Lộc Trời sa sút thế nào dưới thời cựu CEO Nguyễn Duy Thuận?

Chỉ tại vị ở Lộc Trời hơn bốn năm, nhưng ông Nguyễn Duy Thuận đã đưa doanh nghiệp bước sang một trang mới, theo hướng tiêu cực.

Ngày 8/10/2024, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Lộc Trời bất ngờ chia sẻ tại một sự kiện cho biết tập đoàn Lộc Trời đang gặp rất nhiều khó khăn và nguy hiểm.

"Tôi đang suy nghĩ mình sẽ đi tiếp cùng Lộc Trời hay dừng lại. Nếu tôi tiếp tục cống hiến cho Lộc Trời chắc chắn sẽ phải đối mặt với rủi ro về sức khỏe và tâm lý. Thậm chí có thể bị tù tội. Đây là thách thức với cả tôi và Lộc Trời", ông Thòn chia sẻ.

Đồng thời, vị chủ tịch Lộc Trời cũng bày tỏ bản thân đã sai lầm trong việc chọn người dẫn dắt và điều hành. "Người đó có thể coi như đã dẫn công ty vào một cái bẫy và chúng ta bị địch phục kích ở đó. Kịch bản được đưa ra vô cùng tinh vi", ông Thòn mô tả.

Ông Thòn giãi bày tâm sự sau biến cố với ông Nguyễn Duy Thuận, cựu Tổng giám đốc Lộc Trời. Ông Thuận đã bị Hội đồng quản trị Lộc Trời miễn nhiệm từ tháng 7/2024.

Đỉnh điểm, trong thời gian qua, Lộc Trời đã có đơn đề nghị UBND tỉnh An Giang chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn hành vi của ông Thuận, với cáo buộc đã có “hành vi gian dối, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây thất thoát tài sản của công ty".

Trước đó, ngày 24/7, Lộc Trời đã gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh thu hồi thẻ APEC và áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Nguyễn Duy Thuận. Lộc Trời cho biết, ông Thuận “có thái độ né tránh, thiếu hợp tác trong việc bàn giao và có dấu hiệu tìm cách xuất cảnh ra nước ngoài để thoái thác trách nhiệm”.

Năm 2020, ông Nguyễn Duy Thuận được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Lộc Trời thay ông Huỳnh Văn Thòn.

Ông Thuận nhậm chức Tổng giám đốc sau khi mới gia nhập Lộc Trời chưa đầy 1 năm với vị trí Giám đốc tài chính, Giám đốc nhân sự, Phó trưởng Ban điều hành các ngành Vật tư nông nghiệp và lương thực.

Sự xuất hiện của ông Thuận được ban lãnh đạo công ty khi đó kỳ vọng mở sang giai đoạn phát triển mới.

Để củng cố thêm niềm tin này, cùng thời điểm bổ nhiệm ông Thuận, Lộc Trời còn bổ nhiệm thêm ông Phillipp Roesler, cựu Phó thủ tướng Đức, vào vị trí Thành viên HĐQT.

Cùng với đội ngũ nhân sự mới, Lộc Trời cũng công bố một kế hoạch đột phá khi tuyên bố sẽ thực hiện tái cấu trúc toàn diện, thống nhất hệ thống quản trị, chuẩn hóa theo các quy trình nghiệp vụ theo chuẩn quốc tế.

Công ty cũng đưa ra chiến lược định hướng trở thành tập đoàn dịch vụ nông nghiệp lớn ở khu vực Đông Nam Á với việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh.

Kế hoạch đầy tham vọng của Lộc Trời

Được thành lập năm 1993, Lộc Trời có tiền thân là Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang, bắt đầu từ lĩnh vực cung ứng thuốc bảo vệ thực vật, sau đó mở rộng sang ngành kinh doanh hạt giống, trồng lúa và tham gia vào chuỗi giá trị lúa gạo, các sản phẩm hữu cơ sinh học.

Trải qua hơn 30 năm hình thành và phát triển, trong vai trò “đầu tàu” dẫn dắt và đồng hành cùng người nông dân An Giang cũng như các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Lộc Trời đã trở thành một trong những tập đoàn nông nghiệp lớn nhất Việt Nam.

Trong giai đoạn 2012-2019, doanh thu của tập đoàn này dao động quanh ngưỡng 6.000-9.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng đạt 300-400 tỷ đồng/năm. Thời điểm này, Lộc Trời liên tục duy trì tỷ lệ chi trả cổ tức tiền mặt hàng năm cho cổ đông, dao động 10-20%/năm.

