Mùa kiến ba khoang tấn công dân cư đô thị: Tổn thương dễ bị hiểu nhầm

Viêm da tiếp xúc dị ứng do kiến ba khoang thường gây ra mảng hồng ban, trên bề mặt có nhiều mụn mủ nhỏ.

Tổn thương da do tiếp xúc kiến ba khoang.

Trong khi đó, zona cũng có thể gây mảng hồng ban trên bề mặt da. Đồng thời, có thể có mụn nước, thường mọc thành chùm.

Triệu chứng xuất hiện sau 12 - 36 giờ

Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, mỗi tuần điều trị khoảng 70 - 100 bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do dính độc của kiến ba khoang. Theo bác sĩ Thạch Văn Toàn, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, số bệnh nhân tăng cao ba tháng qua khi TPHCM vào mùa mưa.

Do độ ẩm cao, kiến ba khoang cư trú ở bụi rậm, ruộng, theo ánh đèn bay vào nhà sau cơn mưa. Chúng mang theo nọc độc dính vào người gây ngứa.

Bệnh viện Da liễu TPHCM cũng tiếp nhận trung bình 3 - 5 ca/ngày viêm da do kiến ba khoang.

Theo bác sĩ Đoàn Văn Lợi Em - Trưởng khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da liễu TPHCM, nhiều người có vết thương bị nhiễm trùng, sưng nề lan rộng, mưng mủ.

Theo bác sĩ Thạch Văn Toàn, hiện tượng số bệnh nhân viêm da do kiến ba khoang tăng bắt đầu từ đầu mùa mưa đến nay. So với cùng kỳ năm ngoái thì số lượng bệnh nhân cũng gia tăng theo chu kỳ này.

Kiến ba khoang thường sống ở ven ruộng, quanh gốc rạ, bãi cỏ, gần vùng nước, ruộng rau, trong những nơi đang xây dựng. Khi ruộng lúa vào mùa gặt, chúng thường bay vào các khu chung cư cao tầng nơi có ánh sáng đèn để ăn các loại côn trùng rầy nâu, bọ hóng… trong nhà.

Chuyên gia này cho biết, triệu chứng phồng rộp da, nổi mụn nước, hoặc mụn mủ có thể xuất hiện sau khi tiếp xúc độc tố từ 12 - 36 giờ. Nếu không chữa trị, tình trạng viêm sẽ tiến triển sang loét. Khi đó, những tổn thương này sẽ có hình dạng là đường thẳng dài, hay hình chữ Y tùy theo cách độc chất tiếp xúc với vùng da.

Việc không biết cách điều trị hoặc điều trị sai sẽ dẫn đến tình trạng sẹo lõm, sẹo thâm, sẹo mất sắc tố, đặc biệt ở vùng mặt. Từ đó, gây ảnh hưởng rất lớn đến tính thẩm mỹ.

Trong thân kiến ba khoang có chất Pederine, có thể gây cháy, bỏng da giống như chất cangtadin của sâu ban miêu và chất phospho ở “con giời”. Độc chất từ thân kiến có thể do vô tình bị tay hay bộ phận khác trên cơ thể làm vỡ và gây tổn thương tại vị trí đó.

Bệnh không lây sang người khác

Theo BSCKII Vũ Thị Phương Thảo - Bệnh viện Da liễu TPHCM, tiếp xúc với kiến ba khoang có thể gây phản ứng viêm da tại chỗ. Khi đó, bệnh nhân xuất hiện mảng hồng ban ở vị trí tiếp xúc kiến ba khoang.

Sau một thời gian, những mảng hồng ban đó có thể tiến triển thành mụn mủ nhỏ. Tình trạng này liên quan đến phản ứng dị ứng, chứ không phải nhiễm trùng.

Với viêm da tiếp xúc do độc tố của các loại côn trùng, nếu vô tình lấy tay chạm vào vùng da đó, thì có thể lây tổn thương sang vị trí khác. Song, bệnh sẽ không lây từ người này sang người khác.

