'Loại' doanh nghiệp bất động sản khỏi danh sách ưu đãi lãi suất là không công bằng
Theo các chuyên gia, trong giai đoạn nền kinh tế đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp cần được đối xử công bằng trong việc ưu đãi lãi suất để tránh tình trạng nợ xấu, cũng như có cơ hội phục hồi.
Bài liên quan
Mức lãi suất thấp khiến cho số lượng người dân gửi tiền vào ngân hàng thấp kỷ lục
Lãi suất tiết kiệm online Nam A Bank lên đến 6.8%/năm
Doanh nghiệp bất động sản “khát vốn”, phát hành ồ ạt trái phiếu lãi suất cao: Nguy hiểm rình rập nhà đầu tư
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất đã cam kết để giữ chữ “tín”
Các doanh nghiệp cần được đối xử công bằng
Các ngân hàng đồng loạt công bố các gói hỗ trợ như giảm lãi, cho vay ưu đãi lãi suất chỉ từ 4%/năm. Đối tượng ưu tiên gồm các doanh nghiệp dệt may, da giày, dược, vật tư y tế, thương mại phân phối, bán lẻ, lúa gạo, thủy sản, vật tư nông nghiệp, vận tải, hàng tiêu dùng thiết yếu…
Tuy nhiên, cùng với chứng khoán, ngành bất động sản lại không được áp dụng việc giảm lãi suất trên. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp lẫn các chuyên gia cùng cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản không được đối xử công bằng trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land, doanh nghiệp bất động sản là đối tác rất quan trọng đối với ngân hàng, cho vay bất động sản chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu tín dụng. Khó khăn do dịch bệnh không phải do yếu tố nội tại mà là bất khả kháng, nằm ngoài sự kiểm soát của doanh nghiệp.
"Cần xem xét, đánh giá lại mức độ thiệt hại cũng như đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện tại. Giải pháp ở đây làm sao cho các doanh nghiệp được đối xử công bằng, chính sách hỗ trợ xem xét đồng đều, đầy đủ bởi dịch bệnh tác động đến tất cả ngành nghề", bà Hương nêu quan điểm.
Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land cho rằng, việc xem xét những chính sách, cơ chế để hỗ trợ cho các doanh nghiệp bất động sản cùng vượt qua những khó khăn sẽ giúp tránh nợ xấu sau này. Doanh nghiệp có cơ hội phục hồi sẽ trở thành đối tác lớn đóng góp lợi ích cho ngân hàng.
Nhận định lĩnh vực bất động sản là xương sống của ngành kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cũng cho rằng việc các doanh nghiệp bất động sản bị nằm ngoài danh sách ưu đãi lãi suất của ngân hàng là "không công bằng".
Theo ông Hiếu, nhu cầu nhà ở tại Việt Nam rất lớn, đặc biệt trong thời điểm này người dân cần chỗ ở để chống dịch. Vậy nên, việc hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản, những nhà xây dựng bất động sản là rất cần thiết.
Nên "chọn mặt gửi vàng"
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, không chỉ riêng bất động sản mà cả nền kinh tế đều gặp rủi ro. Vì thế, các ngân hàng phải "chọn mặt gửi vàng", tìm ra những công ty xứng đáng, vẫn có "đầu ra đầu vào", còn kinh doanh được để hỗ trợ.
"Trước nhất, theo Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước, vấn đề hoãn nợ, giảm lãi vay, gia hạn thời hạn trả nợ, không chuyển nhóm nợ là những biện pháp rất cần thiết cho tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản", ông Hiếu nêu.
Cùng với đó, theo ông Hiếu, Chính phủ thông qua Ngân hàng Nhà nước nên có những gói hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho doanh nghiệp, như thúc đẩy việc giảm lãi suất, chuyển đổi tiền cũng như cho vay mới.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng
"Vấn đề giảm lãi suất cho các món nợ hiện tại đặt ra thách thức đối với các ngân hàng. Bởi, họ đã thu xếp nguồn vốn, lãi suất cũng xác định để các ngân hàng có lời, nên bây giờ giảm lãi suất trên món nợ đang có là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước nên thúc đẩy các ngân hàng giảm lãi suất món vay trên, nhằm giảm chi phí cho các doanh nghiệp đang vay. Đối với doanh nghiệp chuẩn bị vay, nên chọn doanh nghiệp có tiềm năng trả nợ và cung cấp mức lãi suất thuận lợi nhất", ông Hiếu phân tích.
Về việc Ngân hàng Nhà nước cơ cấu nợ cũng như miễn, giảm lãi, phí cho các khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 theo Thông tư 03, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng chưa thỏa đáng. Thay vào đó, ông đề xuất mở rộng mốc thời gian ít nhất là cuối năm 2021, bởi "không ai nghĩ đến tình hình khó khăn như lúc này".
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thanh Hương đánh giá thông tư này đang lỗi nhịp với thực tế thị trường. Theo bà, nên xem xét thay thế bằng thông tư mới, quỹ tín dụng thực tế hơn, hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp thì họ mới có thể vượt qua được khó khăn.
"Phát triển các dự án bất động sản quy mô lớn nên cần nguồn vốn và khoản vay rất lớn. Thời hạn vay là trung, dài hạn chứ không phải ngắn hạn. Khi gặp khó khăn như hiện tại, nguồn thu của các doanh nghiệp bị ngưng trệ nên phải có các giải pháp liên quan đến câu chuyện khoanh nợ, giảm nợ, cơ cấu lại phần nợ để doanh nghiệp có thời gian phục hồi hoạt động, có nguồn thu, kế hoạch để trả nợ", Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land nêu quan điểm.
Để ngân hàng có sự phân loại, đánh giá khách quan, đúng thực tế, bà Hương cho rằng việc xem xét lịch sử trả lãi vay là yếu tố cần thiết. Bởi, các doanh nghiệp trả đúng thời hạn, đúng tiến độ, nhưng giai đoạn này gặp khó khăn bất khả kháng nên họ trả chậm, khác với các doanh nghiệp có lịch sử vay không tốt.