Miền Trung - Tây Nguyên tăng cường thực thi các hiệp định thương mại tự do
Các FTA thúc đẩy thương mại các địa phương miền Trung – Tây Nguyên tăng trưởng liên tục, tỷ lệ thực hiện C/O tại các thị trường có FTA tăng 200 - 500%.
Các FTA thúc đẩy tích cực tăng trưởng thương mại
Việt Nam đang là thành viên của 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó, 15 FTA đã có hiệu lực thực thi. Việc tham gia các FTA đã thúc đẩy sự tăng trưởng tích cực và đáng kể thương mại khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Theo ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, việc Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA… đã mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng về xuất khẩu hàng hóa, thu hút đầu tư, có những tác động tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị, nhất là thúc đẩy tăng trưởng giá trị thương mại.
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, với sự nỗ lực của Sở Công Thương tỉnh cùng các sở, ngành trong việc tích cực triển khai thông tin và hướng dẫn tiếp cận, thực thi các FTA, đến nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hiểu cũng như khai thác, tận dụng các ưu đãi, cơ hội mở rộng thị trường từ các cam kết trong FTA, nhất là các FTA thế hệ mới.
“Kim ngạch xuất khẩu của Quảng Trị từ năm 2015 đến nay tăng trưởng tốt (từ 387,9 triệu USD năm 2015 lên 600,4 triệu USD năm 2023 - PV). Các dự án ODA và các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam, Khu thương mại Lao Bảo, các khu công nghiệp khác có tăng trưởng đáng kể”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị thông tin.
Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - cho biết, các FTA đã tác động mạnh mẽ đến kinh tế cũng như xuất khẩu hàng hóa của tỉnh. Trong thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã rất tích cực triển khai công tác tuyên truyền đến cán bộ công chức, doanh nghiệp liên quan về các ngành hàng, lĩnh vực có thể tận dụng cơ hội từ các FTA, cũng như, tăng cường thu hút đầu tư.
“Tính đến nay, tỉnh đang có 11 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 697 triệu USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng liên tục hàng năm, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng từ 580 triệu USD năm 2020 lên dự kiến khoảng 750 triệu USD năm 2024”, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch thông tin và cho biết, hiện tỉnh Gia Lai có 30 doanh nghiệp xuất khẩu, thị trường xuất khẩu chủ yếu là châu Âu (chiếm khoảng 50 - 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, hàng hóa xuất khẩu chính là cà phê, gỗ), thị trường châu Á (chiếm khoảng 30%, chủ yếu là Trung Quốc, Hàn Quốc…, sản phẩm chủ yếu là cao su, sắn, cà phê và sản phẩm gỗ).
Còn đại diện TP. Đà Nẵng, bà Đỗ Thị Quỳnh Trâm - Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố - cho biết, việc triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế và thực thi các FTA bước đầu đã đem lại kết quả tích cực ở nhiều mặt, góp phần vào sự phát triển kinh tế của thành phố.
Trên lĩnh vực thương mại, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu Đà Nẵng nằm trong Top 3 của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Đà Nẵng trong giai đoạn 2021 - 2024 ước đạt 7,7 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân là 4,5%/năm. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Đà Nẵng trong giai đoạn 2021 - 2024 đạt 5,2 tỷ USD, tăng bình quân 0,1%/năm. Hàng hóa của doanh nghiệp Đà Nẵng hiện đã xuất khẩu đi hơn 120 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Nhiều doanh nghiệp chưa dành sự quan tâm để tận dụng hiệu quả các FTA
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, cũng như đã nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp, các đại diện các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng cho biết còn gặp khó khăn trong thực thi các FTA. Trong đó, nổi lên là vấn đề doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc tận dụng có hiệu quả ưu đãi từ các FTA.
“Doanh nghiệp là lực lượng chính thực hiện các FTA và chịu tác động mạnh mẽ nhất trong quá trình thực thi các FTA. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức được đầy đủ tác động của các FTA, chưa chủ động, tích cực trong việc tiếp cận, tìm hiểu về các cam kết FTA, chưa dành sự quan tâm và đầu tư nguồn lực thích đáng để tận dụng hiệu quả các cơ hội cũng như giảm thiểu thách thức do các FTA mang lại”, bà Đỗ Thị Quỳnh Trâm cho hay.
Theo ông Hà Sỹ Đồng, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của tỉnh chủ yếu xuất nhập khẩu với Trung Quốc hoặc làm vệ tinh cho các doanh nghiệp lớn nên chưa quan tâm đúng mức đến các FTA thế hệ mới.
Đại diện các địa phương cũng cho rằng, còn nhiều hạn chế trong việc thống kê số liệu, nhất là số liệu liên quan đến xuất nhập khẩu và tận dụng FTA gặp nhiều khó khăn. “Số liệu chi tiết về ngành hàng, thị trường, doanh nghiệp xuất nhập khẩu…. trên địa bàn tỉnh chưa được cung cấp kịp thời và chi tiết, làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động phân tích, đánh giá và chỉ đạo điều hành”, ông Hà Sỹ Đồng nói.
Để việc triển khai các FTA trong thời gian tới hiệu quả hơn, theo các địa phương, cần có chính sách cụ thể để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp tiếp cận các thị trường có FTA.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động thực hiện các FTA, đặc biệt là các chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ tối đa cho các địa phương, doanh nghiệp trong việc tiếp cận thị trường; lồng ghép phối hợp các hoạt động, chương trình của các cơ quan ngoại giao và nước ngoài.
Tương tự, tỉnh Gia Lai cũng kiến nghị có các chính sách cụ thể hỗ trợ cho doanh nghiệp theo từng ngành hàng tiếp cận và tận dụng ưu đãi từ các FTA. “Tỉnh Gia Lai mong muốn Chính phủ, các Bộ, ngành sẽ có những chính sách thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp khi thực thi các FTA như CPTPP, EVFTA, UKVFTA. Cụ thể như cách tiếp cận các ưu đãi đối với những ngành hàng, sản phẩm tỉnh Gia Lai có thể mạnh như cà phê, các sản phẩm từ gỗ”, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch đề xuất.
Ngoài ra, các địa phương miền Trung - Tây Nguyên cũng đề xuất cần đổi mới để tăng hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến. “Đề nghị các Bộ, ngành tăng cường các hoạt động tuyên truyền thông tin cụ thể, chi tiết về các FTA mà Việt Nam là thành viên. Trong đó, xem xét việc phân nhóm đối tượng tiếp cận và phổ biến thông tin để các nội dung tuyên truyền tiệm cận với nhu cầu và quy mô phát triển của các doanh nghiệp”, ông Hà Sỹ Đồng cho biết.
Thông tin từ Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực miền Trung (thuộc Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương), tình hình tận dụng ưu đãi từ các FTA khu vực khá tích cực, một số thị trường được ghi nhận có sự tăng trưởng về số lượng C/O được cấp và giá trị xuất khẩu (từ 200-500%) so với thời điểm trước khi các FTA có hiệu lực.