Luôn day dứt khi không đủ nguồn tạng để cứu người bệnh

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 được đánh giá rất cao về năng lực ghép gan nói riêng và ghép tạng nói chung. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Đại tá, Tiến sĩ Lê Văn Thành, Phó viện trưởng Viện Phẫu thuật tiêu hóa, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật gan-mật-tụy, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, nếu có thêm nguồn gan hiến tặng thì sẽ có thêm nhiều bệnh nhân được cứu sống và bác sĩ không phải day dứt khi nhìn bệnh nhân tử vong vì không có nguồn gan hiến tặng để được ghép...

Áp lực và nỗi day dứt của bác sĩ

Phóng viên (PV): Là bác sĩ chuyên về phẫu thuật, ghép gan, trong hơn 30 năm công tác, điều gì khiến đồng chí thấy áp lực nhất?

Đại tá, Tiến sĩ Lê Văn Thành: Đứng trước mỗi ca bệnh hiểm nghèo, mỗi ca ghép tạng đều là một áp lực rất lớn với tôi. Áp lực ấy là làm sao cứu được người bệnh, giúp họ kéo dài tuổi thọ và có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Nhiều trường hợp con cái còn rất trẻ, tương lai còn rất dài phía trước nhưng vẫn tự nguyện hiến gan cứu bố mẹ. Có trường hợp, người vợ trẻ thiết tha đề nghị bệnh viện cắt một phần gan của mình để ghép cứu chồng, họ còn con thơ nheo nhóc ở nhà. Cứu chữa cho người bệnh trong những trường hợp ấy còn là tương lai của cả gia đình, của những đứa trẻ đáng thương ấy nữa. Vì vậy, chúng tôi càng có áp lực lớn hơn, luôn phải ép mình cố gắng gấp hai, gấp ba lần bình thường để mỗi ca phẫu thuật ghép gan đều thành công.

Đại tá, Tiến sĩ Lê Văn Thành.

Đại tá, Tiến sĩ Lê Văn Thành.

Tôi từng chứng kiến những trường hợp người nhà không đủ điều kiện để hiến tặng gan, vì bản thân họ cũng có những bệnh lý về gan, hoặc thể tích gan không đủ để hiến. Chúng tôi rất day dứt, bất lực nhìn sự sống của người bệnh dần qua đi mà không thể chờ đến ngày có được tạng hiến để ghép, lại càng day dứt hơn khi người nhà tìm mọi cách tiếp cận vật nài, van xin chúng tôi cứu người. Nhiều người nghĩ rằng chúng tôi vì vấn đề này, vấn đề khác, nhưng tuyệt nhiên không phải như vậy. Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định rất rõ thứ tự ưu tiên trong nguyên tắc điều phối ghép mô, bộ phận cơ thể người. Chúng tôi buộc phải thực hiện theo thứ tự ưu tiên quy định trong luật. Với bác sĩ, cứu chữa bệnh nhân luôn là nhiệm vụ số 1, là ưu tiên hàng đầu. Lương tâm của người hành nghề y không cho phép chúng tôi thờ ơ, bàng quan với bất cứ người bệnh nào, chỉ là “lực bất tòng tâm” mà thôi!

 Đại tá, Tiến sĩ Lê Văn Thành kiểm tra tình trạng người bệnh điều trị tại khoa. Ảnh: CHIẾN THẮNG

Đại tá, Tiến sĩ Lê Văn Thành kiểm tra tình trạng người bệnh điều trị tại khoa. Ảnh: CHIẾN THẮNG

PV: Như đồng chí chia sẻ thì nhu cầu ghép tạng của người bệnh rất lớn, nhưng nguồn tạng hiến tặng để ghép cho người bệnh rất thiếu?

Đại tá, Tiến sĩ Lê Văn Thành: Hơn cả thiếu! Rất khan hiếm! Nghịch lý là nguồn tạng rất nhiều, nhưng chúng ta không thể sử dụng để cứu người. Theo tính toán của chúng tôi, nhu cầu ghép gan mỗi năm ở nước ta khoảng 3.000 ca, nhưng hiện nay, chúng ta chỉ đáp ứng được nhu cầu rất ít.

