Nâng cao chất lượng tác phẩm văn học, nghệ thuật

Khó phát triển hội viên, đặc biệt là đội ngũ sáng tác trẻ; chất lượng tác phẩm chưa xứng tầm; mảng lý luận, phê bình tác phẩm văn học, nghệ thuật (VHNT) gần như vắng bóng… là những tồn tại, hạn chế và cũng là khó khăn mà Hội VHNT Đồng Nai đang gặp phải.

Một buổi sinh hoạt CLB bạn đọc của Thư viện TP.Long Khánh. Hoạt động này góp phần lan tỏa các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Ảnh: H.YẾN

Một buổi sinh hoạt CLB bạn đọc của Thư viện TP.Long Khánh. Hoạt động này góp phần lan tỏa các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Ảnh: H.YẾN

Những khó khăn, hạn chế này không phải mới và sẽ còn tiếp diễn nếu không tìm ra giải pháp căn cơ và quyết liệt hành động.

* Nhiều băn khoăn, trăn trở

Trong nhiệm kỳ VI (2019-2024), hoạt động của Hội VHNT Đồng Nai có nhiều chuyển biến tích cực, sôi động hơn. Trong đó, hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT đạt được nhiều thành tựu. Riêng năm 2023, Hội đã tổ chức 5 trại sáng tác thu hút hơn 100 lượt hội viên tham gia, cho ra đời hơn 180 tác phẩm. Hoạt động quảng bá tác phẩm được tổ chức thường xuyên bằng nhiều hình thức và thông qua nhiều kênh quảng bá (biểu diễn trực tiếp, triển lãm, thông qua báo chí, mạng xã hội…).

Đời sống VHNT sôi động không chỉ tạo khí thế mới, kích thích tinh thần sáng tạo của hội viên mà còn góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo Hội VHNT Đồng Nai, hoạt động của Hội vẫn còn nhiều hạn chế.

NSND Giang Mạnh Hà, Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai thẳng thắn nhìn nhận: “Hoạt động sáng tạo VHNT đang đứng trước những khó khăn, thách thức do trình độ thưởng thức của người dân ngày càng cao. Trong khi đó, năng lực của văn nghệ sĩ có hạn, chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc, khán thính giả; một số hoạt động còn mang tính mặt trận, dàn trải (Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai, trại sáng tác…). Tác phẩm của hội viên có chất lượng nghệ thuật cao, ảnh hưởng tích cực đến đời sống tinh thần của cộng đồng chưa nhiều”.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy HỒ THANH SƠN cho rằng, người làm công tác lý luận, phê bình VHNT đòi hỏi phải có năng lực. Do đó, cần phải xây dựng từng bước, tìm người có năng lực chuyên môn để bồi dưỡng.

Theo dõi hoạt động của Hội VHNT Đồng Nai, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thị Hồng Trang cũng cho rằng, hiện số lượng tác phẩm của hội viên Hội VHNT Đồng Nai nhiều nhưng chưa đi vào chiều sâu; chưa đi sâu phản ánh thực trạng đời sống, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; chưa có nhiều bài viết phản ánh văn hóa của địa phương.

Cũng theo bà Hồng Trang, Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai đã tăng kỳ, tăng lượng phát hành nhưng lại thiếu các trang viết chuyên về mảng lý luận, phê bình. Các chương trình biểu diễn nghệ thuật còn vắng bóng công chúng yêu văn nghệ và người dân đến xem, mà khán giả của các chương trình này chủ yếu là lực lượng bộ đội hoặc hội viên được huy động đến. Do đó, hiệu quả tuyên truyền, lan tỏa tác phẩm VHNT đến quần chúng chưa thực sự đạt được.

* Cần xác định phân khúc hưởng thụ văn hóa

Trên thực tế, nhiều tác giả của Đồng Nai đoạt được các giải thưởng thuộc các loại hình nghệ thuật như: văn học, mỹ thuật, sân khấu điện ảnh, múa, nhiếp ảnh. Tuy nhiên, số lượng tác phẩm được đông đảo công chúng biết đến, đón nhận và yêu thích còn ít.

Về vấn đề này, tại buổi làm việc mới đây với Đảng đoàn Hội VHNT Đồng Nai, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn cho rằng, Hội VHNT Đồng Nai nên xác định phân khúc tiếp nhận, hưởng thụ văn hóa của công chúng hiện nay. Đồng thời, soi xét, đánh giá lại xem các tác phẩm của hội viên Hội VHNT Đồng Nai đang ở mức nào, đáp ứng được nhu cầu tiếp nhận của công chúng ở phân khúc nào, phù hợp lứa tuổi nào… Trên cơ sở đánh giá sát thực tế, Hội VHNT Đồng Nai cần có định hướng phù hợp thực tiễn để sáng tác của hội viên có thể đáp ứng được nhu cầu đông đảo công chúng.

“Điều này rất cần sự định hướng của Đảng đoàn Hội VHNT Đồng Nai. Trong đó có việc xây dựng mục tiêu, kế hoạch và đặt hàng văn nghệ sĩ sáng tác. Có như vậy mới nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, hay nói cách khác là nâng cao chất lượng hưởng thụ văn hóa của người dân” - Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn nhấn mạnh.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng, lĩnh vực mà Hội VHNT Đồng Nai đang yếu nhất là lý luận, phê bình VHNT. Do đó, Hội VHNT Đồng Nai cần tập hợp, xây dựng, bồi dưỡng các cây viết chuyên mảng lý luận, phê bình. Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh, Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai cần có và duy trì thường xuyên bài viết chuyên trang lý luận, phê bình để góp phần định hướng cho hoạt động sáng tác, nâng cao chất lượng tác phẩm.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Trang, Đảng đoàn Hội VHNT Đồng Nai cần quan tâm, chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ văn nghệ sĩ để đội ngũ này vững tư tưởng, đầu tư cho các sáng tác mảng đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái. Đồng thời, Đảng đoàn Hội VHNT Đồng Nai cũng phải nắm bắt tư tưởng của hội viên trong tình hình mới, kịp thời chấn chỉnh những cá nhân có biểu hiện lệch lạc...

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202311/nang-cao-chat-luong-tac-pham-van-hoc-nghe-thuat-6ed5553/