Mỹ: Mức trần giá dầu đánh mạnh vào 'túi tiền' nước Nga; Moscow tự nguyện cắt giảm sản lượng vì lý do đặc biệt
Mức trần giá dầu của Nga do phương Tây áp đặt đang cắt giảm nghiêm trọng nguồn thu nhập lớn nhất của nước này tại thời điểm quan trọng của chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo đưa ra trong bài phát biểu ngày 15/6.
Theo quan chức này, năm ngoái, khi Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7), Liên minh châu Âu (EU) và Australia công bố một kế hoạch đầy tham vọng nhằm hạn chế giá dầu của Nga, các quan chức Mỹ cho rằng, kế hoạch này sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Nga.
Từ ngày 5/12/2022, nhóm trên đã áp trần giá 60 USD một thùng với dầu thô Nga. Mục đích hạn chế khả tài chính của Moscow cho chiến dịch quân sự tại Ukraine. Các công ty bảo hiểm và vận tải phương Tây cũng bị cấm cung cấp dịch vụ cho dầu và các sản phẩm từ dầu Nga, trừ phi dầu được mua bằng hoặc dưới giá trần.
Ông Wally Adeyemo nói: “Chỉ trong 6 tháng, mức trần giá đã góp phần làm giảm đáng kể doanh thu của Nga tại thời điểm quan trọng của chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Gần 50% doanh thu từ dầu của Nga đã bị giảm so với một năm trước".
Ngoài giới hạn giá, các quốc gia đồng minh đã "tấn công" nền kinh tế Nga bằng hàng ngàn biện pháp trừng phạt trong suốt gần 16 tháng diễn ra chiến dịch quân sự. Các biện pháp trừng phạt nhằm vào các giao dịch ngân hàng-tài chính, nhập khẩu công nghệ, sản xuất và những người Nga có quan hệ với chính phủ.
Đáp trả lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ban hành sắc lệnh cấm cung cấp dầu thô và các sản phẩm dầu trong vòng 5 tháng, kể từ ngày 1/2, cho các nước áp dụng giá trần.
Bên cạnh đó, để cải thiện tình hình tài chính, giới chức Nga đang cân nhắc thông qua dự thảo luật áp thuế lợi tức phụ thu với các công ty lớn của Nga. Thuế này nhắm mục tiêu tới các công ty có lợi nhuận hàng năm hơn 1 tỷ Ruble (11,9 triệu USD) kể từ năm 2021.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ cho biết, kế hoạch trên là bằng chứng cho thấy sự thành công của biện pháp giới hạn giá dầu.
Ông nói: “Việc giới hạn giá dầu sẽ hạn chế các công ty dầu mỏ của Nga trong tương lai, khiến họ có ít tiền hơn để đầu tư vào thăm dò và sản xuất. Từ đó, sẽ làm giảm năng lực sản xuất của ngành dầu mỏ Nga".
Ông Lauri Myllyvirta, nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu về năng lượng và không khí sạch (CREA) có trụ sở tại Phần Lan nhận định, khi giá trần đã tác động đến nền kinh tế Nga, lệnh cấm nhập khẩu dầu của EU cũng "đánh" vào doanh thu dầu mỏ nước này.
Năm ngoái, EU tuyên bố cấm nhập khẩu dầu của Nga và các sản phẩm khác từ các nhà máy lọc dầu của Nga. Và đến tháng 2, châu Âu tiếp tục áp đặt lệnh cấm đối với nhiên liệu diesel của Moscow.
Dù vậy, ông Myllyvirta nhận thấy, mức trần vẫn quá cao và lệnh cấm của EU đang phát huy tác dụng tốt hơn.
Để đối phó với các biện pháp trừng phạt, Nga đã cắt giảm sản lượng dầu và tuyên bố trong tháng này rằng, họ sẽ gia hạn cắt giảm thêm 500.000 thùng/ngày cho đến cuối tháng 12/2024.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak viết trên trang web của chính phủ rằng: "Đây là một biện pháp phòng ngừa, được thực hiện với sự phối hợp của các quốc gia thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+)".
Nhưng các chuyên gia cho rằng, việc cắt giảm tự nguyện nói trên cũng có thể một phần là do nhu cầu suy yếu.
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu gần như sẽ ngừng lại trong những năm tới và đạt đỉnh ngay ở thập niên này.
IEA cho rằng, việc chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng sạch đang tăng tốc. Nhu cầu dầu toàn cầu có thể đạt đỉnh trong thập niên này nhờ xe điện, sử dụng nhiên liệu hiệu quả và các công nghệ phát triển khác.
Cơ quan này dự báo: "Tăng trưởng nhu cầu dầu dự kiến giảm từ 2,4 triệu thùng/ngày trong năm nay xuống 400.000 thùng/ngày vào năm 2028".