Meta xóa bỏ định kiến Facebook chỉ dành cho người lớn tuổi bằng thông tin quan trọng

Meta Platforms cho biết ứng dụng Facebook đang thu hút lượng người dùng trẻ tuổi cao nhất trong 3 năm qua, nhằm xóa bỏ định kiến nền tảng này chỉ dành cho người lớn tuổi.

Hơn 40 triệu người trưởng thành từ 18 đến 29 tuổi ở Mỹ và Canada đang lướt Facebook hàng ngày, theo thông tin nhân khẩu học được Meta Platforms công bố lần đầu tiên.

Facebook, được đồng sáng lập bởi Mark Zuckerberg – tỷ phú 40 tuổi người Mỹ, đã kỷ niệm 20 năm thành lập vào ngày 4.2.2024.

Sự tăng trưởng nêu trên phản ánh những nỗ lực từ công ty trong vài năm qua nhằm thu hút sự chú ý của những người trẻ tuổi, vốn đang đổ xô về ứng dụng video ngắn TikTok do tập đoàn ByteDance (Trung Quốc) sở hữu.

Phát ngôn viên của công ty cho biết Meta Platforms đã ghi nhận "tăng trưởng sử dụng ứng dụng Facebook lành mạnh trong năm quý qua" ở nhóm người dùng trẻ tuổi.

Tại sự kiện ở thành phố New York (Mỹ) nhằm mục đích nêu bật cách giới trẻ sử dụng ứng dụng, Tom Alison, Giám đốc Facebook của Meta Platforms, cho biết lễ kỷ niệm 20 năm khiến các lãnh đạo nhận ra Facebook cần phải phát triển để duy trì sự phù hợp cho thế hệ tiếp theo.

Tom Alison nói: "Facebook dành cho ai? Nó dành cho bố mẹ tôi sao?", trích dẫn những câu hỏi mà ông cho biết đã nghe từ những người trẻ tuổi.

Tom Alison nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn rằng người dùng trẻ tuổi dường như ban đầu đến với Facebook để sử dụng các tính năng như Marketplace, Groups và Dating vào những thời điểm quan trọng trong cuộc sống, chẳng hạn như khi họ cần trang bị nội thất cho căn hộ lần đầu tiên.

Ông nói thêm, dù hầu hết tính năng đó không có quảng cáo nhưng việc sử dụng chúng đã thúc đẩy mức độ tương tác rộng rãi.

Tom Alison cho hay: "Khi đã có mặt trên Facebook, họ sẽ kiểm tra những thứ đang diễn ra trên bảng tin hoặc cuộn Reels", đề cập đến sản phẩm video ngắn giống TikTok.

Được thành lập trong một ký túc xá của Đại học Harvard vào năm 2004, Facebook đã lan truyền nhanh chóng trên khuôn viên các trường đại học của Mỹ sau khi ra mắt và nhanh chóng trở thành nền tảng truyền thông đại chúng mặc định cho một thế hệ người dùng internet. Ứng dụng Facebook đã thu hút được 50 triệu người dùng trong ba năm đầu tiên và hiện có 3,2 tỉ người dùng trên toàn cầu.

Tuy nhiên theo thời gian, Facebook trở nên kém hấp dẫn với những người dùng trẻ tuổi, vốn thúc đẩy các xu hướng tiêu dùng và được các nhà quảng cáo coi là quan trọng vì đóng góp cho phần lớn doanh thu quảng cáo của Meta Platforms.

Theo cuộc khảo sát vào năm 2023 của tổ chức nghiên cứu Pew, chỉ có khoảng 1/3 thanh thiếu niên ở Mỹ cho biết sử dụng Facebook, giảm mạnh so với các cuộc khảo sát trước đó mà họ thực hiện năm 2014 và 2015.

Để so sánh, theo tổ chức nghiên cứu Pew, tỷ lệ người trưởng thành ở Mỹ nói rằng sử dụng Facebook vẫn tương đối ổn định kể từ năm 2016 ở mức khoảng 68%.

