Linh hoạt cung ứng, bảo đảm đủ hàng hóa đến người dân

Triển khai các điểm bán hàng lưu động, siêu thị phát phiếu hẹn mua hàng, đang là những cách làm linh hoạt, bảo đảm tốt nhất người dân TP Hồ Chí Minh được cung cấp hàng hóa phục vụ đời sống trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Các hệ thống bán lẻ cũng cam kết tăng lượng cung ứng, giữ vững ổn định thị trường.

Mở điểm bán lưu động, tăng lượng cung ứng hàng

Trước nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân TP Hồ Chí Minh đáp ứng sinh hoạt, đời sống, cũng như phục vụ hàng hóa thiết yếu cho các khu phong tỏa, cách ly, ngay trong sáng 15-7, Sở Công thương Thành phố đã tổ chức 75 điểm bán hàng lưu động. Các điểm bán lưu động thực hiện theo đề xuất của các quận như: 3, 7, 8, 12, Bình Tân, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, Hóc Môn… Tại các điểm bán bảo đảm treo băng rôn, niêm yết giá cụ thể. Người dân đã trật tự mua sắm và bảo đảm thực hiện 5K. Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương Thành phố, việc tổ chức các điểm hàng lưu động nhằm thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố để chung tay thực hiện phòng chống dịch, cung ứng hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ người dân trong điều kiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Người dân được bố trí ngồi giãn cách trước siêu thị để chờ đến lượt mua hàng.

Cùng với các điểm bán lưu động của Sở Công thương, một số đơn vị bán lẻ cũng tổ chức thêm điểm bán bên ngoài siêu thị. Chẳng hạn, Công ty TNHH Aeon Việt Nam đã tổ chức điểm bán lưu động tại quận: 8, 10, Bình Thạnh, Tân Bình… Với mỗi điểm bán, đơn vị cung ứng khoảng 40 sản phẩm thiết yếu, giá bán không đổi so với trong siêu thị nên người dân an tâm mua sắm. Ngoài ra, Công ty Cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh cũng tổ chức thêm 4 điểm bán lưu động bên cạnh những điểm bán cố định để đưa hàng hóa đến người tiêu dùng tốt hơn.

Ghi nhận trong ngày tại các siêu thị: Co.opmart, Co.opXtra, cửa hàng Co.opFood, Co.opSmile … của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), chúng tôi nhận thấy không còn hiện tượng người dân xếp hàng để chờ mua lương thực, thực phẩm. Một số siêu thị bố trí ghế ngồi để người dân giữ khoảng cách và lần lượt vào mua sắm. Saigon Co.op cũng áp dụng phương pháp phát phiếu hẹn giờ tại các hệ thống bán lẻ ở khu vực cao điểm để tránh người dân dồn về siêu thị cùng một thời điểm, giảm tối đa hiện tượng tắc nghẽn mua sắm và không bảo đảm 5K.

Theo bà Bùi Thị Giáng Thu, Giám đốc siêu thị Co.opmart Chu Văn An (quận Bình Thạnh), cùng với phát phiếu hẹn mua theo giờ, để điều phối lưu lượng khách bên trong hợp lý, siêu thị bố trí chổ ngồi và mời mỗi đợt 10 khách vào mua sắm, khuyến khích mỗi lượt khách chỉ mua sắm tối đa 40 phút để nhường cho người khác. Vào ở những khung giờ thấp điểm, ít khách, siêu thị sẽ linh động giải quyết cho khách vãng lai chưa có phiếu được mua sắm.

Nhân viên hệ thống siêu thị Co.opmart lựa chọn hàng hóa theo đơn đặt để giao cho khách hàng.

Các hệ thống phân phối khác trên địa bàn thành phố như: Mega Market, Central Retail Việt Nam… đều khẳng định, nguồn cung hàng nông sản thực phẩm không thiếu, đồng thời luôn tăng cường nguồn cung thực phẩm tươi sống. Riêng với Saigon Co.op, Với lượng dự trữ lớn về gạo, mì, thực phẩm khô, thực phẩm đông lạnh, thịt mát, hàng bình ổn giá, có thể bảo đảm cung ứng ổn định trong 3-6 tháng tiếp theo.

Ông Vũ Thanh Tân, đại diện marketing của Central Retail Việt Nam cho biết thêm, hệ thống bán lẻ gồm GO!, Big C và Tops Market luôn nỗ lực bảo đảm việc vận hành các cửa hàng và cung cấp đủ hàng hóa với giá cả tốt nhất cho người tiêu dùng thành phố. Các đơn vị đã và đang triển khai làm việc chặt chẽ với những nhà cung cấp để bảo đảm nguồn hàng, đặc biệt là hàng tươi sống. Đồng thời, tăng cường hàng khô lên gấp 3 lần và tăng thời gian phục vụ đến 23 giờ hàng ngày.

Đa dạng mô hình hỗ trợ người dân

Trước yêu cầu người dân hạn chế đi lại, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết để thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg, hệ thống bán lẻ tại TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với các đoàn thể triển khai nhiều mô hình hiệu quả, hỗ trợ người dân mua sắm. Saigon Co.op là đơn vị tiên phong kết hợp tổ chức đoàn thể phát hành phiếu “Đi chợ giúp người dân”. Theo đó, đối với các khu vực phong tỏa, sẽ có phương án kết hợp tổ dân phố lập danh sách đi chợ giúp người dân hoặc cung cấp bộ sản phẩm gồm 5 - 10 mặt hàng thiết yếu đến từng gia đình. Saigon Co.op còn tăng cường bán hàng trên các ứng dụng app, trang website: https://cooponline.vn để giảm áp lực di chuyển mua sắm của người dân.

Hệ thống bán lẻ gồm GO!, Big C và Tops Market luôn nỗ lực bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa cho người dân TP Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp triển khai mô hình “Đi chợ giùm” với phương pháp phát phiếu đăng ký cho người dân. Siêu thị sẽ thu phiếu đăng ký và chuyển giao hàng hóa tại một điểm cố định vào ngày hôm sau. Thành đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam TP Hồ Chí Minh phối hợp các đơn vị đồng hành, chính thức hoạt động “Siêu thị mini 0 đồng” trực tuyến hỗ trợ hơn 5.500 sinh viên của 70 trường đại học, cao đẳng đang còn tạm trú tại 37 ký túc xá trên địa bàn. Hệ thống siêu thị MM Mega Market Việt Nam còn cam kết giao hàng sau 4 giờ khách đặt hàng online, miễn phí vận chuyển trong bán kính 10km, đồng thời giao hàng đến những địa điểm trong khu vực phong tỏa, cách ly.

Để thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg, góp phần phòng, chống dịch hiệu quả, các đơn vị bán lẻ, hệ thống phân phối mong muốn người dân luôn an tâm, nêu cao trách nhiệm, tuân thủ 5K tại các nơi mua sắm nhu yếu phẩm trong giai đoạn này. Đồng thời, nên tăng cường tham gia mua sắm online để giảm tải cho siêu thị, hạn chế ra đường, thực hiện nghiêm giãn cách. Lượng hàng hóa đang nhập về thành phố ngày càng nhiều do lĩnh vực vận chuyển được khai thông, kết hợp với lượng dự trữ hàng của các đơn vị sẽ bảo đảm cung ứng cho thị trường thành phố luôn ổn định.

Bài và ảnh: HÙNG KHOA

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/linh-hoat-cung-ung-bao-dam-du-hang-hoa-den-nguoi-dan-665463