Nạn nhân kể lại phút kinh hoàng khi bức tường đổ sập
Đến trưa nay, nạn nhân trong vụ sập tường ở KCN Giang Điền (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) vẫn còn bàng hoàng khi nhắc lại tai nạn kinh hoàng xảy ra trước đó một ngày.
Trưa 15-5, chúng tôi có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Vẻ mặt vẫn còn đau đớn, hoảng loạn, ông Phạm Thanh Phú (44 tuổi, quê Vĩnh Long, nạn nhân trong vụ sập tường) cho biết ông bị gãy tay trái, bị thương ở trán và vai, tuy nhiên vẫn có thể đi lại được. Vợ ông là bà Lê Thị Tuyết Linh (41 tuổi) cũng bị thương nặng, đang điều trị tại đây.
"Tôi làm việc tại đây gần 3 tháng, vợ tôi mới lên làm được gần 10 ngày. Trước khi vụ việc xảy ra, tôi đang tô tường, vợ thì trộn hồ. Bất ngờ tôi nghe tiếng rung lắc, bức tường đổ sập. Hai vợ chồng tôi bị vùi dưới đống đổ nát, không cử động được. Ngay sau đó vợ tôi được một số người làm cùng tới tháo dỡ giàn giáo, đưa ra ngoài. Tôi bị đè gãy chân nên ngất xỉu.Tỉnh dậy thấy vợ cũng nằm cấp cứu ngay cạnh, tôi mới biết cả hai còn sống", ông Phú nhớ lại.
Còn ông Võ Văn Bắc (45 tuổi, quê An Giang) cho biết trước khi bức tường đổ sập, ông đang tiến hành đào đất xây hố ga sát bức tường. Ngay sau đó ông Bắc nghe tiếng gió mạnh nổi lên, liền sau đó cả mấy chục giàn giáo đổ sập, gạch đá đổ ào ào, ông bỏ chạy nhưng chỉ được một đoạn ngắn và nấp dưới thanh bê tông nên thoát thân. Lúc này ông gọi vợ, tìm mãi không thấy nên ông truy hô và cùng mọi người đào bới để cứu vợ mình là bà Đặng Thị Suốt (44 tuổi) cũng đang bị đống đổ nát đèn lên cùng với một số nạn nhân khác. "Khi đào đống đổ nát lên, tôi thấy vợ nằm bất động, máu chảy lênh láng, tôi rất hoảng loạn", ông Bắc cho biết.
Ông Phú cho biết, hiện tinh thần đã tốt hơn nhưng rất đau buồn vì một số người làm chung bị đã tử vong. Sau khi vụ việc xảy ra, các ban ngành chức năng tỉnh Đồng Nai đang tích cực cứu chữa các nạn nhân bị thương (14 người).
Sáng cùng ngày đại diện lãnh đạo tỉnh cũng đã đến thăm hỏi, hỗ trợ các nạn nhân trong vụ tai nạn. Nhiều nạn nhân cho biết hy vọng những người sống sót sẽ sớm được bình phục để tiếp tục lao động hoặc về quê sinh sống. Đồng thời, cũng mong muốn những người không may mắn sớm được siêu thoát.