Một số ý kiến xung quanh dự án Nhà máy xử lý rác thải tại tỉnh Hòa Bình

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Văn bản số 3886/VPCP-CN ngày 09/5/2019 của Văn phòng Chính phủ về ý kiến của Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc liên quan đến dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác thải tại tỉnh Hòa Bình, Bộ Xây dựng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Về các quy hoạch có liên quan, ngày 21/7/2008, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thăm dò khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2020 tại Quyết định số 105/2008/QĐ-TTg (Quy hoạch 105), thì khu vực mỏ đá vôi Lộc Môn xã Trung Sơn và xã Cao Dương, huyện Lương Sơn được Quy hoạch khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng.

Ngày 9/7/2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thăm dò khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2020 tại Quyết định số 1065/QĐ-TTg (Quy hoạch 1065), thì khu vực mỏ đá vôi Lộc Môn xã Trung Sơn và xã Cao Dương, huyện Lương Sơn được Quy hoạch khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng.

Sau đó, ngày 04/12/2013, UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 2883/QĐ-UBND (Quy hoạch 2883), xác định khu xử lý chất thải rắn tại thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn quy mô 40ha.

Đến ngày 25/04/2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 609/QĐ-TTg (Quy hoạch 609), xác định Quy hoạch khu xử lý chất thải rắn tại Tiến Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình quy mô khoảng 200ha.

Ngày 6/5/2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 768/QĐ-TTg (Quy hoạch 768), xác định trên địa bàn huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình quy hoạch 1 cơ sở xử lý chất thải rắn cấp vùng Lương Sơn, quy mô 100ha có vị trí nằm phía Nam Quốc lộ 6 đoạn qua thị trấn Lương Sơn và phía Tây tuyến tỉnh lộ từ Lương Sơn đi Kim Bôi (không quy hoạch xây dựng cơ sở chất thải rắn có quy mô cấp vùng tại khu vực xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn).

Ngày 22/10/2018, UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt đồ án điều chỉnh Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Hòa Bình đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 2436/QĐ-UBND (Quy hoạch 2436), đã bổ sung quy hoạch mới khu xử lý chất thải rắn Cao Dương tại khe núi Lộc Môn, xã Cao Dương, tính chất là khu xử lý cấp vùng huyện, diện tích 20 - 30ha, công suất xử lý khoảng 300 tấn/ngày đêm.

Như vậy, theo các Quy hoạch số 105 và Quy hoạch 1065 của Thủ tướng Chính phủ thì khu vực mỏ đá vôi Lộc Môn xã Trung Sơn và xã Cao Dương, huyện Lương Sơn được xác định là Quy hoạch khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng; theo các Quy hoạch số 609, số 768 của Thủ tướng Chính phủ và số 2883 của UBND tỉnh Hòa Bình thì không bố trí khu xử lý chất thải rắn tại khu vực Lộc Môn xã Trung Sơn và xã Cao Dương, huyện Lương Sơn.

Các nội dung Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Hòa Bình tại Văn bản số 8699/VPCP-CN gồm: Bộ Xây dựng rà soát, cập nhật diện tích thực tế mỏ Lộc Môn, xã Trung Sơn, xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình; đồng thời chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Hòa Bình và các cơ quan liên quan xem xét cụ thể về công suất Dự án Nhà máy xi măng Trung Sơn và vùng nguyên liệu cho dự án trong quá trình tổ chức lập Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Cùng với đó, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND TP Hà Nội, UBND tỉnh Hòa Bình nghiên cứu, xem xét, bố trí khu xử lý chất thải (vị trí, diện tích) phù hợp; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

UBND tỉnh Hòa Bình báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/10/2018 về công tác quản lý, cấp phép hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng theo thẩm quyền của tỉnh tại khu vực mỏ đá vôi Lộc Môn xã Trung Sơn, xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Kết quả Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Hòa Bình thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Văn bản số 8699/VPCP-CN như sau: Hiện nay, Bộ Xây dựng đang tổ chức lập “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” theo nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 9/8/2018. Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu, cập nhật diện tích thực tế mỏ Lộc Môn, xã Trung Sơn, xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình và vùng nguyên liệu cho Dự án nhà máy xi măng Trung Sơn vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng nêu trên theo quy định của Luật Quy hoạch.

Về công suất Dự án Nhà máy xi măng Trung Sơn, ngày 10/4/2019, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 730/BXD-VLXD đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư giai đoạn 2 dự án Nhà máy xi măng Trung Sơn, tỉnh Hòa Bình kết hợp đốt rác, phát điện “ba trong một” với tổng công suất 2 dây chuyền 4,6 triệu tấn xi măng/năm (dây chuyền 2 và 3, mỗi dây chuyền có công suất là 2,3 triệu tấn xi măng/năm); thời gian đầu tư và có sản phẩm dây chuyền 2 dự kiến năm 2019 - 2022, dây chuyền 3 dự kiến sau 2025.

