và chú Bách đều rất mừng, vì đã đưa được con giống bột trở lại với đời sống”, anh Hậu nhớ lại.

Sức sống mới cho tò he Việt

Mỗi năm, cứ vào các dịp lễ, tết, nhất là mùa Trung thu, anh Hậu đều sáng tạo nhiều sản phẩm mới, cải tiến so với sản phẩm năm trước. Anh kết hợp từng loại hình con giống với nhau để cho ra một số sản phẩm mang phong cách rất riêng, một trong số đó là bộ Tam sư được giới nghệ thuật đánh giá cao…

Đầu năm 2022, anh Hậu kết hợp với một họa sĩ trẻ để nặn hình chị Hằng Nga mặc áo Nhật Bình (loại áo dài cung đình dành cho bậc hậu, phi, cung tần và công chúa thời Nguyễn) mang nét đẹp riêng. Sản phẩm con giống bột của anh luôn có nét đẹp truyền thống kết hợp hiện đại, phục vụ nhiều độ tuổi khác nhau, trong đó có nhiều khách hàng cao cấp. Các sản phẩm của nghệ nhân Đặng Văn Hậu được đánh giá cao trong những hội thi, trong đó bộ “Rước đèn Trung thu” đoạt giải đặc biệt Hội thi Sản phẩm làng nghề Hà Nội năm 2023.

Bên cạnh việc phát triển sản phẩm con giống bột, tham gia các hội chợ thương mại quốc tế để giao lưu và tìm hiểu thị trường, anh Hậu còn mở lớp dạy nghề tại nhà vào dịp hè cho những học sinh yêu thích tò he. Khi làm được những sản phẩm đại trà, người học được trả lương theo sản phẩm để tạo sự hào hứng quan tâm nghề nhiều hơn. Là người con của làng nghề nặn tò he, bạn Đức Anh (sinh năm 2006) chia sẻ: “Làng nghề cho em một công việc, thu nhập ổn định và nuôi dưỡng niềm đam mê phát triển con giống bột truyền thống mang nét đẹp văn hóa Việt Nam”. Ghi nhận tinh thần học hỏi của thế hệ trẻ, anh Hậu vui mừng: Với trẻ em làng nghề, tò he là chỗ dựa tinh thần rất lớn. Khi đi đến môi trường mới, các em có thể nặn sản phẩm tặng trẻ em ở viện nhi, ở vùng cao. Khi tạo được sự yêu thích cho trẻ, tôi sẽ hướng các em tới những sản phẩm truyền thống để tạo sự thẩm thấu về mặt văn hóa. Nghệ nhân Đặng Văn Hậu ấp ủ mong muốn làm được nhiều loại sản phẩm đa dạng, độc đáo hơn nữa để người nước ngoài khi tới Việt Nam có thêm những lựa chọn về món quà lưu niệm khi về nước.

HÀ NGUYỄN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nang-tam-to-he-post767649.html