Một lời nói của ông Putin tại cuộc gặp với Lukashenko khiến Lầu Năm Góc giật mình

Lầu Năm Góc đã bị giật mình trước tuyên bố của Tổng thống Nga Putin trong cuộc gặp với người đồng cấp Belarus Lukashenko.

Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ với một từ cảnh báo đã khiến các quan chức quân sự Mỹ trong Lầu Năm Góc giật mình. Nhà báo Ellen Mitchell của tờ The Hill đưa ra nhận xét nói trên.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hội đàm với người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko vào ngày 25/6 tại St. Peterburg. Trong cuộc trò chuyện, nhà lãnh đạo Nga cho biết sẽ đáp ứng yêu cầu của Minsk và bàn giao hệ thống tên lửa Iskander-M trong vài tháng tới.

Phát biểu về khả năng của vũ khí, ông Putin nhấn mạnh rằng chúng được thiết kế để hoạt động ở phạm vi lên tới 500 km, đồng thời có thể sử dụng tên lửa đạn đạo cũng như hành trình, mang cả đầu đạn thông thường và hạt nhân.

Như chuyên gia phân tích Ellen Mitchell đã lưu ý, quyết định của Tổng thống Liên bang Nga đã khiến lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ vô cùng tức giận, đi kèm cả cảm giác lo sợ.

Bài báo viết: “Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin cam kết chuyển giao các hệ thống tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân cho Belarus được các quan chức Mỹ coi là ngôn ngữ mang đầy tính thách thức".

Theo một quan chức cấp cao giấu tên của Lầu Năm Góc, một từ cụ thể mà ông Putin thốt ra trong cuộc gặp với người đồng cấp Lukashenko đã gây ra sự sợ hãi không hề nhỏ.

“Tất nhiên, mỗi khi ai đó sử dụng từ 'hạt nhân', chúng tôi đều có những lo ngại. Thành thật mà nói, việc một nhà lãnh đạo quốc gia nói về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân có vẻ hơi vô trách nhiệm”, một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ nói với các phóng viên tại cuộc họp báo.

Trong khi đó, Điện Kremlin đã làm rõ rằng Liên bang Nga không hứa sẽ chuyển giao ngay lập tức tên lửa đạn đạo Iskander-M mang đầu đạn hạt nhân cho Belarus.

Ví dụ, người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov giải thích rằng Tổng thống Vladimir Putin chỉ nói rằng các tổ hợp Iskander-M về mặt kỹ thuật có khả năng mang nhiều loại đầu đạn khác nhau. Tuy nhiên ngay cả những lời này cũng khiến Lầu Năm Góc lo sợ.

"Các lực lượng chiến lược của chúng tôi luôn theo dõi sát sao tình hình về vấn đề này để có thể đưa ra những phản ứng một cách đúng đắn và kịp thời nhất", một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho tờ The Hill được biết.

Ngoài tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M, Nga cho biết sẽ hiện đại hóa cho Belarus các máy bay cường kích tấn công mặt đất Su-25, cũng như viện trợ cho quốc gia láng giềng những hệ thống phòng không tiên tiến như Pantsir-S1 hay S-400.

Các nhà quan sát quân sự phương Tây cho rằng quá trình chuyển giao vũ khí tối tân của Nga cho Belarus (kể cả vũ khí hạt nhân) cho dù không xảy ra ngay lập tức, nhưng theo thời gian thì chắc chắn sẽ được thực hiện.

Để sẵn sàng đối phó những vũ khí tấn công và phòng thủ đáng sợ của Nga trên lãnh thổ Belarus, ngay lúc này có lẽ Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đã phải lên phương án tác chiến chi tiết.

Dự báo NATO sẽ phải triển khai tại Ba Lan các hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trên cạn và nhiều tổ hợp pháo phản lực dẫn đường chính xác cao như HIMARS hay M270 với đạn PrSM để nhanh chóng "dập tắt" tiềm năng tấn công của đối phương.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/mot-loi-noi-cua-ong-putin-tai-cuoc-gap-voi-lukashenko-khien-lau-nam-goc-giat-minh-post509043.antd