Mỹ tiếp tục 'nuôi mộng' kéo Trung Quốc vào thỏa thuận hạt nhân cùng Nga
Các quan chức Mỹ và Nga sẽ có cuộc gặp vào cuối tháng này để đàm phán về vấn đề vũ khí hạt nhân.
Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí, Marshall Billingslea, ngày 8/6 cho biết, ông và Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov đã đồng ý “về thời gian và địa điểm cho các cuộc đàm phán vũ khí hạt nhân vào tháng 6”.
Chính quyền Trump đã rút khỏi một số hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng, gần đây nhất là Hiệp ước Bầu trời mở, trong nỗ lực tìm kiếm thỏa thuận ba bên với Nga và Trung Quốc. Sự cương quyết về một thỏa thuận ba bên được coi là một động thái có thể phá vỡ Hiệp ước START mới, hiệp ước cắt giảm hạt nhân giữa Mỹ và Nga sắp hết hạn vào tháng 2/2021. Bắc Kinh đã bác bỏ các lời kêu gọi tham gia các cuộc đàm phán ba bên.
Trong một bài đăng trên Twitter, ông Billingslea cho biết, Trung Quốc đã được mời tham gia các cuộc thảo luận trong tháng này. Đặc phái viên kiểm soát vũ khí của Tổng thống Trump hồi tháng trước đã tái khẳng định kỳ vọng rằng một thỏa thuận kiểm soát vũ khí trong tương lai sẽ là một thỏa thuận đa phương, với “Trung Quốc sẽ là một phần của khuôn khổ ba bên sắp tới”.
Daryl Kimball, người đứng đầu của Hiệp hội kiểm soát vũ khí Mỹ, cho biết rằng hiện chưa rõ Trung Quốc sẽ có động lực gì để tham gia các cuộc đàm phán, khi quy mô của kho vũ khí hạt nhân của họ không tương xứng so với Nga và Mỹ. Hai nước Mỹ và Nga “sở hữu khoảng 85% vũ khí hạt nhân của thế giới” – “gấp 10 lần số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược đã triển khai của Trung Quốc, Anh và Pháp cộng lại”, ông Kimball nói.
Kimball cũng lưu ý rằng những lời qua tiếng lại giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian gần đây trong bối cảnh dịch COVID-19 sẽ không giúp đưa họ lên bàn đàm phán.
Tháng trước, ông Ryabkov gọi cách tiếp cận của chính quyền Trump đối với START mới là “khá kỳ lạ” và nói rằng “mọi người sẽ đều có lợi” khi gia hạn thỏa thuận.
Trong bài phát biểu tại Viện Hudson mới đây, ông Billingslea cho biết rằng chính quyền hy vọng sẽ tránh được “sự tích tụ tốn kém không cần thiết trong bối cảnh chạy đua vũ trang giữa ba nước” là Mỹ, Trung Quốc và Nga, tuy nhiên cũng cảnh báo rằng Mỹ đã sẵn sàng “lãng phí” để đánh bại các đối thủ.