Mua bán dữ liệu cá nhân có thể bị phạt gấp 10 lần doanh thu
Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân vừa được Quốc hội thông qua quy định hành vi mua, bán dữ liệu cá nhân có thể phạt đến 10 lần khoản thu có được từ hành vi vi phạm.
Sáng 26/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, với 433/435 đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành (đạt tỷ lệ 90,54%). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ảnh: Quốc hội
Trình bày báo cáo giải trình trước khi Quốc hội biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới cho biết dự thảo Luật bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên và bảo đảm tính khả thi.
Theo báo cáo, nhiều ý kiến góp ý về việc cơ chế bảo đảm thực hiện các yêu cầu của chủ thể dữ liệu cá nhân, các hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân cụ thể, các trường hợp xử lý dữ liệu cá nhân không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu, chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài, đánh giá tác động xử lý dữ liệu cá nhân, bảo vệ dữ liệu cá nhân trong một số lĩnh vực, hoạt động cụ thể.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội. Trong đó, quy định chặt chẽ cơ chế thực hiện các quyền của chủ thể dữ liệu, các hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân cụ thể như thu thập, phân tích, tổng hợp, mã hóa, giải mã, chỉnh sửa, xóa, hủy, khử nhận dạng, cung cấp, công khai, chuyển giao dữ liệu cá nhân và hoạt động khác tác động đến dữ liệu cá nhân, các trường hợp xử lý dữ liệu cá nhân không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới. Ảnh: Quốc hội
Thống nhất thuật ngữ “chuyển dữ liệu cá nhân xuyên biên giới” cho phù hợp với quy định của Luật Dữ liệu và áp dụng cơ chế hậu kiểm thông qua hồ sơ đánh giá tác động chuyển dữ liệu cá nhân xuyên biên giới và chỉ kiểm tra khi cần thiết, thay vì yêu cầu xin phép trước trong đa số trường hợp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Về đánh giá tác động khi xử lý dữ liệu cá nhân và khi chuyển dữ liệu cá nhân xuyên biên giới, dự thảo Luật cơ bản kế thừa các nội dung do Chính phủ trình, theo đó cơ quan, tổ chức chỉ cần lập hồ sơ này một lần cho suốt quá trình hoạt động và cập nhật khi có thay đổi và cơ quan chức năng sẽ thực hiện kiểm tra hồ sơ khi xét thấy cần thiết. Đối với cả hai loại đánh giá tác động này, nếu đã thực hiện theo quy định của Luật này thì không phải thực hiện việc đánh giá rủi ro tương tự theo quy định của Luật Dữ liệu.
Vi phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Dự thảo Luật bổ sung bảo vệ dữ liệu cá nhân đối với các đối tượng là người bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi để bảo đảm đầy đủ, bao quát.
Bổ sung quy định xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Cụ thể: đối với hành vi mua, bán dữ liệu cá nhân, có thể phạt đến 10 lần khoản thu có được từ hành vi vi phạm; đối với hành vi vi phạm quy định chuyển dữ liệu cá nhân xuyên biên giới, mức phạt tiền tối đa 5% doanh thu năm liền trước; đối với các hành vi vi phạm khác mức phạt tiền tối đa là 3 tỷ đồng; cá nhân vi phạm thì mức xử phạt bằng một phần hai đối với tổ chức.
Theo ông Lê Tấn Tới, các đại biểu Quốc hội đã góp ý về các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, nâng cao năng lực bảo vệ dữ liệu cá nhân, nghiên cứu, phát triển về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đề nghị quy định rõ lực lượng bảo vệ dữ liệu cá nhân và miễn trừ thuê chuyên gia bảo vệ dữ liệu cho doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp.
Cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân thuộc Bộ Công an
Ông Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội. Trong đó, bỏ các quy định không rõ ràng, không cần thiết do đã được điều chỉnh ở các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành khác như về các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân, nâng cao năng lực bảo vệ dữ liệu cá nhân, nghiên cứu, phát triển về bảo vệ dữ liệu cá nhân…
Quy định lực lượng bảo vệ dữ liệu cá nhân gồm: Cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân thuộc Bộ Công an; bộ phận, nhân sự bảo vệ dữ liệu cá nhân trong cơ quan, tổ chức; tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ bảo vệ dữ liệu cá nhân; tổ chức, cá nhân được huy động tham gia bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Nhằm giảm gánh nặng tuân thủ pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung quy định doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp được quyền lựa chọn thực hiện hoặc không thực hiện các quy định về lập hồ sơ đánh giá tác động, chỉ định bộ phận, nhân sự bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thời hạn 5 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành và miễn thực hiện đối với các hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ.