Mưu sinh trên lòng hồ

Những mái nhà tạm trên bè dập dềnh theo chiều lên xuống của con nước, yên ả đến lạ kỳ. Ở đó, có những con người đã và đang mưu sinh trên lòng hồ. Cuộc sống chốn thâm sơn cùng cốc tuy khó khăn, thiếu thốn, không điện lưới, không sóng điện thoại bù lại là nguồn thủy sản dồi dào…

Lòng hồ Nậm Khăn nơi mưu sinh của người dân làm nghề chài lưới.

Lòng hồ Nậm Khăn nơi mưu sinh của người dân làm nghề chài lưới.

Tiếng máy xuồng huyên náo cả một khúc sông giữa lòng hồ Nậm Khăn.Sau hơn 1 tiếng đồng hồ di chuyển, lênh đênh trên mặt nước, ngắm nhìn những triền núi trùng trùng, điệp điệp, chúng tôi đã đến với cư dân chài lưới thuộc địa phận xã Nậm Khăn (huyện Nậm Pồ). Người dân nơi đây rất thân thiện, cởi mở với những vị khách phương xa. Năm 2015, kể từ khi hồ thủy điện Lai Châu tích nước, lòng hồ xã Nậm Khăn rộng gần 3.000ha chặn dòng, cá chép, cá nheo, cá măng, cá mương và tôm… lớp lớp kéo về. Nguồn lợi thủy sản ấy đã đem lại kế sinh nhai, giúp người dân mưu sinh, phát triển kinh tế từ nghề chài lưới.

Người dân bắt cá trên lòng hồ.

Người dân bắt cá trên lòng hồ.

Phong tục tập quán, dân tộc khác nhau, nhưng đến nay đồng bào người Mông, người Thái nơi đây cùng nhau vui sống, hỗ trợ trên con đường mưu sinh nhờ nghề chài lưới và cuộc sống từng ngày no ấm, đủ đầy hơn. Từ tờ mờ sáng, khi mặt trời chưa ló rạng, vợ chồng anh Lèng Văn Sáng, bản Vằng Xôn đã tất tả chuẩn bị xuồng máy, mồi bắt tôm, xuống hồ kéo những chiếc bẫy được đặt sẵn trước đó.

Khoe với chúng tôi mẻ cá, tôm vừa bắt, anh Sáng nói: “Tôi lên đây mưu sinh cũng được vài năm rồi!. Hằng ngày, tôi thả lưới, giăng bẫy cũng kiếm được khoảng 15kg cá, tôm bán cho người dân trong xã; đem lại thu nhập từ 400 - 500 nghìn đồng, có lúc thả bẫy bắt được cá to kiếm được cả triệu đồng. Nhờ mưu sinh trên lòng hồ Nậm Khăn, cuộc sống của gia đình tôi tốt hơn trước nhiều”.

“Mưu sinh ở đây tuy vất vả nhưng chúng tôi vẫn cố gắng làm vì đây là nguồn thu nhập chính của gia đình. Để bắt được cá, tôm, từ số tiền tích góp tôi đã đầu tư mua bẫy, mua mồi. Không kể trời nắng hay mưa, ngày nào cũng từ 3 – 4 giờ sáng, mặt hồ đã bị khuấy động bởi những mái chèo khua nước. Nhà nào cũng tranh thủ dậy sớm kéo lưới thu hoạch tôm, cá” - Anh Hạng A Sinh, bản Huổi Văng chia sẻ.

Những mái nhà tạm dập dềnh theo chiều lên xuống của con nước.

Những mái nhà tạm dập dềnh theo chiều lên xuống của con nước.

Không chỉ mưu sinh bằng nghề đánh cá, để phát triển kinh tế, tận dụng nguồn nước, nhiều hộ dân đã đầu tư nuôi vịt trên lòng hồ. Với diện tích đất đồi màu mỡ ven lòng hồ, người dân đã cải tạo, dọn cỏ trồng sắn và một số loại nông sản… Sản phẩm làm ra không chỉ đáp ứng nhu cầu tự cung tự cấp của bà con mà được vận chuyển, bán đi các nơi, cải thiện thu nhập.

Anh Sùng A Mùa, bản Huổi Văng chia sẻ: “Nuôi vịt trên vùng lòng hồ rất thuận lợi. Vịt ít bị bệnh, không tốn công chăm sóc, nguồn thức ăn dồi dào từ tự nhiên, đàn vịt sinh trưởng và phát triển tốt. Ngoài phục vụ gia đình, tôi còn bán cho người dân, có thêm thu nhập”.

Để đảm bảo cuộc sống người dân tự trồng rau, các loại gia vị trên nhà nổi.

Để đảm bảo cuộc sống người dân tự trồng rau, các loại gia vị trên nhà nổi.

Từ khi lòng hồ được hình thành, nguồn thủy sản khá phong phú, đa dạng nên một số người dân xã Nậm Khăn đã đầu tư mua thuyền máy, lưới, dựng nhà tạm trên lòng hồ mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá. Hiện toàn xã có gần 10 hộ sống ổn định trên lòng hồ, một số hộ dân khác tận dụng thời gian rảnh rỗi, lúc nông nhàn sau mùa vụ lên lòng hồ đánh bắt cá mưu sinh.

Ông Lèng Văn Tự, Chủ tịch UBND xã Nậm Khăn cho biết: Những năm qua, việc đánh bắt cá, tôm trên lòng hồ đem lại nguồn thu đáng kể cho nhiều hộ dân. Tuy nhiên, việc đánh bắt nhiều, liên tục đã làm suy giảm đáng kể nguồn lợi thủy sản khu vực lòng hồ. UBND xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện đúng quy định về khai thác, đánh bắt nguồn lợi thủy sản, sử dụng đúng kích cỡ mắt lưới, vó... đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp đánh bắt theo hình thức tận diệt.

Cũng theo ông Lèng Văn Tự, để phát triển kinh tế bền vững trên lòng hồ, huyện Nậm Pồ và cấp ủy, chính quyền xã đã thành lập các đoàn khảo sát, đánh giá hiện trạng lòng hồ… Chủ trương khuyến khích người dân đầu tư hệ thống nuôi cá lồng, đồng thời xây dựng phương án hỗ trợ người dân phát triển lâu dài, bền vững. Gắn phát triển nuôi trồng thủy sản với du lịch sinh thái, trải nghiệm. Không những tạo điểm nhấn cho du lịch của huyện mà còn mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo ở địa phương.

Bài, ảnh: Sầm Phúc

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/xa-hoi/muu-sinh-tren-long-hoeeee