Năm 2025: Bộ TT-TT đề ra nhiều chỉ tiêu quan trọng về Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số

Ngày 29/12, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu các cơ quan Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Trà Vinh.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Trà Vinh.

Dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, các Thứ trưởng Bộ TT-TT, lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo chủ chốt các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ, Giám đốc Sở TT-TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng đại diện các Hội, Hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan báo chí, nhà xuất bản…

Tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Trà Vinh, đồng chí Châu Văn Hòa, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trị hội nghị; tham dự hội nghị có đồng chí Bùi Thống Nhứt; Nguyễn Văn Chuẩn, Phạm Thị Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở TT-TT, các doanh nghiệp viễn thông, các cơ quan truyền thông địa phương; lãnh đạo các sở, ngành tỉnh.

Năm 2024, Việt Nam tăng 15 bậc trong bảng xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc, lần đầu tiên vào nhóm các quốc gia có mức phát triển cao. Kinh tế số duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt hơn 20%, cao gần gấp ba lần tốc độ tăng trưởng GDP quốc gia. Công tác an toàn thông tin tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu khu vực ASEAN, lĩnh vực bưu chính doanh thu tăng trưởng 21%, đóng góp 5.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước. Ngành công nghiệp công nghệ số cũng đạt kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử ước tính 133 tỷ USD, củng cố vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ toàn cầu.

Hội nghị dành thời gian để đại biểu ý kiến, làm sâu sắc hơn những kết quả đạt được, các hạn chế và nguyên nhân; chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; đồng thời, phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện, nhằm giúp ngành TT-TT hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2025

Cũng tại sự kiện, Bộ TT-TT chính thức ra mắt Mạng lưới truyền thông chính sách trên toàn quốc, đặt dấu mốc quan trọng trong việc phủ rộng, lan tỏa triển khai công tác truyền thông chính sách trên cả nước.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT-TT khen thưởng 102 tập thể và cá nhân có thành tích trong hoạt động của ngành. Trong đó, 22 tập thể có thành tích trong thực hiện công tác truyền thông chính sách năm 2024; 32 tập thể và 48 cá nhân có thành tích triển khai thực hiện hiệu quả dừng công nghệ di động 2G.

Đại biểu tham dự hội nghị.

Đại biểu tham dự hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: năm 2025, ngành TT-TT đẩy nhanh phủ sóng 5G toàn quốc, đặc biệt xóa vùng lõm, vùng trắng khu vực nông thôn, miền núi. Đồng thời, phát triển hạ tầng internet để hỗ trợ các ứng dụng thông minh trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, nông nghiệp và đô thị thông minh... chú trọng các chỉ tiêu về Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được của toàn ngành TT-TT năm 2024; đồng tình cao với một số chỉ tiêu của ngành TT-TT đề ra năm 2025. Phó Thủ tướng yêu cầu ngành TT-TT tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước ở tất cả các lĩnh vực, quyết tâm thực hiện đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu được giao.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đề cập đến chuyển đổi số trong ngành báo chí; trong đó, báo chí cần tăng cường chuyển đổi số, phát huy vai trò, chức năng, hiệu quả góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, đưa Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống sớm nhất, hiệu quả nhất.

Với quyết tâm chính trị cao nhất, năm 2025, ngành TT-TT cần quan tâm, chú trọng triển khai thực hiện việc phối hợp sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy. Đây là bước đi quan trọng nhằm tối ưu hóa nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng cường phối hợp trong công tác quản lý, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ chuyển đổi số.

Đại biểu tham dự hội nghị.

Đại biểu tham dự hội nghị.

Năm 2025, Bộ TT-TT đặt ra những mục tiêu phấn đấu: lĩnh vực bưu chính, phấn đấu 100% xã có điểm phục vụ có người phục vụ, 90% số điểm có kết nối Internet. Hoàn thành dự án Luật Bưu chính sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội ban hành năm 2026. Lĩnh vực viễn thông phấn đấu 83%/hộ được sử dụng cáp quang; xây dựng và đưa vào khai thác tối thiểu 02 tuyến cáp quang biển quốc tế mới.