Meta Platforms cho biết ứng dụng Facebook đang thu hút lượng người dùng trẻ tuổi cao nhất trong 3 năm qua, nhằm xóa bỏ định kiến nền tảng này chỉ dành cho người lớn tuổi - Ảnh: Internet

Meta Platforms cho biết ứng dụng Facebook đang thu hút lượng người dùng trẻ tuổi cao nhất trong 3 năm qua, nhằm xóa bỏ định kiến nền tảng này chỉ dành cho người lớn tuổi - Ảnh: Internet

Ngày 4.2.2004, Mark Zuckerberg khi đó mới 19 tuổi đã ra mắt một website riêng có tên miền thefacebook.com. Ban đầu, trang web và chỉ dành cho sinh viên Đại học Harvard. Mục đích của nó là giúp sinh viên kết nối với nhau và chia sẻ thông tin.

Tuy nhiên, Mark Zuckerberg và các bạn cùng phòng của mình là Eduardo Saverin, Dustin Moskovitz và Chris Hughes nhanh chóng nhận ra tiềm năng của trang web này vượt xa khuôn viên trường đại học. Họ đã bỏ học và chuyển đến thành phố Palo Alto (bang California, Mỹ) để phát triển Facebook thành một công ty toàn cầu.

Với logo chữ F màu xanh lam, Facebook đã trải qua một chặng đường dài đầy thăng trầm. Mạng xã hội này nằm dưới sự quản lý của công ty mẹ Meta Platforms cùng với Instagram, WhatsApp, Threads.

5 ngày trước sinh nhật thứ 20 của Facebook, Mark Zuckerberg đã phải ra điều trần trước Thượng viện Mỹ và phải xin lỗi các phụ huynh vì Facebook, Instagram gây hại cho trẻ vị thành niên.

Trong phiên điều trần ngày 31.1, Giám đốc điều hành Meta Platforms đối mặt với những câu hỏi gay gắt từ các nhà làm luật về sự an toàn của trẻ em và liệu công ty có đầu tư đủ nguồn lực để bảo vệ thanh thiếu niên hay không. "Không ai đáng phải trải qua những nỗi đau mà các vị phải chịu đựng và chúng tôi đau lòng vì điều đó", Mark Zuckerberg quay về phía các hàng ghế và nói.

Tỷ phú sinh năm 1984 nói ông muốn tập trung mọi thứ trong dài hạn. "Bạn không bao giờ tốt như người ta nói khi bạn đang thăng hoa, hay tệ như họ nói khi bạn đang đi xuống. Chỉ cần tiếp tục xây dựng và làm tốt công việc trong thời gian dài sắp tới", ông viết trên Threads ngày 2.2.

Theo các chuyên gia, kể cả khi đạt thành tựu lớn về tài chính, việc bị giám sát không ngừng nghỉ từ các chính trị gia, nhà quản lý, truyền thông lẫn người dùng khiến Meta Platforms không tổ chức ăn mừng sinh nhật 20 tuổi cho Facebook.

Mark Zuckerberg chỉ đánh dấu sinh nhật tuổi 20 của mạng xã hội này bằng một bài đăng trên Facebook và Threads với những hình ảnh ông làm việc cách đây 20 năm và hiện tại.

Một thập kỷ trước, Mark Zuckerberg đăng bài vào sinh nhật lần thứ 10 của Facebook, nói ông đã rất ngạc nhiên trước thành công của nền tảng này khi so với đối thủ. "Chúng tôi quan tâm đến việc kết nối thế giới hơn bất kỳ ai khác", ông viết khi đó.

