Lý giải thu ngân sách tăng nhưng không ảnh hưởng tới 'sức khỏe' doanh nghiệp

Phát biểu tại cuộc họp ở tổ của Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã khẳng định, thời gian qua, Bộ Tài chính có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong triển khai thu ngân sách nhà nước, tăng thu ngân sách từ các khoản thu lâu nay chúng ta chưa thu được, do đó, không ảnh hưởng tới 'sức khỏe' doanh nghiệp. Hơn thế nữa, nhờ tăng thu ngân sách, có dư địa thực hiện các gói tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Chính sách tài khóa mở rộng, hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả

Trong thực thi nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính phấn đấu thu ngân sách nhà nước (NSNN) vượt dự toán, nhằm đáp ứng các nhiệm vụ chi trong dự toán, chi cho an sinh xã hội và các nhiệm vụ cấp bách phát sinh.

Năm 2023, đất nước ta tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, hàng loạt chính sách đã kịp thời được ban hành và đi vào cuộc sống hiệu quả. Thu NSNN năm 2023 vượt khoảng 8,12% dự toán là mức tăng thu khá tích cực, trong khi tăng trưởng kinh tế chỉ dừng ở mức 5,05%, thấp hơn so với mục tiêu đề ra.

Làm rõ hơn về công tác điều hành chính sách tài khóa, đặc biệt là tốc độ thu ngân sách năm 2023 giảm so với năm 2022, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ, sở dĩ năm 2023 thu ngân sách tốc độ thấp hơn năm 2022 do năm 2022 tăng trưởng kinh tế 8,02%, trong khi đó tốc độ tăng trưởng năm 2023 chỉ 5,05%.

"Chúng tôi phải liên tục sáng tạo, có sáng kiến, áp dụng đúng pháp luật để thu các khoản thu tiềm năng, thu đúng, thu đủ vào ngân sách trong điều kiện kinh tế đất nước và doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay.

Thu NSNN mặc dù tăng so với dự toán, nhưng có nhiều khoản thu sụt giảm, như thu thuế nội địa giảm khoảng 27.000 tỷ đồng, khoảng 2% so với năm 2022. Riêng thu từ dầu thô chỉ đạt 79,4% do giá dầu năm 2022 là 104,7 USD/thùng nhưng năm 2023 giảm chỉ còn 88 USD/thùng. Điều này làm giảm thu ngân sách trong năm 2023, chỉ đạt khoảng 79,4%, tức giảm 16.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thu thuế từ xuất nhập khẩu cũng giảm do lạm phát và tình hình xung đột Nga - Ukraine kéo dài nên các quốc gia thắt chặt chi tiêu, ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu của Việt Nam. Theo đó, xuất nhập khẩu năm qua đã giảm 66.800 tỷ đồng, đạt 76,6%.

Trong bối cảnh đó, những giải pháp về tài khóa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vẫn liên tục được triển khai.

Đây là năm thứ 4 liên tiếp, Bộ Tài chính tiếp tục trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách hỗ trợ với quy mô khoảng 200 nghìn tỷ đồng. Tổng quy mô gói hỗ trợ trong 4 năm qua ước tính lên tới khoảng 700 nghìn tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ đã khen thưởng Bộ Tài chính, cơ quan thuế triển khai thành công việc xuất hóa đơn điện tử qua từng lần bán hàng xăng dầu. Ảnh TL

Thủ tướng Chính phủ đã khen thưởng Bộ Tài chính, cơ quan thuế triển khai thành công việc xuất hóa đơn điện tử qua từng lần bán hàng xăng dầu. Ảnh TL

Trong đó, phải kể đến một số chính sách hỗ trợ tài chính tiêu biểu như: trình Chính phủ trình Quốc hội giảm 2% thuế suất thuế GTGT; trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn; gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Đặc biệt, trong năm 2023, Bộ Tài chính đã bố trí kinh phí dự toán chi đầu tư phát triển với số tiền lên tới 726,7 nghìn tỷ đồng. Trong đó, đã bố trí đủ kinh phí thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong dự toán NSNN năm 2023 là 157 nghìn tỷ đồng, chiếm 35% tổng chi NSNN.

Đồng thời, đã bố trí nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, trích lập được khoảng 560 nghìn tỷ đồng, bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024 - 2026 theo Nghị quyết 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII, tăng chi đầu tư phát triển và các nhiệm vụ khác theo quy định…

Ứng dụng quản lý thu hiện đại, góp phần tăng thu về ngân sách

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã nỗ lực tìm mọi biện pháp để tăng thu ngân sách nhưng không làm ảnh hưởng đến tình hình "sức khỏe" của doanh nghiệp, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo đó, Bộ Tài chính đã có giải pháp, tìm cách thu những khoản thu tiềm năng, những khoản mà trước đây chưa thu được như từ sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, thu thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, kinh doanh thương mại điện tử…

Nguồn Bộ Tài chính. Đồ họa Văn Chung

Nguồn Bộ Tài chính. Đồ họa Văn Chung

Bộ Tài chính đã triển khai Cổng thông tin điện tử và thu thuế sàn thương mại điện tử xuyên biên giới; đồng thời triển khai thực hiện Chương trình "hóa đơn may mắn". Theo đó, hiện đã có 94 tổ chức, công ty công nghệ của nước ngoài đã nộp thuế ở Việt Nam, như YouTube, Google, Facebook, Microsoft… đã kê khai nộp thuế trên cổng thông tin điện tử nộp thuế sàn thương mại điện tử xuyên biên giới của Bộ Tài chính, đạt 14.500 tỷ đồng.

