Muốn kích cầu tiêu dùng, phải giúp người dân có tiền để mua sắm

Theo chuyên gia, kích cầu tiêu dùng cần nhìn hai chiều vừa kích cầu vừa cần tạo ra việc làm, và phải làm đồng bộ hai phía.

Sáu tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.098,7 ngàn tỉ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 8,8%).

Theo đánh giá của Tổng Cục thống kê, số liệu trên cho thấy xu hướng người dân vẫn tiếp tục thắt chặt chi tiêu. Bên cạnh đó, nhiều lo ngại giá hàng hóa tăng theo khi chính sách tăng lương từ đầu tháng 7 có hiệu lực khiến sức mua giảm.

Vì vậy, để đảm bảo giá cả hàng hóa hợp lý, thúc đẩy người dân mua sắm, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP.HCM cần tiếp tục đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng.

Video: Muốn kích cầu tiêu dùng, phải giúp người dân có tiền để mua sắm

Người dân có xu hướng tiết kiệm

Phân tích xu hướng tiết kiệm chi tiêu của người tiêu dùng, chuyên gia kinh tế TS Huỳnh Thanh Điền, trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết: Riêng số liệu về xuất khẩu ngành may mặc chỉ ra rằng có tình trạng những tháng đầu năm khởi sắc nhưng sau đó giảm dần. Cụ thể, xuất khẩu ngành may mặc trong ba tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ tăng 9% nhưng bước sang bốn tháng tăng 6% và tổng hợp sáu tháng đầu năm nay so cùng kỳ tăng 3%.

Qua đó, cho thấy kinh tế mặc dù có điểm sáng nhưng thực tế việc làm tạo ra thu nhập cho người dân chưa được nhiều. Không chỉ vậy, nhiều DN đang cơ cấu lại theo hướng sử dụng ít lao động hơn.

“Bên cạnh tâm lý người dân nhận thấy có được thu nhập trong giai đoạn này chưa tốt, nhiều DN tái cơ cấu khiến người dân cảm thấy việc làm của mình bấp bênh nên họ có xu hướng tiết kiệm để phòng thủ cho tương lai”- TS Điền nhận xét.

Ở góc độ nhà phân phối, đại diện đại diện Saigon Co.op thông tin, trong sáu tháng đầu năm nhìn chung người dân vẫn có xu hướng tiết kiệm chi tiêu. Trong bối cảnh trên, hệ thống bán lẻ Saigon Co.op thực hiện khá nhiều chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm.

Đơn cử như “Phiên chợ đồng giá” với hơn 100 mặt hàng thực phẩm tươi sống bán đồng giá từ 10.900 đồng trở lên theo khung giờ quy định trong ngày. Nhờ đó, doanh thu tăng trưởng ổn định, đặc biệt là nông sản Việt như các sản phẩm OCOP, hàng bình ổn thị trường.

Lo ngại giá cả nhiều hàng hóa tăng

Theo Saigon Co.op, nhiều nhà cung cấp đã đề nghị điều chỉnh giá để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, vì vậy Saigon Co.op có chiến lược đến tận các vùng nguyên liệu để khai thác, thu mua trực tiếp. Qua đó, giảm được nhiều chi phí, giúp sản phẩm đến tay người tiêu dùng có giá cả tốt hơn, đồng thời giúp siêu thị mở rộng thêm nhà cung cấp, kiểm soát vùng nguyên liệu, đảm bảo chất lượng hàng hóa tốt nhất.

“Nhằm kích cầu tiêu dùng, chúng tôi nỗ lực tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi mang đến cho người tiêu dùng chi tiêu sản phẩm đa dạng, chất lượng, tiết kiệm. Đơn vị cũng có kế hoạch chi tiết và dài hạn về nguồn hàng, trong đó có các chương trình ký kết tiêu thụ sản phẩm với đối tác kinh doanh nên giá cả tại Co.opmart, Co.op Food … luôn được ổn định”- đại diện Saigon Co.op chia sẻ.

Tương tự, ông Đinh Quang Khôi, đại diện hệ thống siêu thị MM Mega Market Việt Nam chia sẻ, trong bối cảnh thị trường nhiều biến động phức tạp, siêu thị nhận được đề nghị tăng giá từ các nhà cung cấp. Tuy nhiên, nhằm đồng hành cùng TP.HCM siêu thị cố gắng kìm hãm sự tăng giá.

“Một số trường hợp đặc biệt, chúng tôi hiểu do nguyên vật liệu đầu vào tăng buộc họ phải điều chỉnh, nhưng siêu thị tìm các giải pháp để đảm bảo việc tăng giá một cách phù hợp. Đặc biệt, chúng tôi đang dùng nguồn lực từ chi phí nội bộ đầu tư cho chương trình khuyến mãi để đưa ra thị trường các sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý đến người tiêu dùng”- ông Khôi nói.

Theo ông Khôi, từ đầu tháng 7 khi lương cơ sở, lương hưu, lương tối thiểu vùng tăng người dân e ngại giá cả nhiều hàng hóa tăng. Vì vậy siêu thị đã làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp, tham gia chương trình bình ổn thị trường, chương trình khuyến mãi tập trung của TP.HCM để mang lại lợi ích tốt nhất cho người tiêu dùng.

