M&A 'mát tay' như Bamboo Capital

Nhờ vận dụng chiến lược mua bán - sáp nhập (M&A) hiệu quả và tái cấu trúc doanh nghiệp hậu M&A 'mát tay', Tập đoàn Bamboo Capital (BCG) hiện xây dựng được hệ sinh thái hơn 50 công ty thành viên, cùng hơn 2.000 nhân sự với tổng tài sản hơn 42.000 tỷ đồng

Những kỳ tích hậu M&A

Khi mới thành lập vào năm 2011, Bamboo Capital là công ty chuyên tư vấn, thu xếp các thương vụ M&A và huy động vốn.

Tích lũy nội lực từ khởi đầu ấy, năm 2015, Bamboo Capital tiến hành M&A một doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa là Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (Tracodi). Sau đó BCG tái cơ cấu và Tracodi trở thành công ty thành viên quan trọng phụ trách mảng xây dựng - hạ tầng tại Bamboo Capital. Kết quả kinh doanh liên tục được cải thiện sau thương vụ M&A giúp Tracodi thuận lợi niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM, với mã chứng khoán TCD vào năm 2017.

Giai đoạn 2017 - 2024, Tracodi liên tục góp mặt trong danh sách các công ty có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam. Tracodi vươn mình trở thành tổng thầu uy tín trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, hạ tầng và công nghiệp. Tracodi đang là tổng thầu xây dựng các dự án năng lượng và bất động sản thuộc hệ sinh thái Bamboo Capital, ngoài ra, Tracodi còn liên tục trúng thầu các dự án đầu tư công trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.

Học tập chiến lược M&A hiệu quả từ tập đoàn mẹ là BCG, trong quá trình hoạt động, Tracodi tiến hành M&A một số công ty xây dựng nhỏ hơn và M&A các mỏ đá, mỏ vật liệu xây dựng để nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động nguồn nguyên vật liệu.

Sau 2 năm về với Bamboo Capital, Bảo hiểm AAA đã có nhiều thay đổi tích cực.

Sau 2 năm về với Bamboo Capital, Bảo hiểm AAA đã có nhiều thay đổi tích cực.

Hoạt động M&A cho đến nay vẫn đang là sân chơi mà các nhà đầu tư ngoại quốc với lợi thế tài chính chiếm ưu thế hơn nhà đầu tư trong nước. Thế nhưng, trong bối cảnh đó, Bamboo Capital khiến thị trường bất ngờ với thương vụ “M&A ngược” khi cùng công ty thành viên BCG Financial mua lại 80,64% cổ phần Bảo hiểm AAA từ một tập đoàn của Australia. Thương vụ này được vinh danh trong Top 10 thương vụ doanh nghiệp Việt Nam mua doanh nghiệp nước ngoài nổi bật giai đoạn 2009 - 2023 tại Việt Nam. Với việc mua lại Bảo hiểm AAA, Bamboo Capital mở rộng hoạt động sang lĩnh vực dịch vụ tài chính - bảo hiểm.

Vào thời điểm cuối năm 2021, khi Bamboo Capital mua lại Bảo hiểm AAA, tình hình kinh doanh của Bảo hiểm AAA không mấy khả quan, công ty lỗ lũy kế gần 800 tỷ đồng. Tuy nhiên, với kinh nghiệm và sự đột phá trong việc tái cấu trúc, Bamboo Capital đã thổi một làn gió mới vào Bảo hiểm AAA bằng cách thay đổi nhân sự cấp cao, sử dụng phương thức quản trị mới hiệu quả, tối ưu hóa chi phí hoạt động và mở rộng kênh phân phối sản phẩm, phát triển hệ thống chi nhánh khắp các tỉnh thành trên toàn quốc.

Cùng với đó, Bảo hiểm AAA còn tập trung chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào quy trình bán và chăm sóc khách hàng, chuyên nghiệp hóa đội ngũ tư vấn viên bảo hiểm, mang đến khách hàng những trải nghiệm dịch vụ nhanh chóng và tiện lợi nhất.

Chỉ sau hơn 2 năm về với Bamboo Capital, Bảo hiểm AAA đã thực sự “thay da đổi thịt”. Năm 2023, Bảo hiểm AAA đổi tên thành Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm AAA để tương xứng với tầm vóc mới. Doanh số của Bảo hiểm AAA trước khi được Bamboo Capital M&A lại chỉ hơn 190 tỷ đồng đã liên tục tăng trưởng ngoạn mục qua các năm 2022 và 2023 và dự kiến doanh thu năm 2024 sẽ đạt mốc 1.500 tỷ đồng. Công ty đã bứt phá khi vươn mình từ hạng 27 vào Top 15 công ty bảo hiểm phi nhân thọ lớn của Việt Nam chỉ trong vòng hơn 2 năm.

