Mục tiêu đưa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ thành trung tâm khoa học, công nghệ ngang tầm các nước trên thế giới

Phấn đấu đạt được mục tiêu đưa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trở thành trung tâm khoa học, công nghệ hàng đầu tại Việt Nam, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực trong các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao…

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu cơ bản, phát triển công nghệ lõi, công nghệ nguồn, nhất là lĩnh vực: công nghệ vũ trụ, khoa học biển, công nghệ sinh học, vật liệu mới, lượng tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, robot, xe tự hành, thiết bị bay không người lái (UAV)…

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu cơ bản, phát triển công nghệ lõi, công nghệ nguồn, nhất là lĩnh vực: công nghệ vũ trụ, khoa học biển, công nghệ sinh học, vật liệu mới, lượng tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, robot, xe tự hành, thiết bị bay không người lái (UAV)…

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190/TB-VPCP ngày 21/4/2025 kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng tại buổi làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Theo kết luận, Phó Thủ tướng cơ bản thống nhất với các định hướng nghiên cứu phát triển, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đã được lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các đơn vị nghiên cứu trực thuộc đề xuất, thảo luận tại buổi làm việc về các lĩnh vực như: Công nghệ vũ trụ, hydro "xanh", hạt nhân nguyên tử, sinh học, bán dẫn, đường sắt tốc độ cao, công nghệ sinh học, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa, khoa học trái đất, khoa học biển, khoa học vật liệu, môi trường, công nghệ lưu trữ năng lượng (pin)…

Trong bối cảnh khoa học, công nghệ đang phát triển rất nhanh, công nghệ AI và AI tạo sinh tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống, dòng vốn đầu tư cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo liên tục tăng mạnh, nhiều quốc gia đang nhanh chóng điều chỉnh chính sách, tăng cường đầu tư cả về nhân lực và nguồn vốn, đẩy mạnh hợp tác công - tư trong nghiên cứu, ứng dụng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đặc biệt là các lĩnh vực có tính chiến lược như bán dẫn, AI…

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cần chủ động bám sát xu thế phát triển khoa học, công nghệ của thế giới, xác định rõ các định hướng và trọng tâm nghiên cứu, các lĩnh vực có tính đột phá phù hợp với nhu cầu phát triển và điều kiện đặc thù của Việt Nam trong từng giai đoạn cụ thể.

Bên cạnh những mặt đạt được, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam còn một số vướng mắc, hạn chế cần sớm khắc phục trong thời gian tới. Cụ thể, khả năng tự chủ về tài chính trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ còn thấp, thu nhập của các nhà khoa học còn phụ thuộc nhiều vào nguồn ngân sách nhà nước; cơ sở vật chất phục vụ hoạt động nghiên cứu còn thiếu đồng bộ, một số phòng thí nghiệm và trang, thiết bị phục vụ hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm còn lạc hậu, chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế; quy mô nhân lực khoa học, công nghệ trình độ cao còn hạn chế; số lượng các công bố quốc tế (khoảng 2000 bài/năm) còn thấp so với nhiều viện hàn lâm của các nước phát triển, chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực tương đối hẹp.

Hoạt động hợp tác quốc tế của Viện Hàn lâm cũng chưa đạt hiệu quả như mong muốn, một số chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài còn chậm tiến độ vì một số nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Hiệu quả đào tạo nhân lực trình độ cao chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh hiện có, chưa đạt được kỳ vọng; hoạt động chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học còn hạn chế, phần lớn kết quả nghiên cứu mới dừng lại ở báo cáo, chưa đưa được ra thị trường để ứng dụng, tạo sản phẩm cụ thể phục vụ xã hội và cuộc sống của người dân do còn nhiều bất cập về hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách. Tầm ảnh hưởng chủ yếu trong nước, kết quả hoạt động chưa tạo được dấu ấn mạnh mẽ trong khu vực và thế giới.

Thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tập trung thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, phấn đấu đạt được mục tiêu đưa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trở thành trung tâm khoa học, công nghệ hàng đầu tại Việt Nam, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực trong các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao.

Đồng thời chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp, các dự án, đề án, nhiệm vụ khoa học, công nghệ lớn, tiên phong làm chủ công nghệ lõi, công nghệ chiến lược, xứng đáng tầm vóc và sứ mệnh được giao, là nơi hội tụ tinh hoa khoa học, công nghệ của Việt Nam.

