Lý do khiến nền kinh tế Israel lao dốc giữa xung đột tại Gaza

Dữ liệu mới được công bố cho thấy nền kinh tế Israel đã giảm gần hai con số kể từ khi cuộc chiến tranh Israel-Hamas nổ ra, với GDP giảm hơn 19% trong quý cuối cùng của năm 2023.

Đồng 100 shekel của Israel. Ảnh: AFP

Theo đài Sputnik, số liệu của Cục Thống kê Trung ương Israel công bố ngày 19/2 cho thấy GDP của nước này đã giảm 19,4% trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12/2023, nêu bật những hậu quả của cuộc xung đột đối với chi tiêu tiêu dùng, năng suất, đầu tư và thương mại của nước này.

Cục Thống kê Trung ương Israel chỉ rõ nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm GDP này một phần là do khoảng 300.000 quân nhân dự bị đã được huy động tham gia chiến tranh, khiến vị trí công việc hàng ngày trước đó của họ bị bỏ trống, kéo theo hoạt động sản xuất cũng như chi tiêu của người tiêu dùng sụt giảm. Với khoảng 8% lực lượng lao động rút khỏi nền kinh tế, tổng chi tiêu tiêu dùng giảm 27%, trong khi chi tiêu chính phủ tăng 88%.

Theo văn phòng thống kê, việc hỗ trợ cho hơn 120.000 người Israel sơ tán khỏi biên giới đất nước với Gaza và Liban, cùng với sự sụt giảm về số lượng lao động người Palestine cũng góp phần ảnh hưởng.

Nhập khẩu và xuất khẩu cũng giảm mạnh, lần lượt là 42% và 18%, do các cuộc tấn công của Houthi nhằm vào các tàu thương mại liên kết với Israel ở Biển Đỏ.

Tuần trước, tổ chức đánh giá tín dụng Moody đã hạ xếp hạng tín dụng của Israel từ A1 xuống A2, nêu ra những tác động của cuộc chiến ở Gaza đối với khả năng trả nợ của nước này và cập nhật trạng thái nợ của Israel xuống mức "tiêu cực". Bộ trưởng tài chính Israel Bezalel Smotrich chỉ trích động thái của Moody, gọi đó là những tuyên bố mang động thái chính trị và không bao gồm sự thật về tình trạng kinh tế.

Trong một tuyên bố mới đây, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đảm bảo xếp hạng tín dụng của Israel sẽ tăng trở lại vào thời điểm họ giành chiến thắng trong cuộc chiến.

Tuy nhiên, số liệu của Cục Thống kê Trung ương Israel dường như lại là một bằng chứng để các chủ nợ quốc tế có lý do để lo ngại, với việc GDP giảm ở mức độ chưa từng thấy kể từ năm 2020 – thời điểm nền kinh tế tạm thời bị thu hẹp gần 30% trước đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, dự đoán lạc quan của Thủ tướng Netanyahu về cuộc xung đột ở Gaza không trùng khớp với thông tin từ tình báo quân sự Israel. Tuần trước, cơ quan tình báo Israel đã lưu hành một bản ghi nhớ cho các quan chức chính phủ, nói rằng Hamas sẽ tồn tại ngay cả khi Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) xóa bỏ các di sản của tổ chức này nhờ sự ủng hộ của người dân Gaza.

Khối tài sản của Israel trên mặt trận kinh tế cũng bị tổn hại do tình trạng chậm trễ viện trợ từ Mỹ. Gói viện trợ quân sự trị giá 95 tỷ USD cho Israel, Ukraine vẫn bị kẹt tại Quốc hội trong bối cảnh tranh cãi về việc chính quyền Tổng thống Joe Biden thất bại trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại biên giới phía Nam nước Mỹ. Dự luật, bao gồm 14 tỷ USD dành cho Israel, đã bị các đảng viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện phản đối kịch liệt.

Hiện cuộc xung đột giữa Israel và Hamas đã bước sang tháng thứ 4 mà chưa có dấu hiệu dừng lại. Tháng 10/2023, Hamas đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào miền Nam Israel từ Gaza khiến 1.200 người Israel thiệt mạng. Đáp trả cuộc tập kích của Hamas, Tel Aviv đã triển khai một chiến dịch quân sự trên không và trên bộ kéo dài nhiều tháng ở Gaza. Cho đến nay, hơn 30.000 người Palestine đã thiệt mạng.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Sputnik)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/ly-do-khien-nen-kinh-te-israel-lao-doc-giua-xung-dot-tai-gaza-20240220151350154.htm