Một doanh nghiệp khác được Bamboo Capital mua lại và tái cấu trúc thành công là Công ty cổ phần Dược phẩm Tipharco. Được thành lập năm 1976 với tên gọi ban đầu là Công ty Dược phẩm Tiền Giang, Tipharco là một trong các công ty dược có lịch sử lâu đời nhất tại khu vực miền Nam.

Năm 2021, trước khi Bamboo Capital M&A lại Tipharco, doanh thu công ty dược này đạt 203 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 900 triệu đồng. Cuối năm 2022, chưa đầy một năm sau khi gia nhập hệ sinh thái Tập đoàn Bamboo Capital, kết quả kinh doanh của Tipharco đảo chiều ngoạn mục: doanh thu đạt 297,1 tỷ đồng, tăng trưởng 46%; lợi nhuận sau thuế đạt 18,2 tỷ đồng, tăng gấp 19 lần so với 2021 và cao nhất lịch sử công ty.

Kết quả kinh doanh của Tipharco tăng trưởng ngoạn mục sau khi gia nhập hệ sinh thái Bamboo Capital.

Kết quả kinh doanh của Tipharco tăng trưởng ngoạn mục sau khi gia nhập hệ sinh thái Bamboo Capital.

Sang năm 2023, cổ phiếu DTG của Tipharco chính thức chuyển sàn từ UPCoM sang niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Trong năm này, Tipharco tiếp tục bứt phá khi ghi nhận doanh thu thuần đạt 372,6 tỷ đồng, tăng trưởng 25%; lợi nhuận sau thuế đạt 30,6 tỷ đồng, tăng trưởng 68% so với năm trước. Trong năm 2024, Tipharco đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần hợp nhất 406 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến 33,2 tỷ đồng.

M&A cũng là chiến lược được các công ty trụ cột của Bamboo Capital sử dụng thường xuyên. Điển hình BCG Energy, BCG Land.

BCG Energy thường mua lại các dự án năng lượng tái tạo tiềm năng đã hoặc đang trong quá trình hoàn thiện pháp lý mà chủ đầu tư trước không đủ nguồn lực để triển khai tiếp. Có thể kể tên một số dự án được BCG Energy M&A lại và triển khai như BCG Phù Mỹ, dự án điện gió Khai Long… Chỉ sau chưa đầy 7 năm thành lập, nhờ chiến lược M&A hiệu quả và năng lực triển khai dự án, BCG Energy đang có tổng tài sản gần 20.000 tỷ đồng, vận hành khoảng 600 MW điện mặt trời và là doanh nghiệp năng lượng tái tạo trong Top 3 của Việt Nam.

Tương tự, BCG Land - công ty thành viên phụ trách mảng bất động sản của Tập đoàn Bamboo Capital, ngoài việc tự phát triển các dự án bất động sản ngay từ đầu, BCG Land cũng mở rộng quỹ đất thông qua M&A lại các dự án tiềm năng. Các dự án tiêu biểu như Malibu Hội An, King Crown Infinity, Hoian d’Or đều được BCG Land M&A lại toàn bộ hoặc một phần. Nhiều dự án bất động sản khác được BCG Land M&A lại và trở thành “của để dành” giá trị ở tương lai.

Áp dụng chiến lược M&A xuyên suốt, linh hoạt

Hiện nay, Bamboo Capital hoạt động ổn định theo mô hình tập đoàn đa ngành dựa trên 5 lĩnh vực chính là năng lượng tái tạo, bất động sản, hạ tầng - xây dựng, dịch vụ tài chính - bảo hiểm và sản xuất - dược phẩm.

Ông Phạm Minh Tuấn, Phó chủ tịch Tập đoàn Bamboo Capital từng chia sẻ: “Thực ra, M&A là DNA (văn hóa và chiến lược) của Bamboo Capital được Bamboo Capital áp dụng xuyên suốt và linh hoạt từ trước tới nay. Nhờ vậy, tập đoàn phát triển mạnh trong hơn 10 năm qua”.

Trong thời điểm thị trường thuận lợi, Bamboo Capital đã âm thầm tích lũy nội lực và nguồn vốn; khi thị trường xuất hiện cơ hội phù hợp, Bamboo Capital sử dụng nguồn lực đã chuẩn bị để M&A các dự án tiềm năng với định giá hấp dẫn. Vào thời điểm thị trường khó khăn còn có thể kéo dài, Bamboo Capital áp dụng chiến lược thận trọng hơn, tập trung nguồn lực cho các hoạt động cốt lõi.

Song song đó, ngay khi nhận thấy thị trường và bối cảnh vĩ mô của ngành năng lượng có những tín hiệu tích cực, Bamboo Capital đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội M&A để mở rộng lĩnh vực năng lượng sang mảng điện rác sau một thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng trước đó.