Cổ phiếu LTG của Lộc Trời cũng trở thành "hạt ngọc" trong mắt nhà đầu tư nước ngoài khi liên tiếp được các quỹ ngoại mua vào.

Đến năm 2019, Lộc Trời thực hiện tái cấu trúc và công bố chiến lược định hướng trở thành tập đoàn dịch vụ nông nghiệp lớn ở khu vực Đông Nam Á, lấy công nghệ ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp.

Đến năm 2020, cùng sự xuất hiện của ông Thuận, Lộc Trời đã dần thay đổi khi chuyển dịch dần mảng bán thuốc bảo vệ thực vật sang tập trung cho mảng lương thực (gạo).

Đây được coi là thách thức lớn cho Lộc Trời bởi mảng kinh doanh gạo có biên lãi rất thấp, chỉ dưới 3%, thua xa so với biên lãi hơn 50% của mảng thuốc bảo vệ thực vật.

Tuy nhiên, bất chấp thách thức đó, Lộc Trời vẫn quyết tâm dịch chuyển. Đầu năm 2022, Lộc Trời và Syngenta ngừng hợp tác cung cấp thuốc bảo vệ thực vật. Kể từ đó, mảng thuốc bảo vệ thực vật của Lộc Trời sụt giảm mạnh cả về sản lượng lẫn tỷ trọng doanh số.

Đổi lại, doanh nghiệp đưa ra nhiều mục tiêu tham vọng như đạt mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2024. Đến năm 2025, Lộc Trời kỳ vọng phát triển vùng nguyên liệu liên kết sản xuất lúa đạt 1 triệu hecta, và các loại cây ăn trái, rau, bắp sinh khối từ 50.000 - 200.000ha mỗi loại.

Doanh nghiệp lên kế hoạch huy động nguồn vốn dài hạn để xây dựng nhà máy gạo công suất 10.000 tấn/ngày tại Long An. Khi nhà máy đi vào hoạt động, tập đoàn phấn đấu nâng mục tiêu tổng công suất sản xuất gạo thành phẩm lên 15.000 tấn/ngày vào năm 2028.

Lộc Trời ký kết hợp đồng cấp tín dụng hợp vốn với bảy ngân hàng lớn trong và ngoài nước năm 2022. Ảnh: Lộc Trời

Lộc Trời ký kết hợp đồng cấp tín dụng hợp vốn với bảy ngân hàng lớn trong và ngoài nước năm 2022. Ảnh: Lộc Trời

Lộc Trời cũng đưa ra nhiều tuyên bố về kinh doanh gắn liền ứng dụng công nghệ và phát triển bền vững.

Ông Thuận từng cho biết nhờ ứng dụng công nghệ hỗ trợ phun thuốc, bón phân theo đúng liều lượng, thông qua sử dụng máy bay không người lái, thuốc bảo vệ thực vật được phun đều, đúng liều lượng, giúp bảo vệ môi trường và người nông dân.

Ngoài ra, Lộc Trời cũng quan tâm tới vấn đề bảo vệ môi trường. “Hiện tại, Lộc Trời đã tạo ra được tín chỉ carbon và sẵn sàng thương mại hóa”, ông Nguyễn Duy Thuận cho biết.

Đồng thời, ông Thuận cũng khẳng định mục tiêu sẽ bán ra trên thị trường khoảng 10 triệu tấn tín chỉ carbon mỗi năm. Lượng tín chỉ carbon này đến từ những nỗ lực không ngừng nghỉ để bền vững hóa “hạt ngọc trời” đã được ông lớn ngành gạo này triển khai nhiều năm trở lại đây.

‘Con dao hai lưỡi’

Một kế hoạch tham vọng đòi hỏi nguồn vốn lớn để thực hiện. Trên thực tế, ý tưởng phát triển nông nghiệp bền vững của Lộc Trời tỏ ra khá “hợp thời” khi nhận được sự hỗ trợ từ đông đảo tổ chức tín dụng trong và ngoài nước.

Đến cuối quý I/2024, nợ vay tài chính của công ty đã tăng gấp hơn ba lần so với năm 2020, lên gần 6.230 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là các khoản vay tín chấp ngắn hạn tại các tổ chức tín dụng trong nước và cả quốc tế với mức lãi suất khá thấp, từ 5-10%/năm.

