Nâng cao ý thức gìn giữ nét đẹp văn hóa đi lễ chùa đầu năm

Để giữ gìn nét đẹp văn hóa đi lễ chùa đầu năm, mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức, góp sức cùng chính quyền để tiến tới xóa bỏ những hủ tục, hành vi lệch chuẩn.

Trong tâm thức của người Việt từ xưa đến nay, Tết không chỉ mang ý nghĩa của việc tiễn đưa năm cũ chào đón năm mới, mà còn mang đậm nét tâm linh, tín ngưỡng. Có nhiều hoạt động được người dân Việt Nam thực hành vào những ngày đầu xuân năm mới, trong đó có phong tục đi lễ chùa đầu năm.

Ngày 30 Tết, sau lễ cúng Tất niên và đón thời khắc Giao thừa, rạng sáng ngày mùng 1 đầu năm, nhiều gia đình tại Việt Nam thường có thói quen đi lễ chùa. Người thì cầu tài, cầu lộc, cầu duyên; người thì cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và gia đình... tựu chung lại, tất cả các ước nguyện đều mong cầu một năm mới bình an, thuận lợi.

Lễ chùa đầu năm, người thì cầu tài, cầu lộc, cầu duyên; người thì cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và gia đình... Ảnh minh họa

Lễ chùa đầu năm, người thì cầu tài, cầu lộc, cầu duyên; người thì cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và gia đình... Ảnh minh họa

Cô Nguyễn Thị Hương (thôn Phương Thượng 2, xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) cho biết, sau thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, tôi cùng các con lại sắm sửa lễ vật ra đình, chùa trong làng. Dân gian có câu “đất vua, chùa làng, phong cảnh vụn”, do đó đi chùa đầu năm trước hết là để tạ ơn Phật, Thành Hoàng làng, tổ tiên trong một năm qua đã phù hộ cho gia đình, làng xã bình an, thuận hòa; sau đó là cầu bình an, cầu tài lộc, công danh.

Đây là văn hóa của gia đình tôi đã được duy trì qua nhiều thế hệ. Đi chùa ngày đầu năm mới không chỉ để cầu những điều may mắn cho bản thân, gia đình, mà còn bày tỏ tấm lòng thành kính với đức Phật, tổ tiên. Tôi muốn các con, các cháu biết được điều này, để chúng biết trân trọng nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình” - cô Hương chia sẻ.

Song cũng có những người đi chùa đầu năm để thưởng lãm cảnh chùa và tìm những giây phút bình yên, xua tan đi những lo toan bộn bề trong cuộc sống. Bạn Hoàng Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, trong gia đình mình là người thường xuyên đảm nhận nhiệm vụ chở mẹ đi lễ chùa đầu năm. Sau các phong tục lễ bái mình lại thong dong vãn cảnh chùa, hòa mình vào không gian linh thiêng tĩnh lặng nơi cửa phật, tìm một chút thư thái sau một năm tất bật.

Bên cạnh những nét đẹp văn hóa cần được duy trì, phát triển thì hiện nay, văn hóa đi lễ chùa đầu năm đang bị biến tướng, nhiều người đã có những hành vi trục lợi từ nét đẹp văn hóa này. Không khó để nhận thấy những hành vi chèo kéo, lôi kéo khách ngay tại cửa các đình, chùa với những lời chào mời, viết sớ, khấn vái thuê. Chị Thanh Thảo (Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết, dịp Tết Giáp Thìn vừa qua, gia đình có đến Đền Hùng để dâng hương, cầu lộc. Ngay khi xe vừa đến chân đền, lập tức có khoảng 3,4 người chạy ra chào mời viết sớ, sắm lễ.

“Dù gia đình mình có nhu cầu viết sớ, sắm lễ thật, nhưng việc nhiều người cùng lúc chạy ra gõ cửa xe chèo kéo, mời chào viết sớ, sắm lễ thì mình lại không thấy không phù hợp với nét đẹp văn hóa tín ngưỡng của người Việt” - chị Thanh Thảo chia sẻ và cho biết thêm, trên đoạn đường gần đến Đền Hùng, cũng đã xuất hiện nhiều người dân đi xe máy chạy theo xe ô tô để mời chào.

Hay như tại Đền Đức Thánh Cả (Hồng Quang, Ứng Hòa, Hà Nội) - một trong những ngôi đền thiêng, do đó, ngay từ ngày mùng 1 Tết Giáp Thìn, đông đảo khách thập phương đã về Đền để thắp hương, cầu lộc. Tuy nhiên, dọc đường vào Đền, nhiều hàng quán bán đồ ăn, uống mở loa công suất lớn mời chào, gây ồn ào, huyên náo. Gần khu vực cổng Đền xuất hiện một số người khuyết tật ngồi ăn xin khiến không gian di tích bị ảnh hưởng.

Đổi tiền lẻ đầu năm tại Phủ Tây Hồ. Ảnh: Báo Lao Động

Đổi tiền lẻ đầu năm tại Phủ Tây Hồ. Ảnh: Báo Lao Động

Còn tại Phủ Tây Hồ (Hà Nội), những ngày này Phủ đón hàng ngàn lượt khách thập phương đến du xuân cầu may. Đây cũng là lúc “ăn nên làm ra” của nhiều hộ dân kinh doanh xung quanh Phủ, trong đó có hoạt động đổi tiền lẻ với mức chênh lệch lên đến 20%.

Điều đáng nói, lễ chùa đầu năm là nét đẹp văn hóa, người đi lễ chùa, người đến vãn cảnh chùa, song không ít người đến vãn cảnh chùa lại ăn mặc phản cảm, áo ngắn, quần cộc, hở hang; ứng xử thiếu văn minh... làm xấu đi không gian linh thiêng nơi cửa phật. Bên cạnh đó nhiều người dân đi lễ chùa còn có những hành động thiếu văn hóa như: Ném tiền xuống hồ cá, dúi tiền vào tay phật... Đặc biệt, nhiều người coi việc đi lễ, rải tiền lẻ như “một giao ước” với thần, phật cho những điều mình mong cầu, tạo hình ảnh phản cảm, làm mất đi nét đẹp vốn có của phát tâm công đức.

Với mỗi người dân Việt Nam, đi lễ chùa đầu năm là nét văn hóa truyền thống được hình thành từ lâu, tạo nên bức tranh đa sắc trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Qua đó, không chỉ thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, mà còn là dịp để vun đắp cho tinh thần người Việt thêm yêu và trân trọng những giá trị cội nguồn, hướng con người tới giá trị của chân - thiện - mỹ.

Song để giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa này, sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, chính quyền tại các chùa, đền là chưa đủ để thay đổi, đẩy lùi những hiện tượng, hoạt động biến tướng kể trên mà mỗi cá nhân, tổ chức cần nhìn nhận lại, chung tay, góp sức cùng chính quyền các cấp để hạn chế, tiến tới xóa bỏ những hủ tục, hành vi lệch lạc trả lại sự thanh tịnh cho chốn cửa chùa, đất thánh và tô đẹp thêm văn hóa đi chùa đầu năm của người Việt.

Hoàng Thị Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nang-cao-y-thuc-gin-giu-net-dep-van-hoa-di-le-chua-dau-nam-303724.html