Long Phú xây dựng nông thôn mới hợp hòa ý Đảng, lòng dân
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Long Phú (Sóc Trăng) đã giành được nhiều kết quả quan trọng, huyện có 5/9 xã về đích nông thôn mới, 4 xã còn lại đạt từ 16 tiêu chí trở lên. Kết quả này phản ánh rõ nét sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, trong đó, vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng và chủ thể của người dân được chú trọng, phát huy.
Khẳng định vai trò của cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới là rất quan trọng, đồng chí Huỳnh Đức - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Long Phú cho biết: “Huyện đã xác định phải củng cố vững chắc hệ thống chính trị, phát huy vai trò hạt nhân của cấp ủy trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là vai trò của người đứng đầu. Bám sát đặc thù, điều kiện thực tiễn của địa phương, các cấp ủy, chính quyền cơ sở đã triển khai thực hiện các tiêu chí nông thôn mới với quan điểm chỉ đạo vừa làm, vừa nghiên cứu, rút kinh nghiệm, lấy ý chí và nguyện vọng của nhân dân làm trung tâm”.
Cùng với các địa phương trong tỉnh, Long Phú bắt tay vào xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp. Việc phát huy vai trò của người đứng đầu các xã trong tổ chức, chỉ đạo thực hiện chương trình được xem là giải pháp tiên quyết, tháo gỡ những vướng mắc phát sinh ngay từ cơ sở. Kết quả Long Phú có 5 xã về đích nông thôn mới, 4 xã còn lại thực hiện đạt từ 16 tiêu chí trở lên và đang tiến về đích theo lộ trình, trong đó có xã Trường Khánh đang hướng đến xã nông thôn mới nâng cao.
Thực hiện lời dạy của Bác “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, các cấp ủy, chính quyền thường xuyên quán triệt tinh thần này trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt quá trình xây dựng nông thôn mới. Trên nền tảng “lấy sức dân để lo cho dân”, đảm bảo nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới đã phát huy sức mạnh cộng đồng. Bằng sự kết hợp hài hòa, khoa học, đồng bộ các giải pháp đã tạo nên sự khởi sắc ở huyện Long Phú với bức tranh nông thôn tươi sáng. Có được kết quả đó, là bởi ở Long Phú, “Ý Đảng, lòng dân” đã hợp làm một, biến những nghị quyết của Đảng trở thành hiện thực, sinh động trong cuộc sống. Về xã Trường Khánh hôm nay, tuy là xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhưng địa phương này đang từng bước hướng đến xã nông thôn mới nâng cao.
Trò chuyện với chúng tôi, đồng chí Lý Văn Kế - Bí thư Đảng ủy xã cho biết, để cán đích nông thôn mới là một việc khó, vì vậy, phương châm của xã là phải dân chủ, công khai, minh bạch. Muốn nhận được sự đồng thuận của dân phải luôn lấy dân làm “gốc” để dân thấy được vai trò chủ thể của chính mình mà góp sức xây dựng nông thôn mới. Có thể thấy, khi vai trò lãnh đạo của Đảng ngày càng được khẳng định, lòng tin của nhân dân với Đảng ngày càng nhân lên, không khí dân chủ được phát huy, thì phong trào càng phát triển, lan tỏa.
Sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, khu vực nông thôn, vùng có đông đồng dân tộc thiểu số sinh sống đã có sự chuyển biến rõ nét: sản xuất phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, tỷ lệ đường giao thông nông thôn kiên cố đạt trên 90%, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn hơn 2%, huyện Long Phú đang từng bước hướng đến huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đi trên những con đường bê tông bằng phẳng, thoang thoảng mùi hương lúa, cảm nhận được sự đổi thay của cuộc sống trong từng nếp nhà, từng ấp, từng khu phố… mới thấy hết ý nghĩa, giá trị của sự đoàn kết, đồng thuận giữa ý Đảng với lòng dân trong xây dựng nông thôn mới.