Liên quan thu thuế sàn thương mại điện tử trong nước, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trong năm nay, Bộ Tài chính sẽ tập trung thu thuế đối với kinh doanh mua bán online.

Theo đó, Bộ Tài chính đã kết nối cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế vào cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an và phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để kiểm soát các khoản thanh toán trên sàn thương mại điện tử. Bộ Tài chính cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt. Thông qua đó, sẽ thu được khoản thuế trong lĩnh vực này. Bộ trưởng thông tin, trong gần 2 quý vừa qua đã thu được gần 50.000 tỷ đồng từ các khoản thu này.

Nguồn Tổng cục Thuế. Đồ họa Văn Chung

Nguồn Tổng cục Thuế. Đồ họa Văn Chung

"Đây là một nỗ lưc rất lớn của Bộ Tài chính, với những sáng kiến, sáng tạo, đi đầu trong ứng dụng công nghệ thì mới có thể triển khai thực hiện được" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng, hiện Bộ Tài chính đã xây dựng phần mềm để kiểm soát hóa đơn điện tử và hóa đơn điện tử qua mạng để chống gian lận trong hoàn thuế giá trị gia tăng. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đưa ra giải pháp kết nối máy tính tiền ở các nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp đến cơ quan thuế, đồng thời đưa ra giải pháp quay số hóa đơn theo mã số hóa đơn may mắn… để khuyến khích người dân lấy hóa đơn, nếu trúng mã sẽ được thưởng.

Đáng lưu ý, mới đây, Bộ Tài chính đã triển khai xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với các cửa hàng xăng dầu trong toàn quốc. Chỉ trong một thời gian ngắn, đã có 100% các cửa hàng trên toàn quốc thực hiện xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng. Các dữ liệu này cũng được kết nối với dữ liệu của cơ quan thuế.

"Chúng tôi phải liên tục sáng tạo, có sáng kiến, áp dụng đúng pháp luật để thu các khoản thu tiềm năng, thu đúng, thu đủ vào ngân sách trong điều kiện kinh tế đất nước và doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn" - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay./.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh):

Ngành Tài chính nỗ lực tăng thu, giảm bội chi và nợ công

ĐBQH Trần Hoàng Ngân

ĐBQH Trần Hoàng Ngân

Phải khẳng định rằng, nhờ nỗ lực của ngành Tài chính, bội chi NSNN kéo giảm, thu NSNS năm 2023 là đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 8,2%. Sở dĩ GDP tăng mà thu NSNN thấp hơn có nguyên nhân từ giảm thu từ cân đối xuất nhập khẩu giảm, thu từ dầu thô giảm. Có 3 mặt hàng kéo giảm nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu đó là thu từ ô tô, giảm thu từ máy móc thiết bị, sắt thép. Đây là những nguồn thu lớn, khi giảm sút sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn thu NSNN.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, ngành Tài chính đã đảm bảo nguồn thu, tăng thu NSNN, kéo giảm bội chi ngân sách còn 3,5%GDP, kéo giảm nợ công, kiểm soát ở mức 37%GDP. Nhờ đó, đã có dư địa triển khai các giải pháp về tài khóa, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Tôi cho rằng, thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục tập trung 3 động lực và 3 khâu đột phá. 3 động lực đó là: xuất khẩu; đầu tư; tiêu dùng. 3 đột phá đó là: thể chế; hạ tầng và nguồn nhân lực. Ngoài ra, cần tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các quy hoạch và giải ngân vốn đầu tư công.

ĐBQH Trần Văn Lâm- Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội:

Hỗ trợ doanh nghiệp là thành công lớn của Bộ Tài chính

ĐBQH Trần Văn Lâm

ĐBQH Trần Văn Lâm

Các chính sách tài khóa được Bộ Tài chính thực hiện rất nhanh và đã đi vào thực tiễn, không có vướng mắc. Thời gian qua, ngành Tài chính đã linh hoạt điều chỉnh chính sách tài chính, đảm bảo các cân đối và đặc biệt là đáp ứng các nhu cầu chi cho đồng thời 3 nhiệm vụ tăng đột biến, đó là phòng chống dịch, an sinh xã hội và các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp trong thời buổi khó khăn. Tôi cho rằng, đó là thành công lớn.

