Năm 2025, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội dự kiến tuyển sinh thêm 8 ngành học mới
Trường Đại học Xây dựng Hà Nội dự kiến tuyển sinh 4700 chỉ tiêu trong năm 2025 với 4 phương thức tuyển sinh đa dạng.
Trường Đại học Xây dựng Hà Nội vừa thông báo tuyển sinh đại học chính quy năm 2025. Theo đó, nhà trường dự kiến tuyển sinh 4700 chỉ tiêu vào 47 ngành/chuyên ngành, trong đó có 8 ngành học mới, bao gồm: Thiết kế công nghiệp; Thiết kế đồ họa; Thiết kế thời trang; Công nghệ thông tin (chuyên ngành An toàn thông tin); Khoa học dữ liệu; Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa; Quản lý tài sản; An toàn và sức khỏe nghề nghiệp.
Năm nay, nhà trường áp dụng 4 phương thức tuyển sinh, bao gồm: Xét tuyển sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025; Xét kết quả học tập cấp trung học phổ thông (học bạ); Xét kết quả các kỳ thi do các cơ sở giáo dục đại học khác tổ chức; Tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển.
Ở phương thức 1 là xét tuyển sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025, nhà trường áp dụng cho tất cả các ngành, chuyên ngành. Các tổ hợp có môn Vẽ Mỹ thuật sử dụng kết quả thi môn Vẽ Mỹ thuật của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, hoặc của một số cơ sở giáo dục đại học khác tổ chức với điểm quy đổi về thang điểm môn Vẽ Mỹ thuật của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế Tiếng Anh (Tiếng Pháp) tương đương IELTS 5.5 trở lên (các chứng chỉ còn hiệu lực tính đến ngày xét tuyển) có thể sử dụng để thay thế môn Tiếng Anh (Tiếng Pháp) trong tổ hợp xét tuyển. Nhà trường không xét tuyển với các chứng chỉ có hình thức thi ”Home Edition”.
Đối với phương thức 2 là xét kết quả học tập cấp trung học phổ thông (học bạ), nhà trường áp dụng xét tuyển ở các ngành, chuyên ngành trừ các ngành/chuyên ngành có xét tuyển môn Vẽ Mỹ thuật.
Cụ thể, trường xét tuyển dựa vào tổng điểm trung bình 3 năm cấp trung học phổ thông của các môn trong tổ hợp xét tuyển tương ứng (áp dụng chung cho cả thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 và thí sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông trước năm 2025).
Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế Tiếng Anh (Tiếng Pháp) tương đương IELTS 5.5 trở lên (các chứng chỉ còn hiệu lực tính đến ngày xét tuyển) cũng có thể sử dụng để thay thế môn Tiếng Anh (Tiếng Pháp) trong tổ hợp xét tuyển; và không xét tuyển với các chứng chỉ có hình thức thi ”Home Edition”.
Phương thức 3 là xét kết quả các kỳ thi do các cơ sở giáo dục đại học khác tổ chức ở các ngành/chuyên ngành, trừ các ngành/chuyên ngành có xét tuyển môn Vẽ Mỹ thuật.
Nhóm 1 là xét tuyển sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy năm 2024, 2025 do Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì tổ chức. Với nhóm 2, xét tuyển sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực năm 2025 do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức. Nhóm 3 là xét tuyển sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính (V-SAT) năm 2025 do các trường đại học phối hợp với Trung tâm Khảo thí quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục, Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Còn ở phương thức 4, nhà trường tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Đề án tuyển sinh của trường.
Đối tượng được tuyển thẳng theo Đề án của trường bao gồm: Một là, thí sinh là học sinh hệ chuyên (3 năm học lớp 10, 11, 12) của các trường trung học phổ thông chuyên toàn quốc, các trường trung học phổ thông trọng điểm quốc gia có bình quân điểm trung bình chung học tập năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 đạt từ 8,0 trở lên; tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 được xét tuyển thẳng vào trường theo ngành/chuyên ngành phù hợp với môn chuyên mà thí sinh theo học.
Hai là, thí sinh có chứng chỉ quốc tế SAT đạt từ 1200 điểm trở lên hoặc ACT đạt từ 26 điểm trở lên (các chứng chỉ còn hiệu lực tính đến ngày xét tuyển) được xét tuyển thẳng vào trường.
Bà là, học sinh đã hoàn thành chương trình dự bị đại học được các trường chuyển về học.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thí sinh có nguyện vọng xét tuyển thẳng vào các ngành/chuyên ngành có xét tuyển môn Vẽ Mỹ thuật phải dự thi môn Vẽ Mỹ thuật do trường tổ chức và đạt từ 6,0 điểm trở lên.
Đối tượng được ưu tiên xét tuyển theo Đề án của trường là thí sinh đoạt các giải Nhất, Nhì, Ba các môn thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các môn đoạt giải gồm: Toán (Tin học), Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Tiếng Anh (Tiếng Pháp), Địa lý. Thí sinh được ưu tiên xét tuyển theo ngành/chuyên ngành phù hợp với môn đoạt giải; thời gian đoạt giải không quá 3 năm tính tới thời điểm xét tuyển.
Như vậy, so với năm ngoái, nếu như thí sinh xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế Tiếng Anh (Tiếng Pháp) chỉ cần có mức tương đương IELTS từ 5.0 trở lên, thì năm nay Trường Đại học Xây dựng Hà Nội yêu cầu có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế Tiếng Anh (Tiếng Pháp) tương đương IELTS từ 5.5 trở lên.
Ngoài ra, ở phương thức xét kết quả các kỳ thi do các cơ sở giáo dục đại học khác tổ chức, năm ngoái nhà trường chỉ xét tuyển sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì tổ chức, thì năm 2025 trường bổ sung thêm kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức và kết quả kỳ thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính (V-SAT) của các trường đại học phối hợp với Trung tâm Khảo thí quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục, Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Các ngành, chuyên ngành và dự kiến chỉ tiêu tiêu tuyển sinh cụ thể như sau:
Về chương trình đào tạo và cấp bằng, đối với các chương trình kỹ sư, kiến trúc sư, người tốt nghiệp được cấp bằng kỹ sư/kiến trúc sư tương đương trình độ bậc 7 theo Khung trình độ Quốc gia Việt Nam với thời gian đào tạo thiết kế 5 năm.
Đối với các chương trình cử nhân, người tốt nghiệp được cấp bằng cử nhân tương đương trình độ bậc 6 theo Khung trình độ Quốc gia Việt Nam với thời gian đào tạo thiết kế 4 năm.
Người tốt nghiệp kỹ sư/kiến trúc sư có thể học thạc sĩ đúng ngành hoặc khác ngành (sau khi học chuyển đổi và thỏa mãn điều kiện đầu vào). Người tốt nghiệp cử nhân có thể chuyển tiếp học kỹ sư, thạc sĩ ngành khác sau khi hoàn thành các học phần chuyển đổi, bổ sung kiến thức. Thời gian hoàn thành khóa học tương đương thời gian của chương trình kỹ sư (1,5 năm) hoặc chương trình thạc sĩ (2 năm) cộng với thời gian học chuyển đổi, bổ sung kiến thức.
Về các chương trình quốc tế và chất lượng cao, đăng ký xét tuyển của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, phụ huynh và học sinh xem chi tiết TẠI ĐÂY.