Lý do số ca mắc cúm A tăng
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nếu muốn biết ca mắc cúm A có nhiều thật sự không, cần so sánh với số trường hợp trong quá khứ.
Tuy nhiên, trong quá khứ, Việt Nam không làm giám sát cúm. Vì vậy, không thể nói là hiện nay virus cúm A gây bệnh nhiều.
Chưa phát hiện chủng cúm độc lực cao
Chiều ngày 21/7, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, số mắc cúm hiện nay không có sự khác biệt so với những năm trước đây.
Hiện nay, lưu hành chủ yếu là cúm A (H3N2, H1N1) và cúm B. Chưa phát hiện chủng cúm A có độc lực cao như H5N1, H7N9, H5N6, H5N8. Ngành y tế cũng chưa ghi nhận ca tử vong do cúm. Đây là những chủng cúm đã có vắc-xin phòng bệnh hiệu quả.
“Tính đến nay, chúng ta chưa phát hiện các chủng cúm A có độc lực cao như H5N1, H7N9, H5N6, H5N8. Tuy nhiên, số ca nhập viện có xu hướng tăng trong thời gian gần đây”, Thứ trưởng Liên Hương cho biết.
Thứ trưởng đề nghị các địa phương tăng cường phòng, chống bệnh cúm. Đặc biệt là giám sát trọng điểm, giám sát phát hiện các trường hợp mắc, ổ dịch cúm mùa. Đồng thời, đẩy mạnh giám sát viêm phổi nặng do virus, các chùm ca bệnh cúm tại cộng đồng, bệnh viện.
Qua đó, kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện tốt công tác phân tuyến điều trị, phân luồng khám sàng lọc để tăng hiệu quả khám chữa bệnh. Tiếp tục làm tốt công tác truyền thông theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Theo TS Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), mỗi năm, nước ta ghi nhận 600.000 đến 1 triệu ca cúm thường. Tại một số địa phương, bệnh viện tuyến cuối ghi nhận sự gia tăng bệnh cúm. Cụ thể, Quảng Ninh ghi nhận hơn 1.200 ca, Hà Nội hơn 2.000 ca. Con số này có tăng. Tuy nhiên, không ghi nhận ca có triệu chứng nặng, không tử vong, chủ yếu là cúm thường.
“Thời gian qua, nhiều tỉnh, thành ghi nhận các trường hợp cúm nhập viện gia tăng. Trong đó phần lớn là các chủng cúm A không có độc lực cao như H5N1, H5N6, H5N8, H7N9. Tuy nhiên, chúng ta cần tăng cường giám sát trọng điểm, phát hiện các ca bệnh tại cộng đồng, xét nghiệm. Từ đó, xác định nguyên nhân gây bệnh và truyền thông để người dân hiểu và dự phòng”, TS Nguyễn Lương Tâm cho biết.
Phát biểu về số ca mắc cúm A tăng, TS Nguyễn Lương Tâm nhận định, trong hơn 2 năm bùng phát dịch Covid-19, người dân mang khẩu trang nhiều, thực hiện giãn cách, tuân thủ phòng chống dịch như thường xuyên rửa tay, sát khuẩn. Do đó, số ca cúm ít.
Trong khi đó, hiện nay, người dân chủ quan hơn trong phòng chống dịch, thậm chí không đeo khẩu trang tới nơi công cộng. Vì vậy, số ca mắc có xu hướng tăng. Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận tình trạng tử vong do cúm A. Các ca phần lớn đều có triệu chứng nhẹ.
Miễn dịch kém
Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM cho biết, nhiều người dân lo lắng và đặt câu hỏi rằng: Cúm A năm nay có gì lạ không? Tuy nhiên, về nguyên tắc, nếu virus cúm khác bình thường, chúng phải là chủng hoàn toàn mới. Ông Khanh dẫn chứng, virus gây đại dịch H1N1 năm 2009 có cấu trúc rất mới so với trước. Vì vậy, virus lây nhiễm toàn thế giới thay vì cục bộ.
“Nếu thấy hiện tượng cúm nhiều hơn bình thường, cần phân tích xem có nhiều thật không, có gì đặc biệt không. Nếu virus gây bệnh cúm là chủng cũ nhưng khiến nhiều người mắc, sẽ có hai lý do.
Trước hết là do một thời gian dài người dân không tiêm phòng cúm, khiến miễn dịch kém đi. Ngoài ra, trong thời gian dài, chúng ta không mắc bệnh đó. Sau khi hội nhập, nhiều người mắc cúm”, bác sĩ Khanh nhận định.
Theo chuyên gia này, nếu muốn biết số ca mắc cúm A có nhiều thật sự không, cần so sánh với các trường hợp trong quá khứ. Tuy nhiên, trong quá khứ, Việt Nam không làm giám sát cúm. Vì vậy, không thể nói là hiện nay virus cúm A gây bệnh nhiều.
Thực tế, những năm trước cũng ghi nhận nhiều ca viêm hô hấp, đặc biệt là ở trẻ. Song, thời điểm đó, nước ta không xét nghiệm cúm đại trà. Do đó, nếu nói đợt này nhiều ca mắc cúm A bất thường, chưa chắc đã chính xác. Ngoài ra, cũng không thể cho rằng, virus cúm gây bệnh hiện nay là mới. Bởi, nếu mới, dịch bệnh sẽ lây lan rất nhanh.
“Một lý do khác là trẻ ở trong nhà nhiều sau đại dịch Covid-19. Ví dụ, có những trẻ chào đời năm 2019 - thời điểm Covid-19 bùng phát. Tới nay, khi 3 tuổi, trẻ không tiếp xúc với virus cúm, hoàn toàn không có miễn dịch, ngay cả virus hợp bào, adenovirus cũng vậy. Virus cúm có 3 loại chính là A, B và C. Nếu từng bị cúm năm nay, có thể năm sau vẫn sẽ mắc lại”, bác sĩ Khanh giải thích.
Theo chuyên gia này, trước đây, ít người sử dụng kit test cúm để làm đại trà như hiện tại. Tuy nhiên, thực tế, người dân không nên lo lắng. Bởi, việc ghi nhận số ca mắc cúm A như hiện nay là hiện tượng bình thường sau giai đoạn Covid-19 cũng như thời điểm giãn cách. Vì vậy, việc lạm dụng xét nghiệm cúm A là không cần thiết.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ly-do-so-ca-mac-cum-a-tang-post601791.html