Nâng chất hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho học sinh

Nhờ được tư vấn, hướng nghiệp kỹ càng, hiện ngày càng có nhiều học sinh lựa chọn học nghề theo năng lực. Trong ảnh: Học sinh học nghề điện tại Trường cao đẳng Nghề Phú Yên. Ảnh: THÚY HẰNG

Hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong các trường phổ thông có vai trò rất lớn giúp học sinh nhận thức đúng đắn về nghề nghiệp, chọn được ngành nghề phù hợp với bản thân, góp phần vào việc phân luồng và sử dụng hợp lý nguồn nhân lực.

Ngày 14/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 522/QĐ-TTg phê duyệt đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” (gọi tắt là Đề án 522). Theo đó, đề án xác định mục tiêu đến năm 2020, ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS và ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đến năm 2025, tỉ lệ tương ứng sẽ là 40% và 45%.

Học nghề được học sinh quan tâm

Thực hiện Đề án 522, đến nay công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh đã được nhà trường, xã hội quan tâm và có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, so với kế hoạch mà Đề án 522 đề ra thì vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục giải quyết. Thực tế những năm gần đây cho thấy, hàng năm có khoảng 80% học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT; số học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học bổ túc THPT và các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp chiếm tỉ lệ thấp, chỉ 10-15%.

Giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông được thực hiện thông qua các môn khoa học cơ bản; chương trình giáo dục hướng nghiệp chính khóa; môn công nghệ và lao động sản xuất; tham quan, sinh hoạt ngoại khóa, tư vấn hướng nghiệp… Dù bằng hình thức nào cũng đều hướng tới mục đích chung là hình thành sự hứng thú và năng lực nghề nghiệp cho học sinh. Một tín hiệu đáng mừng là trong năm học 2020-2021, toàn tỉnh đã có gần 2.000 học sinh THCS, THPT tham gia học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Điều đó cho thấy nhận thức của xã hội, cũng như của phụ huynh và học sinh trong việc lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai đã có nhiều chuyển biến tích cực, xu hướng học nghề phù hợp với năng lực được học sinh quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành GD-ĐT, việc duy trì và từng bước hoàn thành kế hoạch theo chỉ tiêu mà Đề án 522 đưa ra đối với tỉnh ta vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Do đó, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; các ban ngành, đoàn thể; các lực lượng xã hội và ngành GD-ĐT cần phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa để giữ vững những kết quả đã đạt được và phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đề ra, từng bước nâng cao tỉ lệ học sinh tham gia học nghề trong những năm tiếp theo.

Để đạt được điều đó, ngành GD-ĐT xác định tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông; vận dụng linh hoạt các hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp với lứa tuổi học sinh, tăng cường dạy học thông qua thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tăng cường phối hợp giữa các cơ sở giáo dục phổ thông, các cơ quan quản lý giáo dục với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong hoạt động giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh. Trong đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các trường phổ thông trong hoạt động tư vấn tuyển sinh nhằm kịp thời cung cấp cho các em những thông tin tuyển sinh cần thiết; liên kết với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp,… để đào tạo các ngành nghề phù hợp, bảo đảm việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp.

Học sinh THPT trên địa bàn tỉnh trải nghiệm thực tế tại Trường đại học Xây dựng Miền Trung. Ảnh: THÚY HẰNG

Học sinh THPT trên địa bàn tỉnh trải nghiệm thực tế tại Trường đại học Xây dựng Miền Trung. Ảnh: THÚY HẰNG

Hướng nghiệp hiệu quả bằng trải nghiệm thực tế

Giáo dục hướng nghiệp ở trường trung học chủ yếu là giáo dục thái độ lao động và ý thức đúng đắn về nghề nghiệp; tổ chức cho học sinh thực tập và làm quen với một số nghề chủ yếu trong xã hội và các nghề truyền thống của địa phương; tìm hiểu năng khiếu, khuynh hướng nghề nghiệp của từng học sinh để khuyến khích, hướng dẫn và bồi dưỡng khả năng nghề nghiệp thích hợp nhất… Trên cơ sở hiểu biết này và hoàn cảnh, năng lực, sở trường, sức khỏe của bản thân, học sinh có thể định hướng ngành nghề trong tương lai.

Vừa qua, chuyến trải nghiệm “Một ngày làm sinh viên kiến trúc” của học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (TP Tuy Hòa) tại Trường đại học Xây dựng Miền Trung là một trong những hoạt động hướng nghiệp mà hai trường mang lại cho học sinh.

TS Phan Văn Huệ, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Xây dựng Miền Trung cho biết: “Mục đích của chúng tôi không phải là quảng bá tuyển sinh, mà là giúp các em hình dung về những ngành học trong tương lai. Công tác hướng nghiệp bằng hình thức trải nghiệm thực tế cho học sinh THPT trên địa bàn tỉnh đã được trường thực hiện trong nhiều năm qua nhằm khơi dậy những đam mê nghề nghiệp trong các em”.

Em Lê Bảo Quyên, học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi chia sẻ: Đây là lần đầu tiên em được trải nghiệm cuộc sống sinh viên ở trường đại học. Em nghĩ, các trường cấp ba khác cũng nên có hoạt động ngoại khóa bằng cách trải nghiệm thực tế như thế này, rất hữu ích với chúng em”. Còn thầy Lê Xuân Quang, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Việc đưa học sinh đến trường đại học trải nghiệm thực tế nằm trong chương trình hướng nghiệp của nhà trường. Những trải nghiệm thực tế nêu trên sẽ góp phần tích cực trong việc giúp học sinh định hướng chọn trường, chọn nghề sau này. Đồng thời tạo động lực cho các em trong việc học tập, rèn luyện.

Theo Sở GD-ĐT, tư vấn hướng nghiệp bằng trải nghiệm thực tế rất cần thiết đối với học sinh và cần được các trường phổ thông quan tâm hơn nữa. Nếu học sinh chọn được ngành nghề đào tạo phù hợp năng lực, sở trường sẽ giúp các em có động cơ học tập tốt hơn, phát huy được thế mạnh. Hiện tất cả các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh luôn “rộng cửa” đón học sinh THCS, THPT đến tham quan, trải nghiệm thực tế để qua đó giúp học sinh chọn ngành nghề phù hợp. Mặt khác, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục bắt buộc trong nhà trường giúp học sinh hình thành các phẩm chất quan trọng và năng lực cốt lõi. Theo đó, sách giáo khoa sẽ chú trọng kiến thức thực tế đời sống như khái niệm về doanh nghiệp, hộ kinh doanh, thế nào là ý tưởng kinh doanh, cơ hội kinh doanh… Ngoài lý thuyết, Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ tăng cường các hoạt động trải nghiệm, thực hành. Hy vọng đây sẽ là làn gió mới có thể góp phần đưa hoạt động giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông ngày càng hiệu quả hơn.

THÚY HẰNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/250994/nang-chat-hoat-dong-giao-duc-huong-nghiep-cho-hoc-sinh.html