Nâng tầm khoa học, trí tuệ trong các quyết sách của Quốc hội
Sáng 23/12, tại nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Chủ tịch Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chủ trì phiên họp thứ tư của Hội đồng để xem xét, cho ý kiến về dự thảo Báo cáo kết quả công tác năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Đồng thời xem xét, cho ý kiến về định hướng một số nội dung nghiên cứu khoa học năm 2024.
Tham dự và đồng chủ trì phiên họp có: Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ Lê Quang Huy; Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Nguyễn Văn Hiển.
Năm 2022, Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức các phiên họp, hội thảo đóng góp ý kiến về mặt khoa học đối với nhiều vấn đề khó, phức tạp, những vấn đề có ý kiến khác nhau trong các dự án luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các vấn đề quan trọng của đất nước.
Năm 2023 tới đây, Hội đồng khoa học sẽ tổ chức các phiên họp để cho ý kiến về danh mục nhiệm vụ khoa học năm 2024; cho ý kiến về một số dự án Luật phục vụ kỳ họp thứ 5 và thứ 6, Quốc hội khóa XV; Tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá 10 năm thi hành Hiến pháp năm 2013.
Các ý kiến tại phiên họp cũng đã đi sâu, góp ý nội dung chương trình, cách thức triển khai các nhiệm vụ trong năm 2023, trong đó nhấn mạnh yêu cầu phải gắn kết hoạt động của Hội đồng khoa học với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội để bảo đảm chất lượng các chính sách pháp luật được tốt hơn. Đồng thời đề xuất một số ý kiến nhằm tạo điều kiện cho các nhà khoa học tham gia các hoạt động khoa học, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nghiên cứu, tư vấn và tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận sự tham gia, đóng góp trí tuệ của cá nhân, tập thể các nhà khoa học, những đổi mới của Hội đồng khoa học thời gian qua. Nhắc lại chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: trong công tác xây dựng pháp luật phải lấy ý kiến của các nhà khoa học nhằm nâng tầm khoa học, trí tuệ trong các quyết sách của Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng yêu cầu Hội đồng khoa học cần rà soát lại 137 nhiệm vụ lập pháp của Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo Kết luận 19 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 108 nhiệm vụ trong Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII; nhiệm vụ trong Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội trong thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương để xác định danh mục nhiệm vụ phù hợp.
Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!
Thực hiện : Dương Dung Anh Dức