Ngày 15/5/2019, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 4082/VPCP-CN thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, theo đó giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình và các cơ quan liên quan hướng dẫn Chủ đầu tư thực hiện thủ tục đầu tư giai đoạn 2 Nhà máy xi măng Trung Sơn, tỉnh Hòa Bình, trước mắt đầu tư 1 dây chuyền xi măng với công suất khoảng 2,3 triệu tấn xi măng/năm kết hợp đốt rác thải và phát điện theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, bảo đảm hiệu quả, an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, trên cơ sở các Quy hoạch tại khu vực, ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 886/BTNMT-KHTC ngày 04/3/2019 về việc lựa chọn địa điểm quy hoạch khu xử lý chất thải rắn phục vụ nhu cầu xử lý chất thải rắn cho Thủ đô Hà Nội và tỉnh Hòa Bình; ý kiến của UBND TP Hà Nội tại Văn bản số 1123/UBND-ĐT ngày 21/3/2019 về việc địa điểm khu xử lý chất thải rắn phục vụ nhu cầu xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội và tỉnh Hòa Bình; Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 995/BXD-HTKT ngày 08/5/2019 về việc lựa chọn địa điểm quy hoạch khu xử lý chất thải rắn phục vụ nhu cầu xử lý chất thải rắn cho Thủ đô Hà Nôi và tỉnh Hòa Bình.

Cuối cùng, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại các Văn bản số 11023/VPCP-CN ngày 13/11/2018 và số 1612/VPCP-CN ngày 27/02/2019 của Văn phòng Chính phủ về kiến nghị của UBND tỉnh Hòa Bình tại báo cáo số 317/BC-UBND ngày 23/10/2018; trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại các Văn bản số 201/BXD-VLXD ngày 29/01/2019 và số 911/BXD-VLXD ngày 25/4/2019.

Ngày 16/5/2019, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 4139/VPCP-CN thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ rà soát các khu vực đã được UBND tỉnh Hòa Bình cấp phép khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường; cập nhật, chính xác hóa diện tích thực tế quy hoạch đá vôi làm nguyên liệu xi măng tại khu vực Lộc Môn xã Trung Sơn và xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, đề xuất việc điều chỉnh quy hoạch, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ sau khi có kết quả xử lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo đúng nhiệm vụ được Phó Thủ tướng giao.

Mặt khác, ngày 22/10/2018, UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt đồ án điều chỉnh Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Hòa Bình đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 2436/QĐ-UBND (Quy hoạch 2436) đã bổ sung mới khu xử lý chất thải rắn Cao Dương tại khe núi Lộc Môn, xã Cao Dương, diện tích 20 - 30ha đã chồng lấn vào tọa độ Quy hoạch 1065 của Thủ tướng Chính phủ mà chưa được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ là chưa đúng quy định. Đồng thời, chưa đúng ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Văn bản số 3886/VPCP-CN ngày 09/5/2019 của Văn phòng Chính phủ “nghiên cứu, xem xét, bố trí khu xử lý rác thải phù hợp, tránh chồng lấn với quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng, đảm bảo yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường”.

Từ các nội dung đã trình bày ở trên, sau khi nghiên cứu ý kiến đề xuất của UBND tỉnh Hòa Bình về việc bố trí khu xử lý chất thải rắn Cao Dương tại khe núi Lộc Môn, xã Cao Dương với diện tích 20 - 30ha; ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 886/BTNMT-KHTC Ngày 04/3/2019; ý kiến của UBND TP Hà Nội tại Văn bản số 1123/UBND-ĐT ngày 21/3/2019, Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng Chính phủ một số nội dung.

Thứ nhất, cần chỉ đạo UBND tỉnh Hòa Bình nghiên cứu, đánh giá và trong trường hợp nếu xét thấy công tác xử lý chất thải rắn là cấp bách và không lựa chọn được địa điểm nào khác ngoài địa điểm tại khe núi Lộc Môn thì lập báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong trường hợp này dự án đầu tư khu xử lý chất thải rắn tại khe núi Lộc Môn cần đảm bảo các yêu cầu: Lập dự án đầu tư theo đúng trình tự thủ tục quy định của pháp luật về đầu tư; Dự án đầu tư cần thực hiện đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định; Dự án bảo đảm không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ; Dự án đảm bảo về môi trường, không ảnh hưởng tới các khu vực danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa; đồng thời, có giải pháp xử lý các vấn đề theo ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 886/BTNMT-KHTC ngày 04/3/2019 và ý kiến của UBND TP Hà Nội tại Văn bản số 1123/UBND-ĐT ngày 21/3/2019.

Thứ hai, trong trường hợp Thủ tướng chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư khu xử lý chất thải rắn nêu trên thì đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất điều chỉnh khu vực 20-30 ha ra ngoài Quy hoạch 1065 trình Thủ tướng Chính Phủ.

Ánh Dương

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/quy-hoach-kien-truc/mot-so-y-kien-xung-quanh-du-an-nha-may-xu-ly-rac-thai-tai-tinh-hoa-binh.html