Trong bối cảnh hiện nay, bài toán hỗ trợ doanh nghiệp và kích thích tăng trưởng, các công cụ tài khóa là rất quan trọng. Các chính sách về thuế phải rất linh hoạt chứ không thể cứng nhắc được. Tuy nhiên chúng ta phải xem xét trong tổng thể, không chỉ là phục vụ 1 mục tiêu là kích thích tăng trưởng hay đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, kể cả thực hiện các giải pháp nêu trên thì cũng phải cân đối các lợi ích hài hòa của các giải pháp.

Các chính sách tài khóa được Bộ Tài chính thực hiện rất nhanh và đã đi vào thực tiễn, không có gì vướng mắc. Hiện các chính sách về giãn, giảm thuế, phí và lệ phí cho nhiều đối tượng đang hỗ trợ rất tốt cho quá trình phục hồi của doanh nghiệp, sự phát triển của thị trường.

ĐBQH Tạ Thị Yên (Điện Biên):

Kết quả thu ngân sách năm 2023 là rất tích cực

ĐBQH Tạ Thị Yên

ĐBQH Tạ Thị Yên

Kinh tế - xã hội năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 đạt kết quả tích cực. Trong bối cảnh mâu thuẫn địa chính trị, địa kinh tế, xung đột cục bộ trên thế giới, Chính phủ đã có những chỉ đạo, điều hành hết sức sáng suốt, khôn khéo, tận dụng thời cơ để phát triển những ngành công nghiệp mới như hydrogen, vi mạch bán dẫn và tiếp tục quá trình chuyển đổi số quốc gia. Điều này đã và đang đem lại những khởi sắc cho nền kinh tế.

Kết quả thu ngân sách năm 2023 rất tích cực, vượt 8,2%, tăng 133,4 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội. Các chỉ số cân đối lớn của nền kinh tế năm 2023 như xuất siêu khoảng 28,3 tỷ USD; thu hút vốn FDI đạt gần 36,6 tỷ USD; vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD. Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Tín dụng toàn nền kinh tế năm 2023 đạt khoảng 13,57 triệu tỷ đồng, tăng 13,78% so với năm 2022. Cử tri ghi nhận và đánh giá rất cao những kết quả hết sức tích cực này.

TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam:

Giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh

Ông Tô Hoài Nam

Ông Tô Hoài Nam

Điều hành hiệu quả chính sách tài khóa, ngành Tài chính đã “thắng lợi kép” khi vừa thu đạt và vượt NSNN có nguồn chi các nhiệm vụ theo mục tiêu, vừa hỗ trợ được người dân và doanh nghiệp vượt “sóng gió”. Điều này đã nhận được sự đánh giá cao và lời khen từ các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý và cộng đồng doanh nghiệp.

Các chính sách gia hạn, giảm thuế đã hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn về dòng tiền do tạm thời chưa phải nộp thuế. Cùng đó, giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các chính sách thuế đi vào cuộc sống đã góp phần làm giảm chi phí cho doanh nghiệp, giúp giảm giá thành sản phẩm, kích cầu tiêu dùng trong nước; trong đó người dân được hưởng lợi.

Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục giải “bài toán khó” là triển khai chính sách tài khóa mở rộng hợp lý để vừa thúc đẩy kinh tế, vừa bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia.

PGS. TS Lê Xuân Trường (Học viện Tài chính):

Chuyển đổi số, chống thất thu, góp phần tăng thu ngân sách

Trong tổng thể kết quả thu NSNN, không thể phủ nhận những nỗ lực rất lớn của các cơ quan hành thu, từ quản lý thu đến chống thất thu.

PGS. TS Lê Xuân Trường

PGS. TS Lê Xuân Trường

Điều này có thể thấy được qua việc cơ quan thuế các cấp đã áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ để nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế, nâng cao hiệu quả quản lý thuế đi đôi với cắt giảm thủ tục hành chính thuế để tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi hơn.

Cùng với đó, cơ quan thuế đã tiếp tục đẩy mạnh cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai trong toàn ngành ứng dụng hỗ trợ kê khai thuế, dịch vụ thuế điện tử theo kiến trúc và công nghệ mới, với nhiều tiện ích, hỗ trợ người nộp thuế thực hiện khai thuế thuận lợi, chính xác.

Đồng thời, Tổng cục Thuế đã chính thức khai trương cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài kê khai và nộp thuế tại Việt Nam; triển khai thành công hóa đơn điện tử trên toàn quốc đúng theo đúng lộ trình quy định, áp dụng thống nhất từ ngày 1/7/2022.

Đặc biệt, cơ quan thuế đã đẩy mạnh ứng dụng kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử để tạo thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế. Đó là những giải pháp quan trọng mà cơ quan Thuế triển khai, góp phần quan trọng tăng thu về cho NSNN.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ly-giai-thu-ngan-sach-tang-nhung-khong-anh-huong-toi-suc-khoe-doanh-nghiep-151463.html