Lý do châu Âu muốn đi theo mô hình tăng trưởng kinh tế kiểu Mỹ
Cựu Chủ tịch ECB, Mario Draghi, vừa công bố bản báo cáo cạnh tranh châu Âu, trong đó khuyến nghị EU cần học theo Mỹ trong việc thúc đẩy tăng trưởng sản xuất và đổi mới sáng tạo.
Giới hoạch định kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) có lẽ muốn đi theo con đường của Mỹ. Nhưng điều này đòi hỏi sự can thiệp mạnh hơn của nhà nước, cả về chính sách công nghiệp và thương mại – bài phân tích trên tờ Wall Street Journal ngày 16/9 đã nêu ra quan điểm này.
Giới chính trị EU đã gặp cú sốc hồi tuần trước, khi ông Mario Draghi – cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), người có công lớn trong việc “chèo lái” Khu vực đồng euro (Eurozone) hồi năm 2012, công bố báo cáo vốn rất được mong đợi. Báo cáo chỉ ra cách chặn đứng tình trạng đình lạm kinh tế của khu vực, vốn đang ngày một tệ hơn do cạnh tranh từ hàng xuất khẩu Trung Quốc và việc chấm dứt kỷ nguyên năng lượng nhập khẩu giá rẻ từ Nga.
Trọng tâm của báo cáo khuyến nghị EU cần học theo Mỹ trong việc thúc đẩy tăng trưởng sản xuất và đổi mới sáng tạo. Tài liệu dẫn chứng việc không có một công ty châu Âu nào có mức vốn hóa thị trường trên 100 tỷ euro (110 tỷ USD) được tạo mới trong 50 năm qua. Còn tại Mỹ, những tập đoàn như Apple, Microsoft, Nvidia, Amazon, Alphabet hay Meta đều có mức vốn hóa thị trường vượt 1.000 tỷ USD.
Nhưng việc tiến dần lại mô hình của Mỹ có nghĩa là gì? Ông Draghi nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực công nghệ, cho rằng đây là lĩnh vực đóng góp phần lớn vào tăng trưởng sản xuất vượt trội của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong 20 năm qua. Theo ông, châu Âu không thể tiếp tục mắc kẹt trong những ngành công nghiệp cũ.
Việc nhấn mạnh phát triển theo chiều dọc của một ngành đơn nhất này đánh dấu bước từ bỏ lớn so với nguyên trạng hậu những năm 1980, vốn đề cao thị trường tự do, tinh thần doanh nghiệp và những chính sách phát triển bề ngang nhằm thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế châu Âu như đào tạo lực lượng lao động, xây dựng hạ tầng. Quan điểm này được nêu bật trong Hiệp ước Maastricht vốn là nền tảng cho sự ra đời của EU.
Tại sao Mỹ năng suất hơn là một câu hỏi cũ. Câu hỏi đã được Chủ tịch Đại học Kinh tế London Allyn Young nêu ra từ năm 1928. Ông Young phủ nhận khoảng cách này là do các công ty Mỹ vận hành tốt hơn. Theo ông, “thị trường nội địa lớn nhất thế giới đồng nghĩa với việc các phương pháp năng suất mang lại lợi ích kinh tế, và lợi nhuận tại Mỹ vượt trội so với bất kỳ nơi nào khác”. Theo thời gian, thực tế này dẫn đến sự bùng nổ của những ngành tinh vi nhất tại Mỹ.
Kết luận ở đây là các công ty chỉ chấp nhận đầu tư lớn để nâng cao năng suất nếu họ hoạt động trong những ngành tăng trưởng có ý nghĩa. Đó là lý do tại sao châu Âu tụt hậu so với Mỹ trong tỷ lệ đầu tư phi xây dựng. Ba nhà chi tiêu hàng đầu cho nghiên cứu ở EU vẫn luôn là các tập đoàn ô tô chạy nhiên liệu xăng.
Trong khi đó, tại Mỹ, đầu tư lớn nhất cho nghiên cứu và phát triển (R&D) là ngành ô tô và dược phẩm trong những năm 2000, sau đó chuyển sang lĩnh vực phần mềm và phần cứng trong thập kỷ 2010 và mới nhất là khu vực ứng dụng kỹ thuật số. Các nước không thể dễ dàng dịch chuyển sang những ngành phức tạp, tinh vi này, bởi lợi nhuận có tăng theo quy mô hay không luôn là một rào cản tự nhiên.
