Lo ngại biến chủng Omicron khiến triển vọng chứng khoán 'mong manh' hơn
Thị trường chứng khoán đã có tuần giảm mạnh nhất trong 3 tháng qua, trong bối cảnh lo ngại về biến chủng Omicron. Dòng tiền yếu trên thị trường và những lo ngại xung quanh biến chủng Omicron khiến cho triển vọng tăng điểm của chỉ số trong những tuần cuối năm trở nên 'mong manh' hơn.
Sau những tuần trước lạc quan về việc chỉ số VN-Index chạm ngưỡng giao dịch 1.500 điểm, thị trường chứng khoán bất ngờ giảm mạnh trong tuần qua với 4/5 phiên giảm điểm. Trong đó, phiên giao dịch cuối tuần giảm mạnh 35,73 điểm, tương ứng giảm 2,6%.
Như vậy, chỉ số VN-Index ghi nhận giảm 3,33% so với tuần trước, về mức 1.443,32 điểm. Đây cũng là tuần giảm điểm mạnh nhất của chỉ số kể từ tuần kết thúc ngày 16-7, khi đó chỉ số giảm 3,55%.
Nguồn: FiinPro, HSX, HNX.
Trước đó, sự tăng tốc mạnh mẽ của VN-Index đến từ sự trỗi dậy của nhóm cổ phiếu ngân hàng, cùng với những thông tin lạc quan về khả năng nâng room tín dụng, các gói hỗ trợ đã giúp thị trường tăng mạnh.
Tuy nhiên, các cổ phiếu ngân hàng trước đó được kỳ vọng có dòng tiền lớn chảy vào, trong tuần qua cũng rơi vào nhịp điều chỉnh mạnh, khi có đến 6/10 cổ phiếu kéo giảm chỉ số.
Trái với diễn biến của nhóm ngân hàng, dòng tiền lại chuyển hướng chảy vào nhóm bất động sản, chứng khoán, xây dựng và vật liệu (tỷ trọng giá trị giao dịch tuần này tăng lần lượt 3,05%, 1,76% và 1,4% so với tuần trước).
Một trong những lý do VN-Index thất bại khi chinh phục ngưỡng 1.500 điểm là vì đi chung với đà giảm mạnh của thế giới, hiện diễn biến chứng khoán thế giới vẫn khá tiêu cực trước những thông tin về biến chủng mới Omicron.
Khối phân tích của nhiều công ty chứng khoán đánh giá, thị trường Việt Nam giảm sâu trong cuối tuần qua vì thông tin tại Singapore và Malaysia đã ghi nhận những trường hợp đầu tiên mắc Covid-19 với biến thể mới Omicron. Thông tin này tạo hiệu ứng thận trọng với các nhà đầu tư và từ đó kéo theo lực cung gia tăng mạnh trong cuối phiên.
Theo Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tiêu cực. Nếu đà giảm tiếp tục diễn ra ở phiên giao dịch đầu tuần thì rủi ro ngắn hạn có thể tăng mạnh. Chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm mạnh trong vùng bi quan cho thấy chiến lược ngắn hạn chủ đạo vẫn là giảm tỷ trọng cổ phiếu.
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán VCBS, thanh khoản trong tuần qua cũng có sự sụt giảm nhẹ so với tuần trước đó, cho thấy phản ứng khá dè dặt của dòng tiền cũng như tâm lý hoài nghi của nhà đầu tư. “Dòng tiền vẫn ít có khả năng sẽ quay trở lại trạng thái dồi dào như trước, nhất là khi thị trường vẫn đang trong trạng thái thiếu vắng thông tin hỗ trợ”, VCBS đánh giá.
Theo VCBS, thanh khoản từng phiên và cả tuần đều sụt giảm so với tuần trước cho thấy dòng tiền đã rút ra một phần và có xu hướng chờ đợi các vùng giá giảm nhiều hơn rồi mới quay trở lại. Tuy nhiên, mặt bằng giá mới đang dần được thiết lập kể từ thời điểm VN Index vượt 1.400 điểm.
Về kỹ thuật, theo Công ty chứng khoán SSI, chỉ số VN-Index hiện đã đi về gần vùng hỗ trợ tiếp theo tại 1.425 điểm. Đây là vùng hỗ trợ rất mạnh, được hình thành bởi vùng đỉnh lịch sử vào đầu tháng 7-2021. “Khả năng chỉ số VN-Index sẽ hồi phục trở lại từ vùng hỗ trợ này”, SSI đánh giá.
Dũng Nguyễn