Thực tế, tạng ghép cứu người ở nước ta có hai nguồn, từ người chết não hiến tặng và từ người nhà hoặc từ người tự nguyện hiến sống cho người bệnh. Người chết não ở nước ta do tai nạn giao thông và do đột quỵ não. Một người chết não nếu hiến tạng có thể cứu được mạng sống của ít nhất 7 người khác. Đáng tiếc là tuyệt đại đa số người chết não đều được người nhà đưa về mai táng mà không hiến tạng. Mỗi năm, cả nước chỉ có khoảng 10-15 ca ghép gan nhờ nguồn gan hiến tặng từ người chết não.

Dân chưa thông, luật chưa thoáng

PV: Nguồn hiến tặng khan hiếm như vậy, phải chăng là do công tác tuyên truyền của chúng ta chưa tốt?

Đại tá, Tiến sĩ Lê Văn Thành: Công tác tuyên truyền của chúng ta chưa tốt, nên người dân vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của việc hiến mô, tạng cứu người; hoặc dù hiểu ý nghĩa của việc này nhưng lại có quan niệm về việc người thân của họ sẽ “về thế giới bên kia” với thân thể không toàn vẹn. Đó là quan niệm hết sức sai lầm, vì sau khi cơ thể người ngừng sự sống chỉ vài tiếng là các cơ quan nội tạng đã bắt đầu bị phân hủy. Nó sẽ mất đi vĩnh viễn chứ không hề “đi theo” người chết. Nếu những mô, tạng ấy được hiến tặng thì có nhiều người khác được cứu sống, một phần cơ thể người thân của họ sẽ tiếp tục tồn tại.

Chúng tôi từng chứng kiến có những ông bố, bà mẹ vĩnh viễn mất đi người con của mình vì tai nạn giao thông, nhưng mô, tạng của con họ được hiến để cứu những người khác, nên những người được cứu lại nhận họ làm cha mẹ. Những người cha, người mẹ ấy có thêm nhiều người con khác. Quan trọng là người cha, người mẹ vẫn tìm thấy được sự thân thuộc từ những người được hiến, vì một phần cơ thể con họ vẫn đang tồn tại.

Điều rất bất cập hiện nay là dù luật quy định rõ chỉ người chết não chưa có thẻ hiến tặng thì mới cần có ý kiến của người thân trong việc hiến mô tạng. Người chết não đã có thẻ hiến tặng (họ đã tự nguyện hiến mô tạng, bộ phận cơ thể nên được cấp thẻ) thì không cần có ý kiến người thân, nhưng văn bản dưới luật lại vẫn yêu cầu phải có ý kiến đồng ý của người thân. Vì thế, chỉ cần có 1 ý kiến người thân không đồng ý là không thể tiến hành lấy mô tạng, bộ phận cơ thể để ghép cứu người. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì ở các nước phát triển trên thế giới không có quy định như vậy. Chỉ cần người chết não trước đó đã tự nguyện hiến mô tạng là bệnh viện có thể tiến hành lấy mô tạng để cứu người mà không cần chờ ý kiến của gia đình người chết não.

PV: Theo bác sĩ, làm thế nào để giải được bài toán khan hiếm mô tạng ghép cứu chữa người bệnh?

Đại tá, Tiến sĩ Lê Văn Thành: Theo tôi, chúng ta phải đẩy mạnh tuyên truyền đến từng người dân, để ai cũng hiểu sự cần thiết và ý nghĩa của việc đăng ký hiến mô tạng, bộ phận cơ thể sau khi mình qua đời hoặc nếu chẳng may bị chết não. Mỗi bệnh viện đều cần có một bộ phận chuyên làm nhiệm vụ tuyên truyền người nhà người bệnh bị chết não, đả thông tư tưởng, thuyết phục họ hiến mô tạng, bộ phận cơ thể người chết não để cứu giúp người khác.

Về lâu dài, chúng ta cần sửa đổi quy định của pháp luật để quy trình lấy mô tạng, bộ phận cơ thể người chết não vừa chặt chẽ nhưng cũng đủ thông thoáng để đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp bách hiện nay.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

CHIẾN THẮNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/y-te/cac-van-de/luon-day-dut-khi-khong-du-nguon-tang-de-cuu-nguoi-benh-725934