'Mánh' của những nhà quảng cáo đồ ăn nhanh, nước ngọt lừ

Hàng loạt quảng cáo đồ ăn nhanh được chiếu trên TV mỗi ngày. Sự hấp dẫn, tiện lợi của loại đồ ăn này khiến nhiều người ăn chúng triền miên và phớt lờ những lời khuyên của bác sĩ.

Quảng cáo đồ ăn nhanh tràn ngập trên các phương tiện truyền thông. Ảnh: ĐMX.

[...]

Cách đây ít lâu, tôi đi bộ ngang qua một đứa bé nằm trong xe nôi đang ôm một chai nước ngọt bự trước ngực như thể đang ôm búp bê. [...]

Đây là những ví dụ rùng mình về việc sự thân thuộc và tin tưởng của mọi người với các thương hiệu được bắt đầu từ khi còn bé. Những ấn tượng sâu sắc nhất trong đời ta được thương hiệu hóa theo cách này từ khi ta được sinh ra, trước khi ta kịp nhận thức được nó. Thật dễ hiểu tại sao gia đình nọ lại sử dụng bình sữa có dán logo thương hiệu đó, bởi vì đó là hàng tặng kèm miễn phí. Và đâu ai nỡ từ chối đồ miễn phí cơ chứ? Sẽ thật lãng phí nếu ta "không" sử dụng chúng.

Nhưng một khi ta bắt đầu sử dụng chúng và tích hợp thương hiệu đó vào cuộc sống, ta sẽ quen với chúng và vô tình truyền bá nó cho những thành viên khác của gia đình.

Vào thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước, các hãng thuốc lá lớn đã mua lại những thương hiệu đồ uống trẻ em Kool-Aid, Hawaiian Punch, Capri Sun và bắt đầu áp dụng những kinh nghiệm trong việc bán thuốc lá để thu hút trẻ em tới với những đồ uống ngọt lừ. Ở tuổi lên 5, trẻ em có thể nhận diện được tới cả trăm thương hiệu khác nhau trước cả khi chúng biết đọc.

Một đạo diễn tài ba người Anh, Adam Curtis, đã làm một bộ phim tài liệu tên là The Century of the Self (Tạm dịch: Thế kỷ của cái tôi), trong đó khám phá khởi nguyên của chủ nghĩa tiêu dùng và văn hóa ăn nhanh cũng như sự trỗi dậy của ngành công nghiệp quảng cáo vào hai thập kỷ từ 1940 tới 1960.

Bằng sự tuyên truyền và áp dụng những mẹo tâm lý, chính phủ Mỹ đã thuyết phục người dân đi lính, mua trái phiếu chiến tranh và ủng hộ các nỗ lực phát động chiến tranh. Chính ba mẹ tôi cũng đã trồng một “khu vườn khải hoàn” để ủng hộ cho chiến dịch đó. Các chiến lược gia tiếp thị nhận thấy thành công từ những mánh khóe đó và bắt chước để quảng cáo.

Cuốn sách Ta chính là những thứ ta ăn của tác giả Alice Waters. Ảnh: H.H.

Cùng một phương pháp từng được dùng để tạo ra một sứ mệnh và đoàn kết chúng ta hướng tới điều tốt thì nay lại được sử dụng để bán sản phẩm. Curtis mô tả chi tiết trào lưu quảng cáo đã lan nhanh đến thế nào từ thời trang, mỹ phẩm tới ngành công nghiệp thực phẩm. Quảng cáo luôn luôn ngụy trang như là đang giúp đỡ ta tìm thứ ta muốn, chiếc áo len ta lướt qua một lần trên mạng, ly cà phê từ quán Starbucks cách đây mấy chục cây số.

Quảng cáo đào bới sự khát thèm của ta và khai thác chúng. Nhắm tới người ta để bán hàng khác hoàn toàn với việc cung cấp thông tin để giúp họ lựa chọn.

Quảng cáo một chiếc váy, một đôi giày hay một cái máy hút bụi thì cũng được thôi. Nhưng việc ngành quảng cáo chuyên dùng sự giải trí để đánh lạc hướng ta khỏi sự thật ngay trước mắt là không chấp nhận được.

Khi bước vào KFC, ta đâu có thấy hình ảnh của hàng ngàn con gà bị nhồi nhét vào chung một cái lồng, thay vào đó, ta sẽ thấy bức hình Đại tá Sanders mặc bộ âu phục trắng thắt nơ. Họ đang đánh lận con đen mà thôi. Nếu ta bước vào Burger King và thấy một hình nộm vui vẻ hoặc một khu vui chơi đầy màu sắc cho trẻ em, thì ta đâu còn quan tâm ngành công nghiệp này nhập thực phẩm từ đâu nữa.

Hãy ngẫm xem điều này gây khó nghĩ như thế nào cho trẻ em và phụ huynh. Trong cuốn sách Chew on This (Tạm dịch: Hãy đón nhận sự thật) xuất bản năm 2006, Eric Schlosser và Charles Wilson viết: “Trong vòng một năm, một trẻ em Mỹ trung bình xem hơn 40.000 quảng cáo trên TV. Hơn nửa trong số đó là về đồ ăn có hại: nước có gas, kẹo, ngũ cốc ăn sáng và đồ ăn nhanh… Trẻ em Mỹ không được học về thực phẩm trong trường học. Chúng được dạy phải ăn gì bởi chính những quảng cáo đồ ăn vặt lặp đi lặp lại này”.

Alice Waters/ Huy Hoàng Books

Nguồn Znews: https://znews.vn/manh-cua-nhung-nha-quang-cao-do-an-nhanh-nuoc-ngot-lu-post1458495.html