Mỹ gia tăng sức ép với Nga bằng… năng lực của EU?

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 15/7 cho biết đã ký một thỏa thuận với các đồng minh NATO, theo đó sẽ cung cấp vũ khí quy mô lớn cho Ukraine, bao gồm cả tên lửa Patriot, và cảnh báo Nga rằng nước này sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt nghiêm khắc nếu Moscow không đạt được hòa bình trong vòng 50 ngày.

Sau cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Mark Rutte, Tổng thống Mỹ cho biết hai bên đã nhất trí về "một thỏa thuận rất lớn", trong đó "hàng tỷ USD thiết bị quân sự sẽ được mua từ Mỹ, chuyển đến NATO... và số vũ khí này sẽ nhanh chóng được phân phối ra chiến trường".

Phát biểu tại Nhà Trắng, ông Trump cho biết việc chuyển giao vũ khí sẽ bao gồm các tổ hợp tên lửa Patriot mà Ukraine đang rất cần cho hệ thống phòng không của mình trước các cuộc tấn công hằng ngày của Nga.

Ông Trump không đi sâu vào chi tiết thỏa thuận, nhưng nói rõ rằng những vũ khí này sẽ được các đồng minh châu Âu chi trả toàn bộ, và các đợt chuyển giao tên lửa ban đầu sẽ diễn ra "trong vòng vài ngày" từ kho dự trữ của châu Âu, với điều kiện chúng sẽ được bổ sung bằng nguồn cung cấp của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thư ký NATO Mark Rutte tại cuộc họp ở Nhà Trắng, ngày 14/7.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thư ký NATO Mark Rutte tại cuộc họp ở Nhà Trắng, ngày 14/7.

Việc Tổng thống Trump “nhận công” cho việc cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine bằng chi phí của châu Âu đã tạo ra một số căng thẳng nhẹ trong quan hệ EU-Mỹ. "Nếu chúng tôi chi trả cho những vũ khí này, đó là sự hỗ trợ của chúng tôi", bà Kaja Kallas, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của EU, phát biểu hôm 16/7. "Vì vậy, đó là sự hỗ trợ của châu Âu và chúng tôi đang làm hết sức mình để giúp Ukraine... Nếu bạn hứa cung cấp vũ khí nhưng lại nói rằng người khác sẽ chi trả thì đó không thực sự là do bạn cung cấp... Chúng tôi hoan nghênh tuyên bố của Tổng thống Trump về việc gửi thêm vũ khí cho Ukraine, mặc dù chúng tôi muốn thấy Mỹ chia sẻ gánh nặng này" - bà Kallas nhấn mạnh.

Theo hãng tin Reuters, để triển khai thỏa thuận cung cấp vũ khí, một cuộc họp giữa các quốc gia sở hữu tên lửa Patriot và các nhà tài trợ cho Ukraine nhằm mục đích tìm kiếm thêm các hệ thống phòng không Patriot cho Kiev và do tư lệnh quân sự hàng đầu của NATO chủ trì có thể diễn ra trong tuần tới. Một quan chức NATO cho biết liên minh sẽ điều phối việc cung cấp vũ khí thông qua cơ chế Hỗ trợ và Đào tạo an ninh NATO cho Ukraine có trụ sở tại Đức.

Kurt Volker, cựu Đại sứ Mỹ tại NATO, dự đoán Ukraine cuối cùng có thể nhận được 12 đến 13 khẩu đội Patriot nhưng có thể mất một năm để tất cả được chuyển giao. Ông Trump đã gây nhầm lẫn khi nói rằng một quốc gia có 17 khẩu đội Patriot, một số trong đó sẽ được chuyển trực tiếp đến Ukraine. Không có thành viên NATO nào ngoại trừ Mỹ được cho là có số lượng hệ thống Patriot nhiều như vậy.