“Dân gian dễ nhầm lẫn bệnh viêm da tiếp xúc dị ứng của các loại côn trùng với zona (giời leo). Viêm da tiếp xúc dị ứng do kiến ba khoang thường gây ra mảng hồng ban, trên bề mặt có nhiều mụn mủ nhỏ. Mụn mủ đi theo đường hoặc vị trí tiếp xúc với dịch tiết của kiến ba khoang. Đồng thời, có thể phân bố tại nhiều vị trí trên cơ thể, chứ không ở một khu vực nhất định”, bác sĩ Phương Thảo giải thích.

Trong khi đó, zona cũng có thể gây mảng hồng ban trên bề mặt da. Đồng thời, có thể có mụn nước, thường mọc thành chùm. Mụn nước có xu hướng phân bố theo đường dây thần kinh. Thông thường, trừ một số cơ địa đặc biệt như bệnh suy giảm miễn dịch, người mắc zona chỉ có mảng hồng và mụn phân bố ở một bên của cơ thể.

Theo ThS Nguyễn Thị Quỳnh Trang - Trung tâm Da liễu - Dị ứng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, trong trường hợp nặng người viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang có thể sốt nhẹ, nổi hạch, đau vùng cổ, nách, bẹn tương ứng với tổn thương. Tổn thương da thường hết sau 1 tuần, nhưng sẽ để lại dát thẫm màu và mờ dần đi theo thời gian.

“Rất nhiều người bệnh bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang bị chẩn đoán nhầm với zona. Zona là bệnh lý do virus Varricella-zoster gây ra, đặc trưng bởi tình trạng những đám mụn nước nhỏ trên nền dát đỏ, ở một bên cơ thể, theo đường đi của dây thần kinh, đặc biệt bệnh thường đi kèm các triệu chứng đau rất dữ dội”, ThS Trang giải thích.

Trong khi đó, một số trường hợp viêm da do kiến ba khoang bị chẩn đoán nhầm với bệnh herpes. Herpes là bệnh do virus Herpes simplex gây nên, với tổn thương là mụn nước nhỏ tập trung thành đám, ở vùng niêm mạc môi, sinh dục… Người bệnh thường có cảm giác ngứa, rát, châm chích… bệnh thường hay tái phát.

ThS Nguyễn Thị Quỳnh Trang khuyến cáo, ngay sau khi tiếp xúc hay nghi ngờ tiếp xúc với kiến ba khoang, người dân cần rửa tổn thương với nhiều nước sạch. Nếu bị tiếp xúc vùng mắt, cần rửa nhiều bằng nước muối sinh lý 0,9%. Với trường hợp nhẹ, bệnh có thể tự khỏi. Người bệnh có thể sử dụng thuốc bôi tại chỗ như: Hồ nước, kem bôi có chứa kháng sinh và corticoid. Trong trường hợp tổn thương lan rộng, gây phù nề nhiều, hay có triệu chứng toàn thân, cần bổ sung thuốc uống như kháng histamine, kháng sinh, corticoid…

Chuyên gia khuyến cáo, người bệnh tuyệt đối không tự ý mua thuốc bôi và điều trị. Thay vào đó, cần được khám và điều trị bởi các bác sĩ có chuyên khoa. Nếu được điều trị đúng, bệnh thường khỏi sau 5 - 7 ngày.

Để phòng tránh viêm da do tiếp xúc kiến ba khoang, người dân cần vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, phát quang cây cối, bụi rậm. Nếu phát hiện khu vực sinh sống có kiến ba khoang, cần hạn chế mở cửa. Hạn chế sử dụng nhiều bóng đèn điện trong trường hợp không cần thiết, có thể sử dụng lưới chống côn trùng.

Ngoài ra, trước khi ngủ cần quét nhà, mắc màn. Trước khi sử dụng quần áo, khăn mặt, chăn màn… cần có thói quen kiểm tra kỹ, giũ sạch. Khi phát hiện kiến ba khoang, cần bình tĩnh để thổi nhẹ hoặc hất chúng bay đi, tránh bắt giết, chà xát. Khi đã vô tình tiếp xúc hay chà xát, nên rửa sạch vùng tiếp xúc bằng nhiều nước sạch hay nước muối sinh lý 0,9%.

Vân Huyền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/mua-kien-ba-khoang-tan-cong-dan-cu-do-thi-ton-thuong-de-bi-hieu-nham-post658180.html