Nâng tỷ lệ sử dụng IPv6 (Giao thức Internet phiên bản 6) đạt 70%; mở rộng vùng phủ sóng 5G và số trạm 5G đạt 50% số trạm 4G. Lĩnh vực An toàn thông tin mạng, phấn đấu duy trì thứ hạng của Việt Nam trong top 30 thế giới; nâng tỷ lệ tên miền gov.vn được gán tín nhiệm mạng đạt 95%; 50% dân số trưởng thành có chữ ký số/chữ ký điện tử.

Lĩnh vực Chuyển đổi số quốc gia năm 2025, Bộ TT-TT phấn đấu hoàn thành tất cả các mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia và định hướng đến năm 2030.

Trong đó, mảng Chính phủ số, phấn đấu nâng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của cả nước lên 80%; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phổ cập dịch vụ số cho người dân theo hướng toàn trình và cá nhân hóa. Ở lĩnh vực kinh tế số và xã hội số, phấn đấu đưa tỷ trọng kinh tế số trong GDP năm 2025 đạt 20,5%. Nâng tổng doanh thu kinh tế số đạt 52 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2024 (40 tỷ USD). Ðưa tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông lên khoảng 165 tỷ USD (tương ứng với 4.200.000 tỷ đồng), tăng từ 08-10% so với năm 2024. Nâng số doanh nghiệp công nghệ thông tin và cruyền thông lên 59.000 doanh nghiệp, tăng 9,3% so với năm 2024…

Tỉnh Trà Vinh: năm 2024, công tác quản lý nhà nước thuộc nhiệm vụ được giao của ngành đạt và vượt trên tất cả các lĩnh vực.

Về bưu chính, tỉnh hiện có 13 doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, với 163 điểm phục vụ; 85/85 xã có điểm phục vụ bưu chính; doanh thu dịch vụ bưu chính ước đạt trên 148 tỷ đồng (tăng 26% so với cùng kỳ).

Về viễn thông, tỉnh đã duy trì 100% xã có hạ tầng cáp quang băng rộng, 100% ấp, khóm được phủ sóng 3G, 4G; mạng 5G đã được triển khai, với 128 trạm thu phát sóng; doanh thu dịch vụ viễn thông ước đạt trên 1.270 tỷ đồng (tăng 26,35% so với cùng kỳ).

Về hạ tầng công nghệ thông tin dùng chung, năm 2024, mạng Truyền số liệu chuyên dùng trở thành mạng truyền dẫn chính phục vụ triển khai các ứng dụng dùng chung; hạ tầng trung tâm dữ liệu đảm bảo năng lực, vận hành ổn định,….

Năm 2024, về ứng dụng công nghệ thông tin, Trà Vinh tập trung thực hiện hiệu quả, hoàn thành kết nối 05 hệ thống thông tin và 02 cơ sở dữ liệu; nâng cả tỉnh có 20 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu kết nối với bộ, ngành Trung ương. Đưa vào sử dụng 12 nền tảng số dùng chung của tỉnh. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh cung cấp 1.746 dịch vụ công, tiếp nhận 372.135 hồ sơ và đã giải quyết 371.598 hồ sơ, các hồ sơ còn lại trong quá trình giải quyết. Đặc biệt, về an toàn thông tin: phê duyệt cấp độ an toàn 17 hệ thống thông tin. Vận hành Trung tâm điều hành an ninh mạng (SOC) đảm bảo năng lực phục vụ công tác giám sát, điều hành, bảo đảm an toàn, an ninh mạng trên phạm vi toàn tỉnh; trong năm, hệ thống SOC ghi nhận 395 cảnh báo.

Với những kết quả đạt dược của năm 2024, năm 2025, Sở TT-TT tập trung rà soát, tổ chức khai thác, sử dụng các phần mềm dùng chung; đảm bảo 100% cán bộ, công chức, viên chức có liên quan trong quy trình giải quyết công việc phải thực hiện nhiệm vụ trên các phần mềm, ứng dụng có liên quan; phấn đấu cải thiện điểm các chỉ số thành phần có liên quan trong lĩnh vực chuyển đổi số.

Tin, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/trong-nuoc/nam-2025-bo-tt-tt-de-ra-nhieu-chi-tieu-quan-trong-ve-chinh-phu-so-kinh-te-so-va-xa-hoi-so-42456.html