Về phần mình, Tổng thống Ukraine Zelenskyy tuyên bố Ukraine phải tăng tỷ lệ vũ khí sản xuất trong nước lên 50% trong vòng 6 tháng. Ông cho biết đang trông cậy vào chính phủ mới của mình dưới sự lãnh đạo của nữ Thủ tướng Yulia Svyrydenko để thực hiện mục tiêu này. Ông Zelenskyy cho biết đã gặp Thủ tướng sắp mãn nhiệm, tân Bộ trưởng Quốc phòng Denys Shmyhal và Bộ trưởng Quốc phòng sắp mãn nhiệm Rustem Umerov và quyết định rằng Bộ Quốc phòng sẽ có "ảnh hưởng lớn hơn trong lĩnh vực sản xuất vũ khí". "Vũ khí do Ukraine sản xuất hiện chiếm khoảng 40% tổng số được sử dụng ở tiền tuyến và trong các hoạt động của chúng tôi", ông Zelenskyy nói trong bài phát biểu qua video vào buổi tối.

“Con số này đã lớn hơn đáng kể so với bất kỳ thời điểm nào kể từ khi đất nước chúng ta giành được độc lập... Mục tiêu của chúng ta là đạt được 50% vũ khí do Ukraine sản xuất trong vòng 6 tháng đầu tiên của chính phủ mới, bằng cách mở rộng sản xuất trong nước. Tôi tin tưởng điều này có thể đạt được, mặc dù không dễ dàng”. Việc tăng cường sản xuất vũ khí của Ukraine cho đến nay đã tập trung vào máy bay không người lái và hệ thống phòng không. Trong những tuần gần đây, ông Zelensky đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển máy bay đánh chặn máy bay không người lái để đối phó với các đàn máy bay không người lái tấn công.

Các quan chức Nga đã có phản ứng với “tối hậu thư” của Tổng thống Mỹ. Konstantin Kosachev, một nhà lập pháp cấp cao của Nga, viết trên Telegram rằng “tối hậu thư” của Tổng thống Mỹ chẳng khác nào "nói suông", ngụ ý rằng ông có thể dễ dàng rút lại lời tuyên bố. "Nhiều thứ có thể thay đổi trong 50 ngày - trên chiến trường và trong tư duy của những người nắm quyền, cả ở Mỹ và NATO", ông này viết.

Yuri Podolyaka, một blogger quân sự nổi tiếng ủng hộ Điện Kremlin, cũng viết trên Telegram rằng ông Trump "có thể thay đổi 'quan điểm' của mình nhiều lần trong 50 ngày tới". Podolyaka và các nhà bình luận khác đã chỉ ra chỉ số chứng khoán chính của Moscow đã tăng hơn 2,5% sau thông báo của Tổng thống Trump.

Sự thay đổi giọng điệu này hoàn toàn trái ngược với sự lo lắng trước đó ở Moscow, nơi truyền thông nhà nước đồn đoán rằng ông Trump có thể công bố việc chuyển giao tên lửa tầm xa có khả năng vươn tới thủ đô Nga.

Tuy nhiên, một số tiếng nói ở Moscow than phiền rằng mối quan hệ tích cực từng có giữa ông Trump với Tổng thống Putin có thể đã thay đổi căn bản. “Một thực tế mới về Ukraine đã bắt đầu từ tuyên bố của ông Trump hôm nay”, Sergei Markov, một nhà bình luận ủng hộ Điện Kremlin, cho biết. “Tính đến hôm nay, ông ấy chỉ gây áp lực lên Nga và ủng hộ Ukraine”, ông này viết trên Telegram.

Tại Ukraine, người ta tỏ ra thất vọng khi chính quyền Trump mất gần 6 tháng mới đồng ý gửi hỗ trợ quân sự đáng kể, vào thời điểm các thành phố của Ukraine đang hứng chịu hỏa lực dữ dội. Tuần trước, Nga đã tấn công Kiev trong 7 giờ, khiến 2 người thiệt mạng, phóng đi con số kỷ lục 741 máy bay không người lái và tên lửa đạn đạo trên khắp đất nước Ukraine.

Trương Hùng (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/my-gia-tang-suc-ep-voi-nga-bang-nang-luc-cua-eu--i775405/