Nâng cao hiệu quả việc kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ

Công tác cán bộ là một nhiệm vụ then chốt của các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị. Bởi vai trò quan trọng của công tác cán bộ nên từ trước đến nay, Đảng ta ban hành nhiều nghị quyết, quy định, hướng dẫn thể hiện các chủ trương, quan điểm về cán bộ và công tác cán bộ. Mới đây, ngày 11/7/2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký, thay thế Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Đây là bước thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác cán bộ.

So với Quy định 205-QĐ/TW, Quy định số 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (gọi tắt là Quy định 114) được thiết kế chặt chẽ, cụ thể hơn, nêu rõ về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; trách nhiệm kiểm soát quyền lực và chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ và xử lý vi phạm.

Quy định này ban hành nhằm đảm bảo sự đồng bộ với các nghị quyết, kết luận, quy định của Đảng về công tác cán bộ, góp phần nâng cao hiệu quả việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền. Quy định 114 có 5 chương, 16 điều, trong đó dành một chương quy định hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Có thể thấy Quy định 114 nêu rõ những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ (gồm 19 hành vi, trong đó có 8 hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ quyền hạn; 6 hành vi chạy chức, chạy quyền và 5 hành vi tiêu cực khác).

Xuất phát từ công tác cán bộ được đúc rút qua thực tiễn thời gian qua, Quy định 114 chỉ rõ một số hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn để cấp có thẩm quyền dễ nhận diện, xử lý. Đó là người dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và người có quan hệ gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự, bỏ phiếu bầu theo ý mình. Hay để người có quan hệ gia đình, người có mối quan hệ thân quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của bản thân tác động, thao túng, can thiệp vào các khâu trong công tác cán bộ.

Cùng với đó, các hành vi chạy chức chạy quyền cũng được xác định, đó là người trực tiếp hoặc gián tiếp môi giới, đưa và nhận hối lộ nhằm giúp người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi; tặng quà, tiền, bất động sản hoặc sắp xếp các hoạt động vui chơi giải trí cho người có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm mục đích có được sự ủng hộ, tín nhiệm, vị trí, chức vụ, quyền lợi. Đó là những hành vi như chạy tuổi, thâm niên công tác, danh hiệu thi đua khen thưởng, bằng cấp nhằm mục đích đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có được chức vụ, quyền hạn…

Ngoài nêu rõ 8 hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ quyền hạn; 6 hành vi chạy chức, chạy quyền, Quy định 114 còn nêu các hành vi tiêu cực khác, như gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với nhân sự trái quy định trong quá trình thực hiện công tác cán bộ; nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà, kéo dài thời gian, đặt điều kiện đối với nhân sự và cơ quan trình nhân sự; thiếu trách nhiệm hoặc vì động cơ cá nhân làm thất lạc, mất hồ sơ cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý, làm giả, làm sai lệch hồ sơ, tài liệu để được xem xét, thực hiện quy định, quy trình, quy chế, quyết định về công tác cán bộ.

Quy định 114 cũng nêu rõ trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng về bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh liên quan. Mỗi thành viên cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo thực hiện nghiêm quyền hạn, trách nhiệm trong công tác cán bộ; phản ánh kịp thời, đầy đủ, chính xác, trung thực đến cấp có thẩm quyền được phân công theo dõi, quản lý; thể hiện rõ chính kiến, chịu trách nhiệm về ý kiến của mình. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo chấp hành nghiêm nguyên tắc, quy định, quy trình, quy chế, quyết định về công tác cán bộ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ...

Đối với nhân sự, Quy định 114 cũng nêu rõ trách nhiệm phải báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác, rõ ràng hồ sơ lý lịch đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và kê khai trung thực tài sản, thu nhập theo quy định; tự giác không ứng cử, không nhận đề cử, quy hoạch, bổ nhiệm, phong, thăng cấp bậc hàm, khen thưởng, chế độ, chính sách nếu bản thân thấy không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất, uy tín, năng lực, sức khỏe.

Nghiêm cấm việc trực tiếp hoặc thông qua người khác, phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để lan truyền thông tin không đúng sự thật, tố cáo sai sự thật nhằm đề cao bản thân, hạ thấp uy tín người khác trong công tác cán bộ.

Bộ Chính trị cũng quy định rõ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm Quy định 114 thì cấp có thẩm quyền sẽ xem xét, xử lý theo quy định của Đảng.

Nhìn lại lịch sử, có thể thấy Đảng ta được tổ chức hết sức chặt chẽ, được xây đắp và trưởng thành từ đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong giai đoạn mới, các cấp ủy đảng, chính quyền phải quan tâm chọn lựa cán bộ hết sức cẩn thận, đồng thời chăm lo đào tạo để phát huy tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên đối với quần chúng nhân dân.

Quy định 114 của Bộ Chính trị vừa mới ban hành chính là căn cứ quan trọng để mỗi cấp ủy, chính quyền nâng cao hiệu quả việc kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; xây dựng, chọn lựa được đội ngũ cán bộ vừa “hồng” vừa “chuyên”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn mới.

Minh Phương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-de-binh-luan/nang-cao-hieu-qua-viec-kiem-soat-quyen-luc-chong-tham-nhung-tieu-cuc-trong-cong-tac-can-bo/178728.htm