Thông thường, sinh nhật lần thứ 20 của một công ty là lễ kỷ niệm lớn. Walmart từng tổ chức bữa tiệc đồng thời ở khoảng 500 cửa hàng của mình khi nhà bán lẻ này đạt mốc này vào tháng 10.1982. Microsoft mở bảo tàng công ty nhân dịp kỷ niệm 20 năm vào năm 1995. Apple cũng ra phiên bản Macintosh vào năm 1997.

Trang Le Figaro (Pháp) nhắc đến cột mốc quan trọng của Facebook bằng một cuộc thăm dò trên website rằng: "Mạng xã hội có mang lại sự tiến bộ cho xã hội không?". 86% trả lời "Không".

Facebook có 5 nhà đồng sáng lập, nhưng Mark Zuckerberg đã chịu trách nhiệm chính ngay từ đầu. Trong nhiều năm, website Facebook luôn gắn dòng chữ "do Mark Zuckerberg tạo ra".

Thực tế, sóng gió đã ập đến với Mark Zuckerberg kể từ ngày đầu lập Facebook. Ông từng phải xuất hiện trước hội đồng quản trị của Đại học Harvard và đối mặt với những lời chỉ trích về mạng xã hội facemash.com năm 2003, trước khi đổi thành thefacebook.com, do trang này có tính năng xếp hạng bạn học theo mức độ hấp dẫn cơ thể.

"Đó như là điềm báo cho tương lai Facebook. Sự sáng tạo của Mark Zuckerberg đã biến ông trở thành cột thu lôi", NBC News nhận xét.

Năm 2004, hai người bạn cùng lớp của Mark Zuckerberg là cặp sinh đôi Cameron và Tyler Winklevoss đã cáo buộc ông sao chép ý tưởng và đưa lên Facebook. Dù phủ nhận, Mark Zuckerberg vẫn phải bồi thường 65 triệu USD cho hai anh em này.

Những năm sau, Facebook đối mặt với nhiều sóng gió liên quan đến việc kiểm duyệt nội dung. Bê bối lớn nhất là vụ rò rỉ dữ liệu Cambridge Analytica, khiến Facebook phải chi hàng tỉ USD cho các vụ kiện lẫn giải quyết hậu quả. Mark Zuckerberg cũng đã tám lần phải ra làm chứng trước Quốc hội Mỹ, theo số liệu từ kho lưu trữ trực tuyến C-PAN vì các vấn đề rò rỉ dữ liệu, tác động tới bầu cử và tác hại từ nền tảng đối với sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên.

Meta Platforms, công ty mẹ Facebook, cũng vấp phải những lời tố cáo từ các cựu nhân viên, như Frances Haugen hay Arturo Bejar. Một số hệ thống trường học ở Mỹ đang yêu cầu Facebook và các nền tảng tương tự "hoàn trả chi phí gián tiếp" do học sinh nghiện mạng xã hội.

Dưới đây là một số cột mốc quan trọng trong lịch sử Facebook:

2004: Mark Zuckerberg ra mắt The facebook tại Đại học Harvard.

2005: The facebook đổi tên thành Facebook và mở rộng cho phép học sinh trung học, đại học khác tham gia.

2006: Facebook mở rộng cho phép công chúng tham gia.

2008: Facebook ra mắt tính năng News Feed, cho phép người dùng xem các hoạt động của bạn bè của họ.

2012: Facebook mua lại Instagram, ứng dụng chia sẻ ảnh di động, với giá 1 tỉ USD.

2014: Facebook mua lại WhatsApp, ứng dụng nhắn tin di động, với giá 22 tỉ USD.

2016: Facebook vướng vào vụ bê bối Cambridge Analytica, trong đó dữ liệu cá nhân của hàng triệu người dùng đã bị thu thập mà không có sự đồng ý của họ.

2021: Facebook đổi tên công ty mẹ thành Meta Platforms, phản ánh sự tập trung của công ty vào việc phát triển metaverse.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/meta-xoa-bo-dinh-kien-facebook-chi-danh-cho-nguoi-lon-tuoi-bang-thong-tin-quan-trong-217886.html