Nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm

Hiện nay, Thái Nguyên có 126 xã nông thôn, trong đó có 118 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Xác định an toàn thực phẩm đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân nên thời gian qua, các cấp, ngành chức năng, trong đó có ngành Nông nghiệp đã luôn đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân. Đặc biệt là việc phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

Việc sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ của Hợp tác xã chè Nhật Thức, ở xã Phục Linh (Đại Từ), góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Việc sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ của Hợp tác xã chè Nhật Thức, ở xã Phục Linh (Đại Từ), góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Dịp đầu tháng 11-2024, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh phối hợp với một số xã nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Phú Lương tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP). Theo đó, các cơ sở chế biến, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản tại các xã: Hợp Thành, Ôn Lương, Phú Đô, Yên Đổ, Cổ Lũng, Động Đạt, Phủ Lý, Vô Tranh… được phổ biến nhiều văn bản quy định về ATTP. Đây là kiến thức vô cùng bổ ích để các hộ dân áp dụng trong quá trình sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đúng quy định của pháp luật về ATTP.

Theo chia sẻ của đại diện hộ sản xuất, kinh doanh bánh chưng Tâm Quang, ở Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu, xã Cổ Lũng (Phú Lương), trước đây, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; các đợt thanh, kiểm tra của ngành chức năng, gia đình cũng đã hiểu, việc kinh doanh phải đảm bảo ATTP. Tuy nhiên, khi thực hiện, gia đình vẫn còn khá mông lung. Khi tham gia đợt tập huấn này, gia đình đã được hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Luật An toàn thực phẩm ngày 17/6/2010. Hay như các Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm; Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP… nên nhận thức đã được nâng lên.

Tương tự, nhiều hộ dân sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở Phú Lương cũng đã “vỡ vạc” được nhiều điều khi tham gia tập huấn, nghe báo cáo viên giải thích Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về Quy định việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện ATTP thuộc phạm vi quản lý của Bộ… Đặc biệt, nhiều hộ sản xuất, kinh doanh rất tâm đắc khi được tìm hiểu kỹ về quy định quản lý ATTP trên địa bàn Thái Nguyên (ban hành kèm theo Quyết định số 12/2020/QĐ-UBND ngày 26/5/2020 của UBND tỉnh và được sửa đổi bởi Quy định số 45/2021-QĐ-UBND ngày 6/10/2021 của UBND tỉnh).

Nhờ được phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, thành viên Hợp tác xã chè Hoan Xuyến, ở xóm Trung Thành 2, xã Vô Tranh (Phú Lương) luôn sản xuất, chế biến, kinh doanh chè đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nhờ được phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, thành viên Hợp tác xã chè Hoan Xuyến, ở xóm Trung Thành 2, xã Vô Tranh (Phú Lương) luôn sản xuất, chế biến, kinh doanh chè đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngoài các lớp tập huấn tại Phú Lương, từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh còn thường xuyên tổ chức một số lớp tập huấn, phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP tại các xã nông thôn khác trong tỉnh. Trong đó đáng lưu ý là 3 lớp tập huấn kiến thức về ATTP nông lâm thủy sản cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT với 150 lượt người tham gia. Đồng thời, phối hợp với phòng nông nghiệp và PTNT, phòng kinh tế các huyện, thành (Đại Từ, Định Hóa, Đồng Hỷ, TP. Phổ Yên) tập huấn về công tác quản lý chất lượng ATTP nông, lâm, thủy sản được 22 lớp với gần 1.700 lượt người tham dự…

Thực tế cho thấy, việc phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP đóng vai trò rất quan trọng, nhất là đối với các xã đã đạt chuẩn NTM. Thông qua đó giúp người dân nắm bắt được các thông tin quan trọng, nhất là việc thực hiện hồ sơ thủ tục hành chính, nguồn gốc về nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thực hành của người chế biến… Đặc biệt là quy định về xử phạt đối với những trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về ATTP.

Bà Lê Thị Quỳnh Hương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh, cho biết: Thông qua các lớp tập huấn, phổ biến các quy định của pháp luật không chỉ nâng cao năng lực về ATTP mà còn góp phần tuyên truyền, vận động người dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chấp hành đầy đủ các quy định của Nhà nước về ATTP. Từ đó góp phần vào thành công chung trong công tác xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh...

Tùng Lâm

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202412/nang-cao-nhan-thuc-ve-an-toan-thuc-pham-9481dc9/