Minh bạch thông tin đấu thầu để phòng ngừa trục lợi

Tại phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) trong chương trình Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá, việc bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu là vấn đề quan trọng hàng đầu để hạn chế trục lợi, tiêu cực. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến các tiêu chí cụ thể để lựa chọn nhà thầu, bảo đảm chất lượng công trình, dự án, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua đấu thầu với mức giá hợp lý nhất, từ đó, nâng cao hiệu quả đầu tư, sử dụng nguồn vốn.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, hạn chế lớn nhất trong đấu thầu thời gian vừa qua là số lượng người tham gia dự thầu rất ít, kể cả đấu thầu trên internet, điều đó chứng tỏ tính cạnh tranh không cao. Nguyên nhân chính ở đây theo đại biểu Hoàng Văn Cường có thể do thông tin đã được cài cắm trong hồ sơ mời thầu làm hạn chế các nhà thầu tham gia. Vì vậy, trong hồ sơ mời thầu cần quy định rõ để nhận biết như thế nào là cài cắm thông tin và có biện pháp phòng tránh. Ý kiến của đại biểu Quốc hội phản ánh một thực tế là có không ít cuộc đấu thầu xuất hiện tình trạng cài cắm “quân xanh”, “quân đỏ”, dùng những tiêu chí đặc thù để loại bớt nhà thầu, qua đó, sắp xếp cho đơn vị đã định trước được trúng thầu. Điều này khiến công tác đấu thầu bị méo mó, biến dạng, làm nản lòng những đơn vị tham gia đấu thầu chân chính, trong đó, không loại trừ những trường hợp móc ngoặc để trục lợi, làm thất thoát tiền của, ngân sách nhà nước và xã hội.

 Hỗ trợ khách hàng online tại Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Ảnh: TTXVN

Hỗ trợ khách hàng online tại Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Ảnh: TTXVN

Làm rõ một số nội dung liên quan đến dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, để khắc phục tình trạng gian lận, thông thầu, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu cần phải có giải pháp căn cơ. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thực tiễn vừa qua cho thấy, hành vi thông đồng, gian lận, nâng khống giá, cài cắm các tiêu chí đánh giá trong hồ sơ mời thầu, can thiệp bất hợp pháp vào quá trình đấu thầu, chia nhỏ các gói thầu để chỉ định thầu... đang diễn biến hết sức phức tạp và tinh vi. Dự thảo luật đã bổ sung rất nhiều quy định để tránh hiện tượng này. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện các quy định về hồ sơ mời thầu để chống hiện tượng cài cắm các tiêu chí, gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Cùng với quy định cụ thể về tiêu chí lựa chọn trong hồ sơ mời thầu, để công tác này bảo đảm công khai, minh bạch, các thông tin về đấu thầu cần được công bố rộng rãi, cập nhật, giúp tất cả các tổ chức, cá nhân quan tâm đều được tiếp cận dễ dàng, thuận tiện. Hiện nay, chúng ta đã triển khai đấu thầu qua internet với một số lĩnh vực, cần tiếp tục nghiên cứu, mở rộng hình thức này, vừa giúp cải cách thủ tục hành chính, vừa tạo thuận lợi trong công khai thông tin. Về lâu dài cần thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà thầu để phục vụ cho việc đánh giá uy tín của các đơn vị tham gia đấu thầu cũng như chất lượng hàng hóa, dịch vụ cung cấp. Đi liền với đó là nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước. Để bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, gắn với quy trình đấu thầu cần quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể liên quan, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm cũng như có cơ chế khuyến khích với những đơn vị làm tốt, nghiêm túc, chất lượng.

MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/minh-bach-thong-tin-dau-thau-de-phong-ngua-truc-loi-711154