Lý giải nguồn cơn 'nạn dịch bắt cóc' ở miền Bắc Nigeria
Hơn 200 học sinh vẫn bị các nhóm cướp có vũ trang ở miền Bắc Nigeria giam giữ trong số hơn 1.000 em bị bắt đi khi đang học ở trường. Sự bất ổn an ninh đã nhanh chóng biến phần lớn miền Bắc Nigeria thành nơi trú ẩn cho các băng nhóm bắt cóc và là nỗi ám ảnh cho hàng nghìn gia đình.
Nòng cốt là dân du mục
Vào tháng 5-2021, Louise, con gái 16 tuổi của ông Danboye Bege, nằm trong số 128 học sinh bị bắt cóc khi đang chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới tại trường Baptist Bethel ở Kaduna, miền Bắc Nigeria. Tuần trước, Louise và 27 học sinh khác đã được trả tự do sau khi những kẻ bắt cóc nhận được tiền chuộc. Ngoài 6 học sinh chạy thoát được, 87 em, trong đó một số trẻ mới 11 tuổi, vẫn bị giam giữ.
“Con gái tôi đã trở về, vẫn khỏe mạnh sau khi bị giam 22 ngày tại một doanh trại trong rừng. Nhưng để có được con, tôi đã mất tất cả. Tôi đã bán hết đồ đạc, căn nhà kiên cố cùng mảnh đất đã mua để có được tự do cho con gái mình”, ông Bege nói.
Nhiều thân nhân của những học sinh bị giam giữ vẫn đang cố gắng chạy tiền để cứu con mình. Theo cơ quan thống kê của Nigeria, 40% dân số trưởng thành sống với mức dưới 1 USD/ngày. Trong khi đó, các băng nhóm tội phạm, ước tính lên tới hơn 3.000 thành viên trên khắp khu vực, đã khiến cuộc sống của người dân bình thường rơi vào trạng thái sợ hãi thường trực.
Nhiều tên cướp được cho là Fulanis, một nhóm dân tộc có nền văn hóa lịch sử bắt nguồn từ cuộc sống du mục và chăn nuôi gia súc trải dài khắp Tây Phi. Khi các tuyến đường chăn thả đã trở thành đất tư nhân hoặc bị thu hẹp hoàn toàn do ảnh hưởng của khí hậu, những người dân du mục này càng dễ bị tha hóa. Những năm gần đây, hàng nghìn người Fulanis trẻ tuổi và bất mãn gia nhập băng đảng và tấn công hàng loạt, cướp đi nhiều sinh mạng hơn cả lực lượng thánh chiến nổi dậy ở phía Đông Bắc Nigeria.
Ngoài tần suất của các cuộc tấn công, điều khiến người dân không khỏi bức xúc là sự lộng hành của các nhóm cướp. Sau khi hành động, những kẻ bắt cóc không bận tâm đến việc che giấu danh tính, chúng ngang nhiên dùng số điện thoại đã đăng ký gọi cho các gia đình nạn nhân hay đài phát thanh công cộng. Bọn họ cũng sẽ cầm máy trả lời bất cứ khi nào có cuộc gọi đến.
Sự bất lực của chính quyền
Theo ông Murtala Abdullahi, một chuyên gia về khí hậu và an ninh ở Nigeria, trước đà phát triển của các băng nhóm cướp, các phương pháp tiếp cận và giải quyết xung đột của chính quyền địa phương và liên bang đều thất bại. Các lệnh thu hồi vũ khí, thỏa thuận hòa bình gây tranh cãi và thậm chí cả các khoản thanh toán trực tiếp đều đã được các quan chức chính phủ triển khai hầu như không có tác dụng.
Nigeria cũng mở các chiến dịch quân sự, thậm chí không kích vào nơi ẩn náu của các nhóm cướp trong rừng. Tuy nhiên, tháng trước, máy bay của không quân Nigeria đã bị bắn rơi ở bang Zamfara, phía Tây Bắc nước này, với phi công sống sót sau vụ tai nạn. Vụ việc đã làm dấy lên lo ngại về khả năng ngày càng tăng của các nhóm vũ trang trong khu vực, với một số lo ngại rằng bọn họ có thể đã liên minh với các chiến binh thánh chiến.
Chính quyền bang Kaduna, cũng như ngày càng nhiều chính quyền địa phương, đã từ chối trả tiền chuộc hoặc thương lượng với bọn cướp. Tuy nhiên, đối với các cộng đồng nghèo hơn, đối mặt với các mối đe dọa đến tính mạng và các khoản thanh toán tiền chuộc, lập trường của chính quyền khiến họ tức giận.
Hôm 29-5, một nhóm 23 sinh viên và giáo viên Đại học Greenfield ở Kaduna, bị bắt cóc từ ngày 20-4 đã được thả sau khi trả khoản tiền chuộc lên tới hơn 100 triệu naira (242.000 USD). Tuy nhiên, gia đình các nạn nhân phẫn nộ vì những kẻ tấn công đã không bị truy đuổi. “Ngay cả sau khi mọi người được giải thoát, sao họ vẫn không truy lùng? Vậy lý do đằng sau việc nói rằng họ không đưa tiền chuộc là gì khi ngay cả sau khi chúng tôi gom tiền lại để trả, họ vẫn không làm?”, Ahmad Idris, người có cháu trai 25 tuổi bị bắt cóc nói.