Những chủ nợ lớn nhất của Lộc Trời là HDBank với khoản cho vay 1.063 tỷ đồng với lãi suất 9%/năm, đáo hạn vào ngày 22/9. Các chủ nợ lớn khác là TPBank (768 tỷ đồng), MB (720 tỷ đồng) và Malayan Banking Berhard (hơn 900 tỷ đồng).

Cuối năm 2022, Lộc Trời đã ký kết gói tín dụng hợp vốn 100 triệu USD với 7 ngân hàng lớn trong và ngoài nước trong thời hạn 3 năm, là bước đầu trong kế hoạch huy động 3 tỷ USD của Lộc Trời để đẩy mạnh mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao. Trong đó, 1 tỷ USD dành cho sản xuất và 2 tỷ USD để thu mua toàn bộ nguyên liệu lúa của nông dân.

Cuối năm 2023, Ngân hàng Phát triển doanh nghiệp Hà Lan (FMO) tiếp tục trao Ý định thư về thu xếp gói thỏa thuận tín dụng trị giá 90 triệu USD cho Lộc Trời, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững theo chuẩn mực quốc tế về bảo vệ môi trường, ổn định xã hội và quản trị minh bạch (ESG).

Lộc Trời cho biết sẽ tiếp tục phát triển nông nghiệp bền vững, bao gồm cả các đối tác trong chuỗi cung ứng, nâng cao đời sống nông dân, xây dựng môi trường nông thôn đáng sống.

Lộc Trời liên tục phải đẩy mạnh vay nợ tài chính để bù đắp cho phần vốn bị chiếm dụng từ khoản phải thu tăng cao. Ảnh: TheLeader Data

Lộc Trời liên tục phải đẩy mạnh vay nợ tài chính để bù đắp cho phần vốn bị chiếm dụng từ khoản phải thu tăng cao. Ảnh: TheLeader Data

Tuy nhiên, việc huy động nguồn vốn khổng lồ trong thời gian ngắn cũng tạo áp lực lên tình hình tài chính của Lộc Trời.

Riêng trong năm 2023, các chi phí tài chính lên tới 960 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay là hơn 580 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi cùng kỳ.

Theo đánh giá của Chứng khoán DSC, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu tăng mạnh trong khi chỉ số thanh toán nhanh giảm xuống dưới mức 1 cho thấy Lộc Trời đang có rủi ro về khả năng chi trả nợ vay.

Trong khi mảng kinh doanh lúa gạo chưa thực sự mang lại hiệu quả với biên lợi nhuận còn khá mỏng, chỉ khoảng 2,5%, các mảng kinh doanh còn lại bị thu hẹp, việc đẩy mạnh vay nợ để thúc đẩy mảng lúa gạo đang trở thành con dao hai lưỡi ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của Lộc Trời.

Bên cạnh sự tăng mạnh nợ vay, có thể nhận thấy từ sự gia tăng đột biến của các khoản phải thu khách hàng, lên tới gần 6.500 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa tổng tài sản công ty. Con số này cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và gấp gần tám lần con số năm 2021.

Đáng chú ý, chất lượng của các khoản vốn bị chiếm dụng này cũng đáng quan ngại khi khoản phải thu khó đòi của doanh nghiệp này cũng liên tục tăng cao, từ 350 tỷ đồng cuối năm 2021 tăng lên hơn 800 tỷ đồng cuối quý I/2024, với số tiền trích lập dự phòng khoản phải thu khó đòi lên tới gần 500 tỷ đồng.

Khủng hoảng nợ vay

Trong các năm gần đây, Lộc Trời đã áp dụng chính sách nới lỏng công nợ. Việc này phần nào mang tới hiệu quả “sổ sách” cho Lộc Trời khi đẩy doanh thu thuần của công ty tăng hơn gấp đôi, từ 7.500 tỷ năm 2020 lên hơn 16.000 tỷ năm 2023.

Tuy vậy, trái ngược với đà tăng của doanh thu, biên lãi gộp của công ty sụt giảm mạnh chỉ còn hơn 15% sau hàng chục năm duy trì trên mức 20%.

Đồng thời, phần lợi nhuận này không đủ bù đắp cho các khoản chi phí hoạt động và chi phí lãi vay liên tục vượt ngưỡng kỉ lục của công ty.

Do đó, dù lên đỉnh doanh thu, lợi nhuận ròng của Lộc Trời giảm về vỏn vẹn hơn 16 tỷ đồng trong năm 2023, mức thấp kỷ lục kể từ khi công ty tiến hành niêm yết.

