Lỗ hổng nào khiến dịch Covid-19 bùng phát tại Thái Lan?

Đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ hai ở Thái Lan vừa xảy ra vào đầu tháng 12/2020 sau nửa năm nước này không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng.

Tính đến cuối tháng 11/2020, Thái Lan trải qua 6 tháng không phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng nào và nhận được sự đánh giá cao của quốc tế về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch thứ hai đã xảy ra từ đầu tháng 12/2020. Tổng số ca mắc Covid-19 ở Thái Lan hiện là 8.966 người, trong đó có 65 trường hợp tử vong.

Hôm 4/1, nước này đã ghi nhận 745 trường hợp mắc Covid-19, con số nhiễm mới cao nhất trong một ngày kể từ khi đại dịch bùng phát. Trong đó, 557 người là lao động nhập cư, 152 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng và 36 ca nhập cảnh đã được cách ly.

28 tỉnh thành, bao gồm Bangkok, được xác định là những khu vực nguy cơ cao, "báo động đỏ". Chính phủ nước này cũng khuyến cáo tạm ngưng hoạt động với một số doanh nghiệp cũng như cấm tụ tập đông người tại các khu vực này.

Trong báo cáo do Bộ Y tế Công cộng Thái Lan công bố, quốc gia này chia sẻ kinh nghiệm ngăn ngừa dịch bệnh do SARS-CoV-2 gây ra trong đợt bùng phát đầu tiên, cũng như "lỗ hổng" khi để xảy ra đợt bùng phát thứ hai.

"Lỗ hổng" trong kiểm soát người nhập cư

Theo Channel News Asia, sau nửa năm không xuất hiện ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng, Thái Lan bất ngờ bùng phát đợt dịch mới vào đầu tháng 12/2020 với hầu hết trường hợp là lao động nhập cư ở thủ đô Bangkok. Chỉ trong thời gian ngắn, toàn bộ những nỗ lực kiểm soát dịch chặt chẽ trong suốt nhiều tháng của chính phủ và người dân Thái Lan đã bị phá vỡ.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho biết dịch xảy ra khi quốc gia này nỗ lực hồi sinh ngành du lịch sinh lời, nền kinh tế đang cạn kiệt. Lao động nhập cư được xem là nguồn lực có nhiều đóng góp cho nền kinh tế Thái Lan.

 Nhân viên y tế khử trùng tại khu chợ hải sản Mahachai, nơi bùng phát dịch Covid-19 đợt 2 ở Thái Lan. Ảnh: Bangkokpost.

Nhân viên y tế khử trùng tại khu chợ hải sản Mahachai, nơi bùng phát dịch Covid-19 đợt 2 ở Thái Lan. Ảnh: Bangkokpost.

Điều này cho thấy thực tế là sau thời gian dài không xuất hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng, chính quyền có phần lơi lỏng, đặc biệt trong việc quản lý lao động nước ngoài và người nhập cảnh trái phép.

Ngoài ra, tâm điểm đợt bùng phát dịch lần này là khu chợ Mahachai ở tỉnh Samut Sakhon. Đây là một trong những chợ hải sản đầu mối lớn nhất ở Thái Lan. Khu chợ cũng là nơi có hàng nghìn lao động nhập cư người Myanmar đang làm việc.

Chính quyền Thái Lan cũng cố gắng hạn chế giao thông qua biên giới. Nhưng vùng biên giới của quốc gia này nổi tiếng là lỏng lẻo. Vào đầu tháng 12/2020, các trường hợp mắc Covid-19 có nguồn gốc từ Myanmar đã được tìm thấy ở miền bắc Thái Lan. Họ là những người Thái trở về sau thời gian lưu trú ở Myanmar, nhập cảnh trái phép qua biên giới để tránh cách ly.

Nhiều vùng của đất nước, bao gồm thủ đô Bangkok, chịu cấm vận khác nhau. Chính phủ cũng hạn chế việc đi lại giữa các tỉnh bị nhiễm virus, cấm trao đổi hàng hóa, đồng thời thiết lập các trạm kiểm soát trên một số tuyến đường.

Dù đã ngừng các hoạt động và tụ tập công cộng, đóng cửa trường học, quán bar và những nơi tụ tập đông người, chính phủ Thái Lan vẫn chưa thực hiện biện pháp nghiêm khắc như họ đã làm vào tháng 3/2020 và thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus.

Ông Taweesilp Visanuyothin, phát ngôn viên của Trung tâm Quản lý tình huống Covid-19 (CCSA), lo ngại số ca mắc Covid-19 trên toàn quốc có thể tăng lên do khả năng lây lan của virus SAR-CoV-2 khi người dân di chuyển trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch.

Bên cạnh đó, Yong Poovorawan, nhà virus học cao cấp từ Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, cho biết Thái Lan cũng ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến chủng mới của SARS-CoV-2 - B117.

Biến chủng này được phát hiện trong một gia đình 4 người đang bị cách ly sau khi từ Anh đến Thái Lan. Dù biến chủng này không có nguy cơ lây lan ở Thái Lan, Bộ Y tế cũng khuyến nghị chính phủ hoãn tất cả chuyến bay từ Anh cho đến khi có thêm thông tin về chủng vi khuẩn mới.

