Nâng cao chất lượng quản trị, ''chìa khóa'' tạo ra niềm tin cho nhà đầu tư
Nâng cao chất lượng quản trị là 'chìa khóa' tạo ra niềm tin cho nhà đầu tư trong bối cảnh yếu tố môi trường, xã hội và quản trị ngày càng được chú trọng.
Ngày 5/12, tại TP. Hồ Chí Minh, Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) tổ chức Diễn đàn thường niên lần thứ 7 với chủ đề “Đầu tư vào quản trị công ty: Chiến lược thu hút nhà đầu tư có trách nhiệm trong xu thế quốc tế hóa thị trường”.
Diễn đàn hướng đến thúc đẩy thị trường tài chính và chứng khoán Việt Nam trở nên minh bạch và hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam có khả năng được nâng hạng vào năm 2025.
Đồng thời, diễn đàn là nơi kết nối, chia sẻ quan điểm giữa các quỹ đầu tư, công ty chứng khoán, ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp về thực hành, đầu tư vào quản trị công ty gắn với xu thế tài chính xanh và ESG. Qua đó, thu hút và gia tăng giá trị các nguồn vốn đầu tư bền vững đến từ các quỹ đầu tư có trách nhiệm.
Theo VIOD, năm 2024 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc nâng cao chất lượng quản trị công ty tại Việt Nam. Khi các yêu cầu về quản trị công ty ngày càng gia tăng, việc đầu tư vào quản trị hiệu quả gắn với ESG không chỉ là lựa chọn mà đã trở thành nhu cầu quan trọng đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết và công ty đại chúng.
Hiện nay, các nhà đầu tư, đặc biệt là quỹ đầu tư quốc tế, đang tập trung và dịch chuyển các khoản đầu tư bền vững vào những doanh nghiệp thực thi quản trị công ty gắn với đo lường mức độ tạo tác động đến môi trường và xã hội. Quản trị công ty được đánh giá là một kênh rất quan trọng để dẫn vốn vào thị trường và doanh nghiệp.
Trong đó, quản trị công ty gắn với ESG hiện đã trở thành một thước đo năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong việc tạo niềm tin đối với thị trường, các nhà cung cấp và là công cụ đo lường hành động, cam kết của doanh nghiệp đối với tạo tác động tới môi trường và xã hội. Đó cũng là nền tảng tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp khi thực thi chiến lược phát triển bền vững.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhà quản lý mặt bằng quản trị công ty nói chung và quản trị công ty gắn với ESG, Việt Nam hiện nay đang ở cấp độ thấp nhất trong 6 nước ASEAN và thấp hơn mức độ trung bình trong đánh giá Thẻ điểm quản trị công ty Đông Nam Á (ACGS). Yêu cầu nâng cao chất lượng và mặt bằng quản trị công ty cho Việt Nam cần được thực sự coi trọng như một mục tiêu chiến lược quan trọng và cần được ưu tiên hàng đầu.
Do đó, các các doanh nghiệp Việt Nam trong việc phải tìm ra cách thức để nâng cao chất lượng quản trị công ty, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để thu hút nguồn vốn đầu tư xanh đến từ các nhà đầu tư có trách nhiệm và rút ngắn khoảng cách về mặt bằng quản trị công ty của Việt Nam với khu vực Đông Nam Á.
Bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch HĐQT VIOD - cho biết, việc nâng cao chất lượng quản trị công ty có thể coi là "chìa khóa" để tạo ra niềm tin đối với nhà đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị ngày càng được chú trọng. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao giá trị mà còn tạo ra một môi trường kinh doanh ổn định, minh bạch và thu hút các nguồn vốn bền vững từ nhà đầu tư trong và ngoài nước.
“Những thay đổi trong mô hình quản lý trị công hiện nay không chỉ giúp các doanh nghiệp cải thiện hiệu suất hoạt động mà còn giúp tăng trưởng bền vững và thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư quốc tế. Khi quản trị công ty được nâng cao, doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn, đặc biệt là khi các nhà đầu tư quốc tế đang tìm kiếm những cơ hội đầu tư đáp ứng các tiêu chuẩn ESG”, bà Thu Thanh chia sẻ.
Ông Lê Ngọc Lâm - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - cho biết, tài chính xanh, tín dụng xanh đóng góp vai trò quan trọng trong chiến lược quốc gia về việc phát triển kinh tế xanh. Trong 10 năm trở lại đây, tín dụng xanh rất được quan tâm và đẩy mạnh, tuy nhiên, các quy định ngày càng chặt chẽ của thị trường khiến các doanh nghiệp phải gia tăng tiêu chuẩn xanh và bền vững đối với hàng hóa xuất khẩu; gia tăng trách nhiệm tài chính đối với các nhà sản xuất cho mục tiêu phát triển xanh và bền vững.
“Doanh nghiệp cần hiểu rõ về các tiêu chuẩn xanh để xây dựng chiến lược và mục tiêu rõ ràng, phát triển bền vững. Trong đó, cần nắm vững các tiêu chuẩn ESG, chiến lược công ty cũng như các quy định, chính sách hiện hành của nhà nước để từ đó nhận diện đầy đủ về thách thức và cơ hội”, ông Lâm chia sẻ.