'Mở đường' cho nông sản vùng thấp Sìn Hồ
Để nông sản không phải 'chờ thương lái', chính quyền và người dân các xã vùng thấp huyện Sìn Hồ đang nỗ lực xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, kết nối thị trường tiêu thụ ổn định, hướng đến nền nông nghiệp chủ động, hiệu quả và bền vững.
11 xã vùng thấp của huyện Sìn Hồ có đặc trưng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, đất đai màu mỡ thuận lợi phát triển các loại cây trồng ngắn ngày và cây ăn quả. Những năm gần đây, người dân các địa phương đã khai thác hiệu quả lợi thế đó trồng cam, xoài, dứa, mía và các nông sản khác cùng nhiều loại rau màu phục vụ chăn nuôi. Những vùng chuyên canh nhỏ lẻ đang dần được đầu tư mở rộng, tạo ra sản lượng đáng kể, trở thành hàng hóa tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, thiếu chuỗi liên kết và phụ thuộc vào thương lái khiến đầu ra của nông sản nơi đây vẫn rất khó khăn và trở thành bài toán khó của địa phương. Trước thực tế đó, cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân các xã vùng thấp đang từng bước chuyển hướng sản xuất theo tư duy thị trường, đẩy mạnh kết nối tiêu thụ, xây dựng thương hiệu và ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp để tạo nền tảng phát triển bền vững.
Công tác lãnh, chỉ đạo xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, nhiều địa phương đã chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp có tổ chức, gắn với nhu cầu thị trường, có sự tham gia hợp tác đồng bộ từ chính quyền, người dân và doanh nghiệp. Xã Căn Co là một ví dụ điển hình. Những năm trước, người dân trên địa bàn xã chủ yếu canh tác lúa, sắn theo tập quán cũ, sản phẩm thu hoạch không ổn định, đầu ra chủ yếu phụ thuộc vào thương lái. Nay đã khác, nhiều hộ chuyển sang trồng xoài, dứa, mía, chuối, xây dựng vùng chuyên canh với diện tích hàng chục héc-ta. Theo thống kê, hiện xã có hơn 150ha cây trồng hàng hóa, trong đó xoài và dứa chiếm diện tích lớn. Một số hộ mạnh dạn đầu tư hệ thống chuồng trại chăn nuôi tập trung, chủ động thức ăn chăn nuôi, bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá rõ rệt.

Người dân bản Pậu (xã Nậm Tăm) chú trọng đầu tư mô hình nuôi ong lấy mật.
Anh Lò Văn Păn ở bản Nậm Ngá (xã Căn Co) chia sẻ. “Những năm trước, gia đình tôi trồng sắn, cả năm bán được khoảng 20 triệu đồng sắn củ. Thấy không hiệu quả nên chuyển hướng trồng hơn 1ha xoài Đài Loan và thí điểm trồng thêm dứa, mía… Năm vừa qua, thu khoảng 50 triệu đồng từ các loại cây trồng mới này. Quan trọng hơn là giờ có hợp tác xã thu mua, không lo bán lẻ như trước nữa”.
Không riêng Căn Co, tại xã Nậm Tăm - địa phương đi đầu sản xuất nông sản của vùng với hơn 400ha cây ăn quả (dứa, cam, xoài...). Hiện xã cũng đang đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết tiêu thụ. Cây chuối, dứa, mía tím đang được mở rộng diện tích.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Sìn Hồ, các xã vùng thấp như: Căn Co, Nậm Tăm, Nậm Cha… đang chiếm khoảng 60% tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện, với những sản phẩm chủ lực như: chuối, xoài, dứa, cam, bưởi. Đặc biệt mô hình nuôi ong lấy mật của các hộ dân ở bản Pậu (xã Nậm Tăm) có hướng phát triển tốt với 30 hộ tham gia nuôi, cho thu nhập ổn định. Ước tính cứ 100 thùng ong, mỗi năm cho thu gần 1 tấn mật, nếu được gắn tem truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, có đầu ra ổn định, chắc chắn người dân mạnh dạn nhân rộng.
Ông Lò Văn Sâu - Chủ tịch UBND xã Nậm Tăm cho biết: “Xã hiện có nhiều lợi thế về khí hậu, đất đai, đồng bào địa phương thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn đầu tư trồng cây ăn quả, cây nguyên liệu (mía, cỏ voi). Nhưng đầu ra vẫn là khâu yếu. Mong muốn lớn nhất của địa phương là được hỗ trợ xây dựng cơ sở sơ chế quy mô bài bản, kho lạnh bảo quản sản phẩm sau thu hoạch và kết nối tiêu thụ sản phẩm ổn định cho bà con. Nếu làm được điều đó, không chỉ người dân Nậm Tăm mà toàn bộ các xã vùng thấp Sìn Hồ có cơ sở vững chắc vươn lên mạnh mẽ hơn”.
Được biết, thời gian qua, chính quyền huyện Sìn Hồ đã chủ động vào cuộc với nhiều giải pháp thiết thực. Từ tập huấn kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, hỗ trợ cấp mã QR truy xuất nguồn gốc, đến phối hợp đưa các sản phẩm nông sản đặc trưng địa phương lên sàn thương mại điện tử… Từ đầu năm đến nay, đã có hơn 100 hộ dân tại 2 xã: Căn Co và Nậm Tăm được tập huấn kỹ năng bán hàng online, xây dựng kênh phân phối qua mạng xã hội. Huyện cũng đang xúc tiến kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sơ chế, chế biến quy mô nhỏ gắn với vùng nguyên liệu. Về lâu dài, định hướng của huyện là tập trung xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp khép kín, từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ. Mục tiêu đặt ra đến hết năm 2025, mỗi xã vùng thấp sẽ có ít nhất một sản phẩm chủ lực được xây dựng thương hiệu và có hợp đồng liên kết. Phát triển nông nghiệp xanh gắn với du lịch sinh thái, tạo giá trị kép từ các mô hình tăng thêm thu nhập cho người dân.
Việc chính quyền các cấp chủ động “tìm đầu ra” cho nông sản các địa phương đã giúp nâng cao giá trị sản phẩm, ổn định thị trường, góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân. Với sự đồng hành của chính quyền, doanh nghiệp và sự chủ động của nông dân, ngành Nông nghiệp tại vùng thấp Sìn Hồ sẽ dần bước ra khỏi thế “phụ thuộc”, hướng tới phát triển bền vững, hiệu quả và tự chủ trong tương lai.
Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-te/mo-duong-cho-nong-san-vung-thap-sin-ho-713153