Lo ngại về 'sức khỏe' của nền kinh tế Nhật Bản trong năm 2020

Kinh tế Nhật Bản vừa khép lại năm 2019 với nhiều khó khăn, trong khi triển vọng năm 2020 cũng không thật sự sáng sủa. Văn phòng Nội các Nhật Bản mới đây cho biết, kinh tế nước này trong hai quý cuối cùng của năm 2019 tăng trưởng chậm hơn dự kiến, làm dấy lên lo ngại về 'sức khỏe' của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.

Xếp dỡ hàng hóa tại cảng ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản

Trong những ngày đầu năm 2020, các số liệu thống kê và dự báo kinh tế cho thấy, "mây đen" vẫn tiếp tục "che phủ" trên bầu trời của “đất nước mặt trời mọc”. Công ty logistics hàng đầu thế giới DHL dự đoán rằng, hoạt động thương mại của Nhật Bản sẽ giảm trong thời gian tới, với giá trị chỉ số giảm 5 điểm, xuống mức 48 điểm, dưới ngưỡng tăng trưởng. Sự tăng trưởng âm này bắt nguồn chủ yếu từ việc thu hẹp thương mại bằng đường hàng không giữa các ngành. Dự kiến, hoạt động thương mại trên toàn thế giới sẽ có sự thu hẹp trong 3 tháng tới và điều này tiếp tục gây khó khăn cho xuất khẩu của Nhật Bản.

Lĩnh vực sản xuất cũng ghi nhận những tín hiệu ảm đạm khi Bộ Thương mại Nhật Bản cho biết, sản lượng công nghiệp trong quý IV/2019 giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ đầu năm ngoái, tín hiệu cho thấy “các vết nứt” ngày càng lan rộng trong nền kinh tế vốn đang phải đối mặt với sụt giảm nhu cầu trong nước và quốc tế. Theo ước tính trung bình của 35 nhà kinh tế chuyên về lĩnh vực tư nhân thuộc Trung tâm Dự báo nghiên cứu kinh tế của Nhật Bản, tăng trưởng GDP thực tế của nước này sẽ chỉ đạt 0,49% trong năm tài chính bắt đầu từ tháng 4/2020. Nếu điều này trở thành sự thật, đây sẽ là năm tăng trưởng tồi tệ thứ 2 được ghi nhận chỉ trong 6 năm qua.

Theo kết quả khảo sát của hãng tin Kyodo, các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản ngày càng bi quan về tình hình kinh tế đất nước, do lo ngại về căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như tác động từ việc Nhật Bản tăng thuế tiêu dùng hồi tháng 10/2019. Phát biểu tại buổi họp báo đầu năm mới vừa qua, người đứng đầu Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản cho biết, các số liệu kinh tế đã cho thấy động thái tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% của Nhật Bản hồi đầu tháng 10/2019 đang tác động đến lĩnh vực tiêu dùng tư nhân.

Theo đó, chi tiêu hộ gia đình trong tháng 10/2019 đã giảm lần đầu trong 11 tháng, trong khi doanh số bán lẻ trong cùng kỳ cũng ghi nhận mức giảm hằng năm lớn nhất của hơn 4 năm qua. Các nhà kinh tế cấp cao tại Viện Nghiên cứu Daiwa cho biết, động thái nâng thuế tiêu dùng dự kiến sẽ làm tăng gánh nặng thuế của các hộ gia đình Nhật Bản thêm khoảng 2.000 tỷ yên trong năm tài khóa 2020.

Nhằm đối phó nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế và khắc phục hậu quả của các thảm họa thiên nhiên gần đây, ngày 5/1, Thủ tướng Nhật Bản S.Abe đã công bố gói hỗ trợ nền kinh tế trị giá 120 tỷ USD. Gói hỗ trợ này nhằm hai mục đích, một là giúp giảm bớt tác động của đợt tăng thuế tiêu dùng vừa qua với nền kinh tế; hai là giúp ngăn chặn nguy cơ kinh tế giảm sút sau khi Chính phủ chi tiêu “mạnh tay” cho Thế vận hội Tokyo 2020.

Theo hãng tin Kyodo, gói hỗ trợ nêu trên cũng sẽ bao gồm các biện pháp hỗ trợ mở rộng xuất khẩu nông sản của Chính phủ khi thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản dự kiến sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2020. Trước đó, Chính phủ Nhật Bản đã công bố kế hoạch hỗ trợ tài chính cho các công ty đầu tư ở nước ngoài nhằm giúp họ đa dạng hóa sản xuất để đối phó với nguy cơ suy thoái kinh tế từ bên ngoài. Tuy vậy, trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt nhiều khó khăn như hiện nay, các chuyên gia kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu Nhật Bản vừa cảnh báo ảnh hưởng của gói hỗ trợ này có thể “bị giới hạn” và chỉ có khả năng thúc đẩy các doanh nghiệp liên quan cơ sở hạ tầng chứ chưa thể tạo động lực tăng trưởng đáng kể cho toàn bộ nền kinh tế.

Tình hình kinh tế của Nhật Bản cho thấy, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ là một trọng tâm đối với Chính phủ của Thủ tướng S.Abe trong năm nay, bởi năm 2020 là năm “bản lề” để chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong năm 2021 ở “đất nước mặt trời mọc”. Thành tựu kinh tế của năm 2020 sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cá nhân ông S.Abe cũng như liên minh cầm quyền của đảng Dân chủ Tự do (LDP).

Hoài Anh (t.h)

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/theo-dong-thoi-su/lo-ngai-ve-suc-khoe-cua-nen-kinh-te-nhat-ban-trong-nam-2020-76589.html