Kết luận cũng cho biết, Chính phủ sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam hoàn thành sứ mệnh được giao, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Về tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, Phó Thủ tướng đề nghị Viện Hàn lâm tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, coi đây là cơ hội sàng lọc, sắp xếp lại một cách hợp lý, hiệu quả đội ngũ cán bộ theo yêu cầu của thực tiễn, lựa chọn được những nhà khoa học, trưởng nhóm nghiên cứu xuất sắc để định hướng, dẫn dắt các nhiệm vụ khoa học, công nghệ quan trọng, có giá trị thời đại, phù hợp với xu thế phát triển khoa học, công nghệ của khu vực và thế giới.

Đối với các lĩnh vực nghiên cứu có tính đặc thù cao, không thể cắt giảm bộ máy một cách cơ học, Viện Hàn lâm chủ động, kịp thời đề xuất, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nội vụ giải quyết; trường hợp phát sinh nội dung vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Phó Thủ tướng đề nghị Viện Hàn lâm tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, là một trong những cơ quan tư vấn hàng đầu của Nhà nước về hoạch định chính sách, chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế - xã hội. Bám sát, chủ động đề xuất các nhiệm vụ khoa học, công nghệ liên quan đến các dự án lớn của đất nước như đường sắt tốc độ cao, điện hạt nhân…

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu cơ bản, phát triển công nghệ lõi, công nghệ nguồn, nhất là lĩnh vực: công nghệ vũ trụ, khoa học biển, công nghệ sinh học, vật liệu mới, lượng tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, robot, xe tự hành, thiết bị bay không người lái (UAV)…

Đối với hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chú ý lựa chọn các lĩnh vực mà Việt Nam có tiềm năng, lợi thế, gắn kết chặt chẽ hoạt động nghiên cứu và nhu cầu thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cho xã hội và phục vụ người dân.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Viện Hàn lâm chủ động phối hợp với Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) để kết nối, bổ sung nguồn lực, tận dụng các tiềm năng, thế mạnh, các cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội của Trung tâm để phục vụ hiệu quả hoạt động nghiên cứu, thể hiện tốt vai trò dẫn dắt trong việc nghiên cứu các công nghệ lõi, công nghệ nguồn, công nghệ được ưu tiên. Bên cạnh đó đẩy mạnh hoạt động đào tạo và thu hút các nhà khoa học trẻ, nhân lực có trình độ cao, để xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, đặc biệt là các hướng nghiên cứu trọng tâm, mũi nhọn như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…

Chủ động đề xuất, xây dựng các chính sách linh hoạt, phù hợp, tạo môi trường làm việc tốt nhằm thu hút, giữ chân các nhà khoa học trong nước và quốc tế, các nhà khoa học là người Việt đang làm việc ở nước ngoài để tạo đòn bẩy cho hoạt động nghiên cứu; lưu ý thu hút, kết nối với các nhà khoa học thuộc Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Đối với thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, Phó Thủ tướng đề nghị Viện Hàn lâm gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp và thị trường trong hoạt động nghiên cứu ứng dụng, đổi mới sáng tạo; xây dựng, đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu, thương mại hóa các sản phẩm khoa học, công nghệ; phát triển các khu thử nghiệm công nghệ và kết nối có hiệu quả với các trung tâm chuyển giao công nghệ trên cả nước; đặt các nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể, phấn đấu có ít nhất 10 sản phẩm từ nghiên cứu ra được thị trường mỗi năm trong vòng 5 năm tới.

Viện Hàn lâm đẩy mạnh tự chủ, thu hút các nguồn lực trong nước và quốc tế, đa dạng hóa nguồn lực tài chính thông qua hoạt động hợp tác công – tư trong nghiên cứu, triển khai các đề tài, dự án, nhiệm vụ khoa học, công nghệ. Chủ động rà soát, đề xuất kinh phí từ nguồn vốn đầu tư công để đầu tư mới, nâng cấp, hiện đại hóa các phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế và đầu tư trang thiết bị cho hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất thử; cân nhắc việc nâng cấp, xây mới trụ sở và các hạ tầng phục vụ nghiên cứu khoa học để tương xứng với vị thế của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Nam Anh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/muc-tieu-dua-vien-han-lam-khoa-hoc-va-cong-nghe-thanh-trung-tam-khoa-hoc-cong-nghe-ngang-tam-cac-nuoc-tren-the-gioi.htm