Giai đoạn trước khi chuyển đổi, Lộc Trời luôn duy trì mức lãi ròng 300-400 tỷ mỗi năm trong hàng chục năm liền.

Những khó khăn còn chưa bộc lộ hết khi đến nay, Lộc Trời vẫn chưa thể công bố báo cáo tài chính quý II/2024.

Doanh nghiệp phải xin gia hạn khi chưa thể công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 với lý do gặp phải sự kiện bất khả kháng, cần tăng cường ổn định dòng vốn hoạt động sản xuất kinh doanh, toàn bộ nhân sự phải tập trung vào việc xử lý các vấn đề tài chính trước mắt.

Bên cạnh sự đi xuống trong kết quả kinh doanh cùng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh này đã âm hơn 2.940 tỷ đồng vào năm 2023 từ mức dương hơn 1.360 tỷ đồng vào năm 2019.

Hệ quả, sau nhiều năm duy trì trả cổ tức tiền mặt quanh mức 15-20%/năm, Lộc Trời đã điều chỉnh kế hoạch chi trả cổ tức sang hình thức cổ phiếu với tỷ lệ 30% trong giai đoạn 2023 - 2025.

Trong giai đoạn cuối của triều đại CEO Nguyễn Duy Thuận, tình hình tài chính của Lộc Trời xấu đi thấy rõ.

Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024, doanh nghiệp đã đề xuất nhiều phương án huy động vốn. Cụ thể, Lộc Trời đã đề xuất ba phương án huy động vốn dài hạn, bao gồm phát hành cổ phiếu riêng lẻ, phát hành trái phiếu chuyển đổi và khoản vay chuyển đổi thành cổ phần nhằm huy động 8.000 - 9.000 tỷ đồng từ các cổ đông và đối tác.

Tuy nhiên, các tờ trình này đã không được thông qua và sẽ được xem xét trước khi trình lại trong các cuộc họp sau.

Tháng 5/2024, Lộc Trời dính vào lùm xùm nợ hàng trăm tỷ đồng tiền thu mua lúa của nông dân. Vụ Đông Xuân 2023-2024, tập đoàn mua hơn 300.000 tấn lúa từ nông dân đồng bằng sông Cửu Long, trị giá gần 2.500 tỷ đồng để làm nguyên liệu chế biến tại các nhà máy.

Tuy nhiên, đến ngày 1/5, Lộc Trời còn nợ 472 tỷ đồng tiền thu mua lúa của nông dân, không trả đúng hạn như cam kết ban đầu.

Ban lãnh đạo Lộc Trời cho biết nguyên nhân là do đối tác mua gạo chưa kịp trả tiền, trong khi vay vốn ngân hàng lại gặp khó khăn. Đến ngày 20/5, Lộc Trời mới sắp xếp và thanh toán hết khoản nợ 472 tỷ đồng cho các hộ nông dân.

Sau khi ông Thuận bị bãi nhiệm, sự phức tạp bên trong nội bộ Lộc Trời tiếp tục leo thang khi hàng loạt nhân sự cao cấp của tập đoàn lần lượt từ chức.

Đến nay, Ban kiểm soát của Lộc Trời chỉ còn duy nhất Trưởng ban Uday Krishna, sau khi hai thành viên trong ban kiểm soát là ông Tiêu Phước Thanh và bà Nguyễn Thị Thúy lần lượt xin từ nhiệm.

Thêm nữa, ông Johan Sven Richard Bode, người mới được bầu làm Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2024 - 2029 cũng đã nộp đơn từ chức với lý do cá nhân.

Việc ông Thòn lên truyền thông kể về những “âm mưu” tại Lộc Trời dưới thời ông Nguyễn Duy Thuận càng như “đổ thêm dầu vào lửa” khiến nhà đầu tư mất niềm tin vào hoạt động của doanh nghiệp.

Kết phiên giao dịch ngày 10/10, cổ phiếu LTG của Lộc Trời giảm 15%, xuống mức giá 9.900 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu LTG đã giảm hơn 80% sau một năm, tiến sát vùng giá đáy lịch sử 8.500 đồng/cổ phiếu trong giai đoạn đại dịch Covid-19 và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Dũng Phạm

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/loc-troi-sa-sut-the-nao-duoi-thoi-cuu-ceo-nguyen-duy-thuan-d37405.html