 Người dân Thái Lan được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Straistimes.

Người dân Thái Lan được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Straistimes.

Những biện pháp từng giúp Thái Lan kiểm soát dịch

Hành động sớm

Ba ngày sau khi Trung Quốc thông báo ca bệnh Covid-19 đầu tiên, Thái Lan bắt đầu khám sàng lọc hành khách đến từ Vũ Hán. Sau đó, đây là quốc gia đầu tiên bên ngoài Trung Quốc đại lục ghi nhận ca nhiễm virus SARS-CoV-2 từ tháng 1/2020.

Việc phát hiện trường hợp Covid-19 thúc đẩy các chiến dịch và biện pháp y tế công cộng mạnh mẽ tại quốc gia này. Thái Lan đã triển khai biện pháp như phong tỏa, bắt buộc đeo khẩu trang, khử trùng tay, đóng cửa các trường học, khu vui chơi, siêu thị..., nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Bộ Y tế nước này đã nâng mức độ khẩn cấp y tế lên mức cao nhất là cấp 3 nhằm đảm bảo tất cả cộng đồng trên toàn quốc cũng như các bệnh viện và sân bay có thể đối phó tính khốc liệt của dịch bệnh.

Quốc gia này đã thành lập Trung tâm Quản lý tình huống Covid-19 (CCSA) để chỉ đạo ở quy mô toàn quốc cũng như trung tâm xử lý dịch bệnh ở cấp cơ sở. Các quan chức được phân công nhiệm vụ rõ ràng và chính quyền cho phép các chuyên gia y tế tham gia việc ra quyết định.

Chú trọng vào hệ thống y tế

Sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe cơ bản trong 4 thập kỷ qua giúp quốc gia này chuẩn bị tốt trong việc đối phó với đại dịch. Cả nước có hơn 10.000 bệnh viện lớn nhỏ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe đầy đủ.

Ngoài ra, trong đợt bùng phát Covid-19, chính phủ Thái Lan đã cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho tất cả người nhiễm bệnh, bao gồm cả người nước ngoài. Tất cả bệnh nhân Covid-19 đều có thể tiếp cận điều trị thiết yếu mà không có rào cản tài chính.

Bên cạnh đó, quốc gia này còn có đội ngũ tình nguyện viên y tế thôn bản đông đảo gồm hơn một triệu người tại trên 75.000 ngôi làng khắp đất nước. Những người này thường xuyên đến thăm các gia đình để thông báo tình hình dịch bệnh, theo dõi chặt chẽ người ra vào địa phương khi có dịch, phối hợp chặt chẽ với nhân viên y tế, thậm chí còn làm khẩu trang vải cho người dân.

Kiểm soát dịch bằng bảng hệ thống mã màu

Theo The Nation Thailand, Trung tâm Quản lý tình huống Covid-19 (CCSA) tại Thái Lan đưa ra hệ thống mã màu để xác định những khu vực nào trên phạm vi cả nước dễ bị bùng phát dịch nhất.

Bốn khu vực mã màu (đỏ, cam, vàng và xanh lá cây) tương ứng với 4 mức độ mắc Covid-19 ở các tỉnh bị ảnh hưởng và giải pháp kiểm soát dịch tương ứng. Căn cứ vào mã màu, tại mỗi cụm tỉnh, thống đốc tỉnh và cán bộ y tế công cộng sẽ quyết định hoạt động nào được phép.

 Hệ thống bảng màu phân vùng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với mức độ khác nhau. Ảnh: Nationthailand.

Hệ thống bảng màu phân vùng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với mức độ khác nhau. Ảnh: Nationthailand.

Vùng màu đỏ (Red zone) kiểm soát các tỉnh phát hiện bệnh nhân Covid-19 mới trong vòng 7 ngày. Những nơi này có số ca mắc tăng lên đáng kể và được kiểm soát ở mức độ tối đa. Trong vùng này, các hoạt động đám đông bị cấm và các biện pháp ngăn chặn tối đa Covid-19 được áp dụng tại nơi làm việc, nhà máy và ký túc xá của công nhân.

Các cơ sở có chỉ số rủi ro cao phải đóng cửa hoặc giới hạn giờ hoạt động. Người lao động nhập cư không được phép ra khỏi tỉnh. Giáo dục trực tuyến và làm việc tại nhà được khuyến cáo.

Vùng màu cam (Orange zone) đánh dấu những tỉnh phát hiện bệnh nhân Covid-19 mới trong vòng 14 ngày. Việc vận chuyển công nhân nhập cư ra khỏi vùng cam cũng bị cấm.

Vùng màu vàng (Yellow zone) là nơi không có bệnh nhân Covid-19 mới được phát hiện trong vòng 14 ngày qua. Trong khi đó, vùng màu xanh lá cây (Green zone) là vùng giám sát được áp dụng cho các tỉnh không có ca nhiễm bệnh (trong 28 ngày).

Phương Mai

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lo-hong-nao-khien-dich-covid-19-bung-phat-tai-thai-lan-post1170329.html