Thực tế, lý thuyết về lợi thế so sánh hay ngay cả tác động của tỷ giá hối đoái, dòng chảy vốn không đồng trục cũng không thể giải thích triệt để về thế giới ngày nay, một thế giới mà “người thắng thắng cả thị trường”, cùng với thâm hụt thương mại cố hữu và quá trình tích tụ tập trung vào một số ít các siêu đô thị.
Lịch sử các nước từng tìm cách vượt lên về kinh tế cũng không giúp lý giải xu thế này. Trong giai đoạn đuổi theo Anh vào thế kỷ thứ 19, Mỹ là nước triệt để sử dụng chủ nghĩa bảo hộ công nghiệp. Còn với những trường hợp thành công gần đây như Nhật Bản hay Hàn Quốc, họ lại dựa nhiều vào các khu vực kinh tế và thị trường xuất khẩu ưu tiên.
Trợ cấp công nghiệp cùng với thị trường nội địa rộng lớn giúp Trung Quốc “tấn công” các thị trường toàn cầu với sản phẩm xe điện, tấm pin năng lượng Mặt trời cùng nhiều công nghệ hiện đại khác được chế tạo với mức chi phí mà các đối thủ phương Tây có quy mô nhỏ hơn không thể nào cạnh tranh được.
Phản ứng đầu tiên đến từ đòn trừng phạt thuế quan của cựu Tổng thống Donald Trump. Kế đến là Đạo luật CHIP và Khoa học, Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) dưới thời đương kim Tổng thống Joe Biden với các khoản chi mạnh tay của liên bang hỗ trợ ngành bán dẫn, xe điện và năng lượng sạch nội địa. Dù có trải qua "đau đớn", như "vết thương" mà Intel phải trải qua, nhưng các biện pháp đó đã mang đến sự bùng nổ trong ngành xây dựng chế tạo ở Mỹ.
Nhưng châu Âu đã không thể đạt được cấp độ hành động như vậy. Châu lục này bị tê liệt bởi quản trị rời rạc, lợi ích của các công ty Đức ở Nga và Trung Quốc, cùng với đó là luồng quan điểm tin vào truyền thống tự do thị trường của chính mình. Bản kế hoạch 400 trang của ông Draghi đề xuất một chính sách thương mại dựa trên “phân tích từng trường hợp cụ thể” về lĩnh vực nào sẽ giúp tăng trưởng sản xuất, cùng với đó là một chiến lược công nghiệp dựa vào các ngành lựa chọn thay vì từng "người thắng" cụ thể.
Trong lĩnh vực bán dẫn, tài liệu nhấn mạnh cần chú trọng vào những điểm mạnh của châu Âu như ô tô, thiết bị mạng kết nối, coi đây là lĩnh vực cần được trợ cấp. Về không gian kinh tế, kế hoạch hướng đến các nguyên tắc ưu tiên có chọn lựa để đẩy nhanh quy mô của các công ty nội địa. Trong công nghệ năng lượng Mặt trời, tài liệu đề cập đến đến việc chống lại hành vi thương mại và dư thừa công suất đến từ Trung Quốc, đồng thời cảnh báo việc trả đũa quá mạnh tay có thể hủy hoại thặng dư thương mại của khối về công nghệ điện gió.
Đã có một tiền lệ. Đầu những năm 1990, Airbus là một liên doanh thua lỗ của nhiều quốc gia châu Âu. Nhờ sự hậu thuẫn của chính quyền cùng với một chiến lược thương mại chọn lọc, Airbus hiện là nhà chế tạo máy bay hàng đầu thế giới.
Cái gọi là Đồng thuận Washington (cụm từ xuất hiện từ đầu thập niên 1990 để mô tả một chương trình cải cách kinh tế bao gồm 10 chính sách khác nhau được các tổ chức đóng trụ sở tại Washington như Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF, Ngân hàng Thế giới - WB, Bộ Tài chính Mỹ đề nghị áp dụng ở những nước trải qua khủng hoảng kinh tế) ở cuối thế kỷ XX đã đề cao tự do thương mại giảm vai trò quản lý kinh tế của nhà nước. Ngày nay, việc bước vào “Đội tuyển Mỹ” đồng nghĩa với việc chấp nhận chủ nghĩa bảo hộ chọn lọc cùng với các gói trợ cấp quy mô lớn cho các ngành công nghệ cao.