Mang chữ đến vùng khó
Với điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn nên không thể học trực tuyến như học sinh vùng thấp, hàng nghìn học trò nghèo vùng cao Lào Cai đang phải vượt khó giữa đại dịch Covid-19 để ôn luyện kiến thức qua những phiếu học tập 'chuyền tay' được gửi đi từ chính thầy cô của mình.
Sáng thứ Hai hằng tuần, em Trần Thị Ngọc Huyền, học sinh lớp 8A, Trường THCS Hợp Thành, thành phố Lào Cai lại nhận được Sổ tay học tập từ Trưởng thôn. Vì gia đình không có điều kiện nối mạng internet nên mẹ mua cho Huyền 1 sim điện thoại để liên lạc với giáo viên, trao đổi bài tập. Huyền cho biết: Sáng thứ Hai hằng tuần, em nhận Sổ tay học tập, trong đó có phiếu bài tập của từng môn học và sau mỗi phiếu là định hướng kiến thức của giáo viên. Em thấy cách học này dễ nhớ và dễ hiểu. Phần nào khó, em gọi điện thoại hoặc nhắn tin cho cô giáo bộ môn để được giải đáp. Sau 4 tuần học, các phiếu bài tập của em được chấm điểm từ 7 đến 8 điểm.
Trường THCS Hợp Thành có 284 học sinh, trong đó chỉ 16,9% học sinh có điều kiện học trực tuyến. Để đảm bảo tất cả học sinh được củng cố kiến thức trong thời gian nghỉ dịch Covid-19, nhà trường đã áp dụng sáng kiến “Sổ tay học tập” và bước đầu mang lại hiệu quả. Thầy giáo Trần Quốc Trung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường đã áp dụng sáng kiến này từ ngày 23/3. Nội dung Sổ tay học tập được dựa trên kiến thức tinh giản mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, được Ban Giám hiệu và tổ chuyên môn của các nhà trường nghiên cứu, thảo luận kỹ, phù hợp nhất với học sinh. Qua gần 1 tháng triển khai hình thức dạy học này, học sinh tiếp thu bài tốt thông qua kết quả trả bài.
Hình thức học tại nhà qua phiếu học tập đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương. Chị Tẩn Tả Mẩy, mẹ của Hầu Dì Chà (học sinh lớp 9A3, Trường PTDT bán trú THCS xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát) cho biết vì gia đình khó khăn nên không có điều kiện trang bị máy tính, điện thoại đa phương tiện cho con học trực tuyến. Cách giao bài tận nhà của giáo viên giúp con chị không sao nhãng việc học khi nghỉ tại nhà. Chị tranh thủ buổi tối kèm con học và thường xuyên trao đổi thông tin với giáo viên chủ nhiệm qua điện thoại để nhắc nhở con.
Trường PTDT bán trú THCS xã Trịnh Tường có 528 học sinh, trong đó hơn 8% học sinh có điều kiện học trực tuyến. Thầy giáo Nguyễn Quang Chung, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Sáng thứ Hai, giáo viên được phân công sẽ đến từng nhà học sinh phát các đề bài tập theo danh sách. Sáng thứ Hai tuần tiếp theo, các thầy cô đến từng nhà thu bài và phát cho học sinh đề bài mới. Ngay buổi chiều, trường tổ chức cho giáo viên bộ môn chấm điểm, chữa bài cho học sinh. Nhà trường đã giao cho các tổ chuyên môn phân công giáo viên phụ trách các môn văn hóa cơ bản (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Sinh học, Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý) ra các bài ôn tập các kiến thức cho học sinh, sau đó tổng hợp thành đề chung gồm 10 điểm (môn Toán 3 điểm; môn Văn 3 điểm; môn Ngoại ngữ 1,5 điểm; các môn Sinh học, Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý mỗi môn 0,5 điểm), tiếp đó in và photo phát tới học sinh. Song song với phát tài liệu học bài cho học sinh, các thầy cô giáo còn trực tiếp hướng dẫn, bổ sung kiến thức mà học sinh chưa hiểu; tuyên truyền, nhắc nhở học sinh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại nhà.
Cũng áp dụng cách giao phiếu bài tập tận nhà, mỗi tuần, thầy cô giáo Trường Tiểu học Thanh Kim (thị xã Sa Pa) chuẩn bị 5 phiếu bài tập cho mỗi học sinh, đảm bảo mỗi ngày học sinh có 1 phiếu. Đến tuần tiếp theo, giáo viên sẽ phát phiếu mới, đồng thời thu lại phiếu bài tập đã làm của học sinh để chấm và nhận xét. Thầy giáo Nguyễn Đắc Chiến, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường có 100% học sinh là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Dao và Mông, điều kiện kinh tế còn khó khăn. Ngoài đi học, học sinh còn lên nương, đi rừng giúp bố mẹ. Nhiều phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến việc học của con. Chính vì thế, nhà trường đã trực tiếp cử giáo viên phụ trách từng thôn đến phát phiếu học tập, đồng thời kèm cặp những học sinh học yếu, chủ động gọi điện thoại căn dặn học sinh học tập nghiêm túc tại nhà. Đây là cách làm tạm thời nhưng phần nào giúp học sinh không bị “rỗng” kiến thức trong thời gian nghỉ dịch kéo dài.
Ông Nguyễn Anh Ninh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Mỗi trường có những cách triển khai dạy và học phù hợp với điều kiện của địa phương, đảm bảo tất cả học sinh được củng cố kiến thức dù không đến trường học. Trong đó, biện pháp giao bài tận nhà cho học sinh ôn luyện có thể coi là tối ưu, thầy cô giáo có thể phần nào đánh giá được chất lượng tự học. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng định hướng kiến thức ôn tập cho các trường. Đối với bậc tiểu học tập trung ôn luyện, củng cố kiến thức đã học, rèn kỹ năng (viết, làm toán, vẽ, nặn...); nội dung, mức độ phù hợp đối tượng, không gây áp lực, quá tải cho học sinh. Đối với bậc THCS, các tổ chuyên môn xây dựng nội dung hướng dẫn tự học của từng môn học, giúp học sinh ôn tập, hệ thống hóa kiến thức đã học, rèn luyện kỹ năng tự học.
Tin rằng với những nỗ lực của các thầy cô giáo và tinh thần khắc phục khó khăn của học sinh, mặc dù không tới trường học tập trung nhưng nhiệm vụ học tập của học sinh vẫn được duy trì, bảo đảm.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/mang-chu-den-vung-kho-z5n20200424090729261.htm