Câu chuyện xử lý rác thải đang là bài toán nhức nhối tại nhiều đô thị lớn tại Việt Nam, cần thiết xây dựng nhà máy điện rác để xử lý rác thải và hoàn toàn đảm bảo môi trường, không ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, điện rác là ngành có tiềm năng kinh tế hấp dẫn, nguồn thu của một dự án điện rác rất đa dạng, ngoài doanh thu từ dịch vụ xử lý rác còn có doanh thu đến từ việc bán điện, và nguồn thu trong việc bán tín chỉ carbon từ lượng khí CO2 cắt giảm được. Đặc biệt, hiện nay, Chính phủ nói chung và TP.HCM nói riêng đang rất ủng hộ và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư phát triển dự án xử lý điện rác.

Nắm bắt nhu cầu đó, đầu năm 2024, Bamboo Capital chính thức bước vào lĩnh vực điện rác với việc BCG Energy M&A lại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa. Tâm Sinh Nghĩa đang hoạt động dưới hình thức nhà máy xử lý, phân loại và đốt rác tại TP.HCM, Long An và Kiên Giang.

Bamboo Capital đã M&A lại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa để mở rộng lĩnh vực năng lượng sang mảng điện rác.

Bamboo Capital đã M&A lại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa để mở rộng lĩnh vực năng lượng sang mảng điện rác.

Trong năm 2024, BCG Energy sẽ triển khai xây dựng nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa đầu tiên tại huyện Củ Chi, TP.HCM. Giai đoạn 1 của nhà máy có công suất xử lý rác là 2.000 tấn/ngày đêm và công suất phát điện lên tới 70 MW, dự kiến hoàn thành cuối năm 2025. Giai đoạn 2 với công suất xử lý 5.200 tấn rác/ngày đêm và công suất phát điện lên tới 130 MW, dự kiến hoàn thành trong năm 2026. Đồng thời, BCG Energy cũng sẽ nghiên cứu và xây dựng nhà máy đốt rác phát điện tại Long An và một số tỉnh thành khác.

Ngoài mảng điện rác, năm 2024 sẽ là thời điểm BCG Energy tái khởi động, tăng tốc triển khai hàng loạt dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn. Theo lãnh đạo Bamboo Capital, sở dĩ Bamboo Capital kiên định với mảng năng lượng tái tạo vì đây là mảng kinh doanh tiềm năng và sẽ đem lại hiệu quả lớn cho BCG.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, BCG Land - công ty bất động sản của Bamboo Capital cũng cho biết một trong những chiến lược trọng tâm của giai đoạn tới là tìm kiếm dự án tiềm năng thông qua M&A. Tổng quỹ đất của các dự án BCG Land đã và đang xúc tiến trong 5 năm tới (giai đoạn 2024 - 2028) dự kiến sẽ tăng lên khoảng 5.080 ha. Trong đó bất động sản nhà ở chiếm 10%, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng chiếm 20%, còn lại đô thị vệ tinh chiếm 70%.

Quy hoạch Điện VIII cùng với Kế hoạch triển khai Quy hoạch Điện VIII đều đã được phê duyệt, cùng với đó, thị trường bất động sản cũng đang có dấu hiệu “ấm dần”, kinh tế đang trên đà hồi phục. Để chuẩn bị nguồn lực đón đầu các cơ hội mới, Bamboo Capital sẽ phát hành 266 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 2:1 cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn.

Ngày 13/5 vừa qua, Bamboo Capital đã chốt danh sách cổ đông để phát hành. Thời gian chuyển nhượng quyền mua từ 16/5 đến ngày 30/5, quyền mua được chuyển nhượng 1 lần và không được chuyển nhượng tiếp cho người thứ 3. Thời gian đăng ký mua và nộp tiền mua cổ phiếu từ ngày 16/5 đến ngày 4/6.

Sau khi hoàn thành phát hành 2:1, Bamboo Capital sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông. Tổng số cổ phiếu thưởng Bamboo Capital dự kiến phát hành là 80 triệu cổ phiếu, tỷ lệ thực hiện quyền là 100:10, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận 10 cổ phiếu thưởng.

Nếu 2 đợt phát hành này thành công, vốn điều lệ Bamboo Capital sẽ tăng từ 5.335 tỷ đồng lên 8.800 tỷ đồng. Việc tăng vốn sẽ giúp Bamboo Capital gia tăng nội lực để thực hiện thành công các dự án, có nguồn tiền để nắm bắt cơ hội M&A các dự án mới tiềm năng, về dài hạn sẽ mang lại giá trị tốt hơn cho cổ đông.

Gia Hân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ma-mat-tay-nhu-bamboo-capital-d216371.html