Nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật: Yếu tố con người rất quan trọng
Đã có một thời gian, do hiểu chưa chính xác về những quy định liên quan đến việc hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, về cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nữ nên dẫn đến sự phản đối của người dân và một 'làn sóng' ồ ạt xin rút tiền bảo hiểm một lần... Bài học thực tiễn này đã một lần nữa được nhắc đến trong Hội nghị hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) diễn ra vào ngày 5/11/2024, để từ đó thấy được tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL).
Tăng cường tính tuân thủ pháp luật để bảo vệ người lao động
Ngày 30/7/2024, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ LĐ-TB&XH, 14 điểm mới trọng tâm của Luật BHXH (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2024 đã được đề cập. Ông Nguyễn Duy Cường - Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh, tăng cường tính tuân thủ pháp luật để bảo vệ người lao động (NLĐ) là một trong những điểm mới trọng tâm của Luật BHXH năm 2024.
Theo ông Nguyễn Duy Cường, Luật BHXH năm 2024 đã dành riêng một chương để quy định về quản lý thu, đóng BHXH; làm rõ nội hàm và việc xử lý hành vi chậm đóng và hành vi trốn đóng BHXH. Với cấu trúc như vậy, Luật BHXH năm 2024 hướng tới việc tăng cường tính tuân thủ pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ.
Có thể thấy, việc vi phạm các quy định pháp luật về BHXH là một thực tế đang diễn ra với tình trạng không ít doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm. Đơn cử như TP HCM theo con số của BHXH TP HCM hiện số tiền chậm đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế là gần 6.872 tỷ đồng.
Các cơ quan quản lý lao động, BHXH trên địa bàn TP HCM liên tục tổ chức thanh tra các đơn vị trốn đóng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về BHXH. Tuy nhiên, kết quả chưa khả quan vì doanh nghiệp tìm mọi cách để né tránh. Từ thực tế này có thể thấy, việc Luật BHXH năm 2024 dành hẳn một chương để nhằm tăng cường tính tuân thủ pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ là rất cần thiết.
Tại Hội nghị hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 5/11/2024, những vấn đề về Luật BHXH năm 2024 cũng được đề cập tới để từ đó thấy được tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, PBGDPL trong lĩnh vực BHXH nói riêng và trong công tác tuyên truyền, PBGDPL nói chung.
Theo bà Phạm Thị Thanh Việt - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH, xác định nhiệm vụ tuyên truyền PBGDPL là một trong những nhiệm vụ quan trọng, Đảng ủy và Ban lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH đã luôn quan tâm, chú trọng và triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác này trên tất các các lĩnh vực thuộc Bộ quản lý.
Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH đã sớm thành lập và thường xuyên kiện toàn Hội đồng phối hợp PBGDPL của Bộ; Bộ có hơn 100 báo cáo viên pháp luật được Bộ Tư pháp công nhận và thường xuyên được rà soát, kiện toàn. Hàng năm, Hội đồng phối hợp PBGDPL Bộ LĐ-TB&XH đều ban hành Kế hoạch hoạt động, phân công rõ trách nhiệm thực hiện đối với từng thành viên của Hội đồng.
Nội dung PBGDPL trọng tâm hàng năm được xác định cụ thể nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin, tìm hiểu pháp luật của người dân, doanh nghiệp, yêu cầu quản lý nhà nước của ngành, thực tiễn thi hành pháp luật, tập trung vào các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành; các chính sách trong các văn bản quy phạm pháp luật dự kiến xây dựng để tạo sự đồng thuận trong dư luận…
Chỉ khi nào có sự hiểu rõ về chính sách thì mới có được sự đồng thuận chính sách
Cũng theo bà Phạm Thị Thanh Việt, mặc dù công tác tuyên truyền, PBGDPL của Bộ LĐ-TB&XH đã đạt được một số kết quả nhất định, song công tác này vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế.
Đơn cử như, yếu tố con người rất quan trọng để nâng cao hiệu quả PBGDPL, nhưng thời gian qua các thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL đều làm việc theo chế độ kiêm nhiệm nên chưa thực sự dành được nhiều thời gian cho công tác PBGDPL; một số thành viên Hội đồng thuộc Bộ chưa chủ động tham mưu đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm về PBGDPL thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của đơn vị; chưa có giải pháp hiệu quả về nguồn lực để triển khai thực hiện nhiệm vụ, kinh phí dành cho công tác PBGDPL còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu; một bộ phận báo cáo viên pháp luật của Bộ LĐ-TB&XH còn hạn chế về kỹ năng tuyên truyền pháp luật (kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng tuyên truyền PBGDPL cho đối tượng yếu thế…), chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới, cần được bồi dưỡng, cập nhật các kỹ năng cần thiết, qua đó tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL.
“Bài học từ thực tiễn cho thấy, chỉ khi nào có sự hiểu rõ về chính sách thì mới có được sự đồng thuận chính sách; hiểu chính sách, pháp luật để tự giác tuân thủ chính sách, pháp luật; hiểu pháp luật để từ đó vận động người khác tuân thủ pháp luật và hưởng ứng chính sách chung của Đảng và Nhà nước.
Quan điểm, chủ trương đúng đắn nếu không được tuyên truyền đầy đủ, chính xác, kịp thời, thậm chí bị tuyên truyền sai sẽ dẫn đến sự phản đối của người dân (như Điều 60 Luật BHXH năm 2014 quy định về việc hưởng BHXH một lần, Điều 56 quy định về tính tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nữ,…), từ đó gây mất ổn định trật tự, an toàn xã hội…”, theo Báo cáo giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL của Bộ LĐ-TB&XH.
Có thể thấy, công tác tuyên truyền, PBGDPL có vai trò rất quan trọng, là cầu nối để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng công tác này, bên cạnh những giải pháp về mặt phối hợp, đầu tư nguồn lực, Bộ LĐ-TB&XH chú trọng đến nhân tố con người - yếu tố quan trọng nhất, quyết định đến chất lượng, hiệu quả của công tác này.
“Điều đó đòi hỏi chúng ta phải tăng cường xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật vững mạnh cả về số lượng và chất lượng, có phẩm chất chính trị tốt, trình độ chuyên môn vững vàng, có kỹ năng truyền đạt, am hiểu pháp luật và kiến thức xã hội, có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”, theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phạm Thị Thanh Việt.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh nhấn mạnh, để đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống, cũng như đưa thực tiễn cuộc sống vào công tác xây dựng chính sách pháp luật thì mỗi cá nhân, mỗi đơn vị đều cần cố gắng nỗ lực trong từng hoạt động, trong đó có công tác tuyên truyền PBGDPL.
Do tầm quan trọng của công tác này nên sau khi văn bản quy phạm pháp luật được ban hành muốn được triển khai một cách nhanh chóng, hiệu quả thì việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các văn bản pháp luật đó sâu rộng đến mọi tầng lớp Nhân dân để trang bị cho họ kiến thức cơ bản về pháp luật cần được rất chú trọng…