Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh

Sáng 15/4, Sở Ngoại vụ Bắc Giang phối hợp với Công an tỉnh tổ chức tập huấn về công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh. 120 cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), người làm công tác đối ngoại ở các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tham dự.

Các đại biểu dự tập huấn.

Trong giai đoạn hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng như hiện nay, yêu cầu về nâng cao hiệu quả công tác quản lý đối với việc xuất cảnh, nhập cảnh là rất quan trọng đối với mỗi quốc gia và địa phương.

Bắc Giang đang là tỉnh thuộc tốp dẫn đầu cả nước về tốc độ phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư, mỗi ngày có hàng chục, thậm chí hàng trăm người nước ngoài đến làm việc, lao động, cư trú trên địa bàn.

Để đáp ứng yêu cầu quản lý công tác xuất cảnh, nhập cảnh, tại hội nghị, các đại biểu được nghe giới thiệu các quy định mới về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam theo Luật số 49/2019/QH14 và các nghị định hướng dẫn thi hành.

Luật gồm 8 chương, 52 điều quy định về nguyên tắc xuất cảnh, nhập cảnh; các hành vi bị nghiêm cấm; quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam.

Các loại giấy tờ xuất nhập cảnh, thời hạn; trường hợp cấp, chưa cấp. Quản lý, sử dụng, thu hồi, hủy, khôi phục giấy tờ xuất nhập cảnh. Các trường hợp được xuất cảnh, nhập cảnh, tạm hoãn xuất cảnh.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam. Trách nhiệm quản lý xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam…

Lãnh đạo Phòng An ninh đối ngoại (Công an tỉnh) phổ biến những nội dung của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Tại tỉnh Bắc Giang, UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh của CBCCVC, người lao động trên địa bàn kèm theo Quyết định số 82/2021/QĐ-UBND ngày 31/12/2021.

Theo đó, CBCCVC, người lao động xuất cảnh vì mục đích công vụ để dự hội nghị, hội thảo, nghiên cứu, học tập cần viết bài trình bày, chuyên đề, tiểu luận, khóa luận, báo cáo, thuyết trình theo yêu cầu từ phía nước ngoài có sử dụng thông tin, số liệu trong nước phải báo cáo trước nội dung bài viết với thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý, đồng thời báo cáo Sở Ngoại vụ để theo dõi, tổng hợp.

Mỗi CBCCVC, người lao động được phép xuất cảnh đi công tác nước ngoài không quá 2 lần trong một năm; trường hợp trong năm cần xuất cảnh trên 2 lần phải báo cáo Thường trực Tỉnh ủy hoặc Thường trực HĐND hoặc Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Không bố trí từ 2 CBCCVC trở lên là lãnh đạo của một cơ quan cùng tham gia một đoàn đi công tác nước ngoài. CBCCVC, người lao động xuất cảnh vì mục đích việc riêng phải tự túc kinh phí.

CBCCVC, người lao động có những hành vi sau đây sẽ bị xem xét xử lý trách nhiệm: Tự ý xuất cảnh, tự ý tham gia các hoạt động ngoài chương trình được phê duyệt, tự ý ở lại nước ngoài quá thời hạn khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền. Có phát ngôn, đoạn viết, bài viết, hình ảnh hoặc có các hành động dưới bất cứ hình thức nào trái với quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ nơi đến; gây ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, dân tộc. Báo cáo không đúng mục đích xuất cảnh; xuất cảnh đến quốc gia, vùng lãnh thổ chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Sử dụng ngân sách Nhà nước, hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ để xuất cảnh vì việc riêng; tham gia đoàn đi công tác nước ngoài do các doanh nghiệp đài thọ hoặc do các doanh nghiệp nước ngoài mời đích danh khi chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền…

Ngoài ra, các đại biểu được nghe phổ biến Luật số 51/2019/QH14 ngày 25/11/2019 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Thông qua tập huấn, các đại biểu được làm rõ những vấn đề khúc mắc, bất cập liên quan đến việc quản lý CBCCVC xuất cảnh, thủ tục tiếp đón đoàn vào làm việc, từ đó áp dụng tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

Tin, ảnh: PV

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/xa-hoi/381700/nang-cao-hieu-qua-quan-ly-nha-nuoc-ve-xuat-canh-nhap-canh.html