“Chúng tôi đang đề xuất Sở Công thương TP.HCM kéo dài chương trình bán hàng lưu động tới cuối năm”- ông Khôi nói.

Khuyến mãi là chưa đủ

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho hay, hiện nay hệ thống phân phối của các DN rộng khắp cả nước, nguồn cung hàng hóa dồi dào cùng các hình thức mua bán trực tuyến. Qua đó, giúp người tiêu dùng mua sắm thuận lợi, kể cả hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài.

Bên cạnh đó, TP.HCM đang có chương trình bình ổn thị trường, chương trình khuyến mãi tập trung… Vì vậy, khó có một đơn vị, cá nhân nào có thể làm “méo mó” thị trường, khó xảy ra tình trạng tăng giá “té nát theo mưa” khi lương cơ sở, lương hưu, lương tối thiểu vùng tăng.

“Hơn nữa, Sở Công thương TP.HCM được Bộ Công thương, UBND TP.HCM chỉ đạo theo dõi sát sao tình hình cung cầu giá cả thị trường. Chúng tôi đã triển khai đến các quận huyện, thành phố Thủ Đức, Thanh tra Sở Tài chính… phối hợp cùng cơ quan quản lý thị trường theo dõi sát sao. Đặc biệt ở các chợ truyền thống nếu có dấu hiệu tăng giá đột biến, cục bộ sẽ có thông tin kịp thời đến chúng tôi để có sự điều phối kịp thời”- ông Phương nói.

 Các siêu thị tung ra nhiều chương trình khuyến mãi quanh năm để kích cầu tiêu dùng. Ảnh: TÚ UYÊN

Các siêu thị tung ra nhiều chương trình khuyến mãi quanh năm để kích cầu tiêu dùng. Ảnh: TÚ UYÊN

Tuy vậy, theo TS Điền, khi nhà nước giảm thuế, phí cho DN sẽ giúp giá hàng hóa giảm, từ đó mới thu hút người dân mua sắm. Vì vậy, kích cầu tiêu dùng cần nhìn hai chiều vừa kích cầu vừa cần tạo ra việc làm, phải làm đồng bộ hai phía. Nếu Nhà nước chỉ giảm giá hàng hóa sẽ không mang lại hiệu quả cao bởi khi có được công ăn việc làm, có thu nhập người dân mới dám chi tiêu.

“Theo tôi kích cầu đầu tư cho DN có tác động mạnh hơn. Chẳng hạn, Nhà nước tiếp tục chính sách giảm thuế thu nhập, giảm một số loại phí gián tiếp… để hỗ trợ, giúp DN khôi phục hoạt động, sản xuất, việc làm được tạo ra. Từ đó người dân mới có nhu cầu mua sắm.

Chúng ta đang đưa ra rất nhiều chính sách nhưng một số chính sách chưa kèm theo giải pháp, đồng thời làm một cách dàn trải nên hiệu quả đạt được không cao. Do đó, cần phải có trọng tâm trọng điểm”- TS Điền nói.

Bộ Công thương cũng kiến nghị, để tăng tổng cầu của thị trường, đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Triển khai đồng bộ các biện pháp kích cầu tiêu dùng. Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất...

Mang hàng hóa chất lượng giá tốt đến người thu nhập thấp

Nhằm kích cầu tiêu dùng, chương trình khuyến mãi tập trung năm 2024 của TP.HCM dự kiến có gần 10.000 thương nhân tham gia với trên 55.000 chương trình ở các lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ ngân hàng, trung gian thanh toán, giao thông vận tải ...Tham gia chương trình, DN được khuyến mãi lên đến 100%. Đợt một diễn ra từ 15-6 đến 15-9; đợt hai từ ngày 15-11 đến 31- 12.

Chương trình khuyến mãi tập trung của TP.HCM được xem là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại trọng điểm và là giải pháp kích cầu tiêu dùng được nhiều DN hưởng ứng.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, điểm mới của chương trình năm nay Sở Công thương sẽ tổ chức các chuyến bán hàng lưu động phục vụ người lao động thu nhập thấp ở các quận huyện, khu công nghiệp, khu chế xuất…

“Chúng tôi đã làm việc với các quận huyện để đăng ký các điểm bán, các khu vực đông công nhân, dự kiến đầu tháng 8 sẽ triển khai. Đáng chú ý năm nay còn có sự tham gia của các thương hiệu lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài. Qua chương trình này, Sở Công thương mời các DN FDI tham gia bình ổn thị trường của TP.HCM”- ông Phương nói.

Ngoài ra, Sở phối hợp với các đơn vị thanh toán không tiền mặt để có khuyến mãi tốt hơn cho người tiêu dùng.

“Trong quá trình triển khai, chúng tôi tính toán kiểm soát kỹ lưỡng để người tiêu dùng hưởng được khuyến mãi thực chất hiệu quả”- ông Phương nói.

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/muon-kich-cau-tieu-dung-phai-giup-nguoi-dan-co-tien-de-mua-sam-post799985.html